Văn học, nghệ thuật - nguồn lực to lớn gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc - Bài 3
Bài 3: Tuyên truyền, lan tỏa tác phẩm văn học - nghệ thuật
Văn học, nghệ thuật (VHNT) có vai trò quan trọng, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội. VHNT với khả năng tác động vào suy nghĩ, tình cảm, tâm hồn, nhận thức công chúng, tạo nên nguồn năng lượng dồi dào bồi đắp xã hội văn hóa, tư cách và phẩm chất văn hóa của con người, đề cao bản chất và mục tiêu nhân văn trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Do vậy, VHNT xứng đáng được đề cao, trân trọng và trước hết cần được tuyên truyền, quảng bá, lan tỏa rộng rãi hơn vào cuộc sống.
Chú trọng tuyên truyền, quảng bá văn học, nghệ thuật
Theo Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, Tổng Biên tập Tạp chí Non nước Cao Bằng Phạm Thanh Thắng, bên cạnh việc đầu tư cho sáng tạo cần chú trọng đầu tư cho việc công bố, quảng bá, phát hành tác phẩm. Nhiều văn nghệ sĩ (VNS) tài năng, nhiệt thành sáng tác thường tập trung cho sáng tạo, ít có điều kiện dành thời gian, công sức giới thiệu, quảng bá, truyền thông tác phẩm của mình. Vì vậy, việc lan tỏa các tác phẩm VHNT ra công chúng, cộng đồng là điều cần thiết.
Trên thực tế, mỗi năm, lực lượng VNS sáng tác hàng trăm tác phẩm trên các lĩnh vực VHNT có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương và đáp ứng nhu cầu thưởng thức VHNT của công chúng, trong đó nhiều tác phẩm thuộc các chuyên ngành: văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc… đoạt giải cao tại các cuộc thi trong tỉnh, khu vực, quốc gia và quốc tế… Để những tác phẩm VHNT thật sự đến được với công chúng và lan tỏa trong cộng đồng, Hội VHNT tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các hội đoàn thể tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các tác phẩm VHNT như: Tổ chức Ngày Thơ Việt Nam (Nguyên tiêu), Ngày Âm nhạc Việt Nam 3/9, tổ chức các triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh của khu vực và của Trung ương, phối hợp tuyên truyền, quảng bá, giao lưu kinh nghiệm sáng tác; những cuộc vận động sáng tác, cuộc thi, liên hoan, hội thi, hội diễn…
Nhằm góp phần đưa những tác phẩm VHNT lan tỏa sâu trong quần chúng, hằng năm, Đoàn Nghệ thuật tỉnh biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị khoảng 90 buổi/năm; Đội Thông tin lưu động biểu diễn phục vụ được 120 buổi/năm, xây dựng 8 cụm panô tuyên truyền cổ động; các huyện biểu diễn phục vụ nhân dân 1.344 buổi/năm; các cửa hàng sách, văn hóa phẩm phục vụ nhu cầu của khách hàng được 5.050 bản sách, văn hóa phẩm và trên 8.730 băng đĩa ca nhạc…

Các đại biểu dự hội thảo tăng cường công tác giao lưu phối hợp tổ chức hoạt động văn hóa nghệ thuật giữa các địa phương.
Nghệ sĩ Ưu tú Ma Thị Hương Lan, Trưởng Đoàn Nghệ thuật tỉnh khẳng định: Ngoài nhiệm vụ được giao, hoạt động biểu diễn của đoàn đã góp phần tuyên truyền, giới thiệu đến độc giả những tác phẩm VHNT đặc sắc của các VNS. Đoàn luôn chú trọng dàn dựng, biểu diễn những tiết mục, chương trình mang đậm bản sắc các dân tộc Cao Bằng, góp phần bảo tồn, gìn giữ và quảng bá về hình ảnh, con người vùng non nước Cao Bằng đến khán giả trong nước và nước ngoài. Nhiều tiết mục được đông đảo khán giả yêu thích và đạt thành tích cao tại các kỳ liên hoan, hội diễn chuyên nghiệp cũng như giao lưu quốc tế như: “Bài ca những người đi chân đất”, “Nói với con” của nhạc sĩ Đàm Thanh; “Tổ khúc non xa xa”, “Suối Lê-nin nhớ Bác”, “Ba Bể pế tiên”, “Trăng soi đường Bác” của nhạc sĩ Hoa Cương được Đoàn dàn dựng, biểu diễn và đạt được giải thưởng cao trong khu vực.
Chú trọng phát triển các hoạt động, phong trào văn nghệ quần chúng lành mạnh, phong phú, đa dạng, giàu bản sắc, phục vụ đông đảo các tầng lớp nhân dân; có cơ chế, chính sách động viên, khuyến khích quần chúng nhân dân phát huy vai trò chủ thể tham gia sáng tạo và thụ hưởng các giá trị VHNT; cơ chế, chính sách bảo tồn, truyền bá, phát huy các loại hình VHNT cổ truyền của dân tộc, bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, chữ viết, VHNT các dân tộc thiểu số. Phát huy vai trò của các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian trong việc thực hành, phổ biến và truyền dạy văn hóa, văn nghệ dân gian… Thông qua đó, không chỉ đáp ứng nhu cầu thưởng thức VHNT của công chúng mà có nhiều tác phẩm được lưu truyền, đi cùng năm tháng làm lay động lòng người, góp phần vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Các cơ quan báo chí, xuất bản, truyền thông và các nền tảng mạng xã hội cũng là kênh tuyên truyền, giới thiệu các tác phẩm VHNT đến đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước. Báo Cao Bằng, Đài Phát thanh và Truyền hình Cao Bằng, Tạp chí Non nước Cao Bằng thường xuyên xây dựng chuyên trang, chuyên mục đăng tải những tác phẩm VHNT; giới thiệu về Non nước Cao Bằng; tổ chức diễn đàn sáng tác, phê bình, nghiên cứu, lý luận VHNT địa phương... Thông qua các tác phẩm VHNT đăng trên báo chí giới thiệu đến công chúng nét đặc trưng của Non nước Cao Bằng, cuộc sống sinh hoạt của người dân bản địa, ngợi ca vẻ đẹp hữu tình của miền đất địa đầu Tổ quốc, góp phần ổn định chính trị, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, hướng con người tới giá trị chân - thiện - mỹ.
Thúc đẩy hợp tác và hội nhập quốc tế
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, các ngành VHNT phải thể hiện sự chủ động hội nhập; có giải pháp lan tỏa các tác phẩm chất lượng đến bạn bè quốc tế. Về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực VHNT, đồng chí Tô Thị Trang, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng: Hiện nay chúng ta đang sống trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng, vì thế hội nhập quốc tế về VHNT là quá trình tất yếu, không thể tránh khỏi. Quá trình hội nhập này giúp chúng ta có cơ hội được tiếp xúc, hưởng thụ tinh hoa VHNT thế giới. Qua việc tiếp cận này, chúng ta có thể học hỏi và làm giàu thêm VHNT nước nhà. Chúng ta có thể thấy nhiều tác phẩm VHNT Việt Nam hiện nay đã bắt kịp với xu hướng chung của quốc tế. Chúng ta có thể đem các sản phẩm nghệ thuật của quê hương, đất nước mình, những giá trị văn hóa Việt Nam, những thông điệp, hình ảnh Cao Bằng đến bạn bè các nước.
Những năm gần đây, tỉnh chú trọng tham gia, tổ chức các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế về VHNT. Các tác phẩm VHNT tiêu biểu của tỉnh được lồng ghép quảng bá trong các chương trình giao lưu, hợp tác quốc tế, như: Chương trình “Đại liên hoan nhân dân biên giới Việt Nam - Trung Quốc” tại huyện Tịnh Tây (Quảng Tây, Trung Quốc); các hoạt động văn hóa dân tộc, du lịch vùng biên giới với chủ đề “Choang tộc tam nguyệt tam - Bát Quế gia niên hoa” tại huyện Nà Po (Quảng Tây, Trung Quốc); biểu diễn giao lưu với Hội Liên hiệp Thanh niên hữu nghị Việt - Trung; biểu diễn phục vụ các đoàn khách Trung Quốc sang làm việc tại Cao Bằng; tham gia biểu diễn phục vụ chương trình nghệ thuật khai mạc diễn đàn du lịch ASEAN tại Quảng Ninh; Chương trình “Lễ hội rồng xuân” biên giới quốc tế Trung Quốc - Việt Nam và Lễ ra mắt tuyến du lịch hữu nghị Trung - Việt theo dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh, do Cục Văn hóa và Du lịch thành phố Sùng Tả, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức...

Đoàn Nghệ thuật tỉnh biểu diễn tại chương trình Lễ khai mạc Lễ hội nhạc kịch Choang, huyện Điền Lâm, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) năm 2025.
Nghệ sĩ Ưu tú Trần Đức Cảnh, Đoàn Nghệ thuật tỉnh nhiều lần tham gia biểu diễn trong các chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ tại Quảng Tây (Trung Quốc), Thái Lan… chia sẻ: Thông qua các chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ với các nước bạn, tôi cảm nhận, khán giả nước bạn rất vui mừng và sẵn sàng đón nhận, thưởng thức các tiết mục, hoạt động VHNT của quê hương, đất nước mình. Và tôi cũng tự hào khi đã góp sức mình lan tỏa những tác phẩm VHNT của đồng bào các dân tộc Cao Bằng đến với bạn bè quốc tế; đồng thời qua các chương trình giao lưu tôi học hỏi được rất nhiều điều về hoạt động sáng tác, biểu diễn. Vì vậy, chúng ta nên chủ động và tích cực mở rộng hợp tác văn hóa nói chung, VHNT nói riêng với các nước, thực hiện đa dạng các hình thức hợp tác quốc tế, đưa các quan hệ quốc tế về VHNT đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực.
Đẩy mạnh giao lưu, hợp tác quốc tế để VHNT vừa giữ vững bản sắc, vừa nâng cao khả năng hội nhập, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ VNS hợp tác, giao lưu, tiếp cận với các xu hướng, sản phẩm VHNT mới, tiến bộ trên thế giới. Đồng thời, hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế là bệ phóng để quảng bá, lan tỏa giá trị VHNT Việt Nam ra các nước, là con đường góp phần đưa tác phẩm, tên tuổi VNS đến với bạn đọc, khán, thính giả sâu rộng hơn, cũng như giúp công chúng, xã hội, thế giới được thưởng thức VHNT quê hương, đất nước thường xuyên hơn.