Khát vọng xứ Thanh - Khát vọng vươn mình
Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật (VHNT) về chủ đề 'Khát vọng xứ Thanh' năm 2024, do Hội VHNT Thanh Hóa phát động đã khép lại với nhiều dư vị. Hầu hết các tác phẩm tham gia cuộc vận động đã khắc họa sinh động những thành tựu đổi mới của quê hương; phản ánh được khí thế thi đua lao động, học tập của các tầng lớp Nhân dân, tạo sức lan tỏa sâu rộng, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, khát vọng cống hiến, trách nhiệm của văn nghệ sĩ đối với dân tộc và tỉnh nhà...

Những chuyến đi thực tế là nguồn tư liệu để văn nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm.
Các tác phẩm đã bám sát chủ đề...
Cuộc vận động này nằm trong chuỗi các hoạt động Tổng kết 50 năm nền VHNT Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025). Được phát động từ tháng 4/2024 đến tháng 12/2024, Cuộc vận động sáng tác VHNT về chủ đề “Khát vọng xứ Thanh” hướng tới đối tượng là hội viên Hội VHNT Thanh Hóa và người Thanh Hóa đang sinh sống trên mọi miền Tổ quốc và nước ngoài. Cuộc vận động không chỉ mở về chủ đề mà còn rộng về loại hình với 11 chuyên ngành bao gồm Thơ, Văn xuôi, Lý luận phê bình, Văn nghệ dân gian, Mỹ thuật, Âm nhạc, Múa, Sân khấu, Điện ảnh, Nhiếp ảnh, Kiến trúc.
Từ 284 tác phẩm của 101 tác giả tham gia, qua 2 vòng chấm sơ khảo chuyên ngành và chung khảo, Ban Tổ chức đã chọn ra được 28 tác phẩm để trao, gồm: 1 giải nhất; 8 giải nhì; 5 giải ba và 14 giải khuyến khích. Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, nhà Lý luận Phê bình Thy Lan: "Các tác phẩm đã bám sát được chủ đề, thông qua các thủ pháp nghệ thuật ngôn ngữ và phi ngôn ngữ để nói lên được “khát vọng” của người Thanh Hóa, phản ánh được rõ nét và sinh động những thành tựu đổi mới của quê hương... Tuy nhiên, dưới góc nhìn đa chiều, đặc biệt ở góc độ chuyên môn, các sáng tác này vẫn còn nhiều hạn chế".
Về bài thơ đoạt giải nhất
Giải nhất đã vinh danh nhà thơ Lê Quang Sinh với tiêu đề bài thơ cùng chủ đề của cuộc vận động: “Khát vọng xứ Thanh”. Bài thơ là tâm tư, ước vọng xen lẫn tự hào của người con Thanh Hóa. “Khát vọng xứ Thanh” được hình thành từ nhiều thành tố như vị trí địa lý, lịch sử và đặc biệt là con người với tư chất anh hùng, không bằng lòng với hiện tại, dám đương đầu với thực tại để “nuôi” lớn khát vọng, vươn tới tương lai tốt đẹp hơn.
Sáu khổ thơ cho người đọc thấy tiến trình đi lên của một xứ Thanh đã từng nghèo đến xác xơ: “Đã có lúc giấc mơ rau má to bằng lá sen/ Đã có khi quẩn quanh với luồng, lang, lợn, lạc...” và đến hôm nay, từ miền xuôi lên miền ngược đã hiện hữu một xứ Thanh “thay da đổi thịt”, một xứ Thanh “mở hết lòng khao khát một đại dương” với những giấc mơ lớn, hòa mình vào kỷ nguyên hội nhập, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Với năng lực khái quát hóa cao và khả năng dụng chữ khéo léo, giàu tính nghệ thuật, “Khát vọng xứ Thanh” không chỉ là sự vươn mình của một vùng đất mà còn là ước mơ và thực hiện hóa ước mơ của mỗi người.

Những chuyến đi thực tế là nguồn tư liệu để văn nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm.
Những câu thơ viết tung tẩy, đặc biệt nhà thơ Lê Quang Sinh đã nhìn dọc một góc xứ Thanh từ Cách mạng Tháng Tám đến nay. Có những lúc là say sưa chiến thắng, có những lúc con người ta từng mơ hồ về tài nguyên rừng vàng, biển bạc là mãi mãi...
Những cánh buồm quanh quẩn. Biển vờn xa!...
Con cá, con tôm sống đời ngực lép
Thành Nhà Hồ rêu phủ màu truyền thuyết
Long mạch ngầm. Đói rét vẫn lộ thiên
...Giặc giã liên miên. Rồi chiến tranh cũng hết!
No ấm đâu? - Vẫn đội nón chưa về!
Biển bạc, rừng vàng, đất đai, tiềm lực...
Điệu chầu văn lơ lửng ngọn tre.
Nhưng “Thanh Hóa ngàn năm dù đói, dù no/ Lòng kẻ sĩ vẫn thấm đầy mạch đất / Nước có biến thì trăm dân làm một/ Chém cá kình, đạp sóng dữ, đến tự do!”. “Khát vọng xứ Thanh” không còn là nỗi niềm, hơn hết đó là khát vọng đổi thay. Từ một người chân đất, một xứ nghèo nàn bước vào thời đại số, ấy thế mà Lê Quang Sinh vẫn diễn đạt rất thơ: “Thế giới trong lòng tay/ Chớp mắt thành cổ tích/ Bao giấc mơ không còn ở thiên đường/ Biển dài rộng vẫn thấy mình chật hẹp/ Mở hết lòng khao khát một đại dương”.
Đọc bài thơ, tôi chợt nhớ đến “Đánh thức tiềm lực” (Nguyễn Duy). Hai bài thơ hai số phận. Đó có thể do một phần lịch sử, sự quy chụp của một thời, nhưng điều đó cũng phản ánh về sự đổi thay. Từng câu thơ, từng ý thơ của Lê Quang Sinh dễ chạm đến người đọc, đặc biệt nó thể hiện được “Khát vọng xứ Thanh”. Kể lể mà chắt lọc, mà thâm trầm mà như cắt ra từ mồ hôi, nước mắt của bao người, để rồi không chỉ nhân vật “em” trong bài thơ, chính chúng ta cũng phải suy ngẫm: "Anh không trách em tự bằng lòng khi nghĩ về quá khứ; hay “An ủi nhau bằng lời luồng, lời nứa”.
Những câu thơ cuối cùng: “Sông núi dáng Rồng/ Đất đai mình Hạc.../ Tôi muốn câu thơ thành lời em hát/ Bay lên mang khát vọng con người” vừa thể hiện được sự tự hào về mảnh đất “địa linh nhân kiệt” vừa mở ra cho người đọc một niềm tin...
Tôi đọc đi đọc lại bài thơ, nếu tính số lượng những câu viết về cái nghèo, cái khó sẽ hơn rất nhiều lần những câu viết về khát vọng, nhưng tôi hiểu, nếu không nhắc về quá khứ thì chúng ta sẽ không thể quá đỗi tự hào về ngày hôm nay. Có quá nhiều hình tượng thơ đã được khái quát kiểm chứng theo thời gian để minh chứng khát vọng một miền đất không chịu bằng lòng với thực tại. Và Lê Quang Sinh đã làm được điều đó một cách rất thơ. 117 câu thơ là diễn trình của nhiều số phận, nhiều con người trên mảnh đất xứ Thanh này.