Văn học dịch 2024: Bạo lực phản ánh trong những áng văn

Năm 2024 đánh dấu đúng 2 thập kỷ Việt Nam gia nhập Công ước Berne và dù không 'khua chiêng gõ kẻng' để có một lễ kỷ niệm hoành tráng, thì số lượng và chất lượng văn học dịch năm nay vẫn có thể nói là khá vượt trội và rất phong phú từ đông, tây, kim, cổ.

Để tìm một sợi chỉ đỏ kết nối chúng lại, thì đó có thể là sự bạo lực mà trùng hợp thay thế giới cũng đang biến đổi ở khắp mọi nơi, ngay giây phút này.

Các tác phẩm phản ánh một thế giới còn nhiều biến động.

Các tác phẩm phản ánh một thế giới còn nhiều biến động.

Từ sau đại dịch, nếu có dòng văn nào đó gần như mang tiếng là “khó bán” hoặc “khó tiêu thụ”, thì đó chính xác là sách văn học. Nó không có phổ độc giả sâu rộng như các tác phẩm phi hư cấu. Nó cũng không được hậu thuẫn bởi một năm vô cùng thành công của ngành điện ảnh như các thể loại kinh dị, linh dị, trinh thám, phá án...

Độc giả trẻ cũng không cần nó như những hiện tượng sách manifest, trong khi dòng sách tâm lý tội phạm thì lại nổi lên một cách rất khó lý giải… Tuy vậy, 2024 vẫn là một năm rộn ràng với nhiều tác phẩm chất lượng, ghi được dấu ấn, qua đó cho thấy sự dũng cảm của giới làm sách, nỗ lực của các dịch giả và sự rộng lòng của giới đọc sách.

Bàn tiệc phong phú

Và cũng như các năm trước, giải thưởng lớn/nhỏ vẫn là “hoa tiêu” để nhà làm sách lấy đó tham chiếu. Chiếm đa số nhất (và không thể khác) là Nobel Văn chương. Năm nay đánh dấu một xu hướng mới là các thương hiệu đã bớt e ngại với giải thưởng này khi mà trước đó đây vẫn luôn được coi là khó bán, khó đọc. Điều này đã được minh chứng bằng việc giới thiệu tận 3 tác phẩm của Jon Fosse - nhà văn giành giải Nobel 2023 - dù trước đó ông hoàn toàn “vô danh” ở Việt Nam này. Đó lần lượt là “Ánh sáng trắng”, “Aliss bên đám lửa” và “Ba màn kịch”.

Các tác phẩm khác cũng thuộc nhóm này có thể kể đến “Biệt thự buồn” của Patrick Modiano (Nobel 2014), “Tuổi thơ của Jesus” từ JM Coetzee (2004), “Một nỗi đau riêng” của Kenzaburô Ôe (1994), “Xuân tình” của Ernest Hemingway (1954), “Ác mộng người xuất chúng” từ Bertrand Russell (1950)… Ngoài ra, không thể không nhắc đến sự trở lại những tên tuổi đã từng xuất hiện rồi khuất bóng, như bộ sách “Nông dân” của Wladyslaw Reymont (Nobel 1924), bộ 3 “Đất lành”, “Ly tán” và “Đời con” của Pearl S.Buck (1938)…

Tuy vậy điều đáng chú ý hơn là các nhà xuất bản không chỉ chờ nhiệt khi giải thưởng được công bố, mà có ít nhiều “đi tắt đón đầu” dựa trên các bảng đặt cược liên tục nhiều năm của các ''Nhà cái''. Đó ít nhiều là lý do mà trong năm nay, Dư Hoa đã có một “cuộc phục sinh” hoành tráng khi có đến 4 tác phẩm nối nhau ra mắt chỉ trong 2 tháng, gồm sự trở lại của “Sống”, “Chuyện Hứa Tam Quan bán máu” và “Hét lên trong cơn mưa phùn”, trong khi “Ngày thứ bảy” là lần đầu dịch.

Cũng từ Trung Quốc, ứng cử viên lớn nhất Tàn Tuyết cũng được giới thiệu “Phố Ngũ Hương” - một tác phẩm không hề dễ đọc nhưng có doanh thu tương đối khả quan từ xác suất sẽ được vinh danh. Danh sách này cũng không thể không kể đến Yoko Tawada với tập truyện “Chàng chó” hay sự trở lại của kiệt tác “Những đứa con lúc nửa đêm” từ nhà văn người Anh gốc Ấn Salman Rushdie - người vừa hồi phục sau cuộc tấn công nhắm vào bản thân.

Ngoài giải Nobel thì các giải khác cũng được chú ý, tạo nên một thị trường sôi động. Goncourt danh tiếng của Pháp thì có “Đêm thiêng” của Tahar Ben Jelloun (thắng năm 1987), “Bất thường” của Hervé Le Tellier (2020) và “Sống vội” của Brigitte Giraud (2022). Giải Pulitzer cho các tác phẩm có tính sử thi riêng của nước Mỹ cũng góp mặt với “Jody và chú nai con” (thắng năm 1939), “Cội rễ” của Alex Haley (1977), “Màu tím” của Alice Walker (1983), “Cuộc đào tẩu” của Colson Whitehead (2020).

Bên cạnh đó, các hiện tượng xuất bản cũng được các nhà xuất bản và công ty sách “chi mạnh” mang về, dù luôn biết rằng sự khác biệt văn hóa chưa chắc sẽ giúp cho tác phẩm “thắng” ở ngay nước ta. Tuy vậy, không thể phủ nhận, nhiều cuốn sách trong số này cũng đã tạo được nhiều sự chú ý, có thể kể đến như “Đội lốt da vàng” (R. F. Kuang), “Những kẻ mê sách” (Emily Henry), “Cánh tư” (Rebecca Yarris), “Bí hội thứ chín” (Leigh Bardugo)…

Và cũng không thể không nhắc đến sự trở lại của nhiều tác giả nổi danh. Có thể kể đến Henry James với loạt tác phẩm “Vẽ một phụ nữ”, “Daisy Miller - Di sản Aspern” hay Joseph Conrad “ào” vào đời sống văn chương với “Giữa đất và nước”, “Bão lớn”, “May”. Những nhà văn lớn viết bằng tiếng Đức như Joseph Roth, Ingeborg Bachmann, Hans Fallada cũng được giới thiệu qua “Hotel Savoy”, “Hành khúc Radetzky”, “Ba lối đến hồ”, “Đời ai nấy chết”.

Các tác giả nổi bật khác cũng trở lại, đơn cử có thể kể đến các tập truyện ngắn của Bruno Schultz, Katherine Mansfield, Herman Melville, G.K. Chesterton, Louisa May Alcott, J.D. Salinger, H.P.Lovecraft, Charles Dickens... hoặc tiểu thuyết của Jane Austen, Marguerite Duras, Agota Kristof, Flannery OConnor, Isak Dinesen, Kurt Vonegut...

“Sợi chỉ” bạo lực

Và tuy có một số lượng vô cùng đông đảo các tác phẩm chất lượng, nhưng có thể nói vẫn có sợi chỉ xuyên suốt nối tất cả lại, và đặc biệt hơn khi nó cũng phản ánh một cách rõ ràng thế giới hiện nay. Vào tháng 10 vừa qua, nhà văn Han Kang đến từ Hàn Quốc đã được công bố là chủ nhân mới nhất của giải Nobel Văn chương cho các tác phẩm “đối diện với những tổn thương lịch sử và làm lộ rõ sự mong manh của cuộc sống con người”. Việc trao giải này cho thấy một sự tiệm cận với tình hình thế giới tại Syria, dải Gaza hay Ukraine ngay lúc này đây.

Trong tác phẩm “Bản chất của người” nổi tiếng nhất của mình, Han Kang đã viết về phong trào dân chủ Gwangju và bộc bạch một niềm trăn trở: vì sao con người vừa có thể tốt đẹp vừa có thể tàn bạo để gây ra những bạo lực quá mức chịu đựng như vậy? Và Gwangju chỉ là điển hình của nhiều những việc như thế mà có thể thấy trong nhiều tác phẩm nổi bật của năm nay.

Một vài tác phẩm của các nhà văn đoạt giải Nobel.

Một vài tác phẩm của các nhà văn đoạt giải Nobel.

Trong đó, hai cuộc thế chiến đã để lại những tổn thương không thể bôi xóa dù cho nhân vật có cố tránh né hay là can dự một cách trực tiếp vào trong cuộc chiến. Ở “Biệt thự buồn”, Modiano đã viết về chàng thanh niên chạy đến biên giới Thụy Sỹ để tránh việc bị xung lính vào Algeria, trong khi ở “Cặp song sinh kì ảo”, Agota Kristof cũng dẫn ta vào mê cung của một vùng đất không được xác định nhưng điều không thể đổi khác: Chiến tranh đã làm nảy sinh ra cả bạo lực cũng như biến chất.

Không dừng ở nội hàm cuộc chiến, mà khi trở về và may mắn là sống sót sau đó, thì “Xuân tình” của Hemingway hay “Hotel Savoy” của Joseph Roth cũng cho ta thấy sự tái hòa nhập không hề dễ dàng bởi những tổn thương não trạng thời kỳ hậu chiến. Tách khỏi dòng chính, Colson Whitehead cũng mang đến cho ta một bi kịch khác của nước Mỹ diễn ra ở một trường giáo dưỡng trong “Cuộc đào thoát”, qua đó phản ánh bạo lực có thể được chỉ mặt đặt tên nhưng cũng có thể ẩn giấu một thời gian dài.

Bạo lực theo đó cũng không đến từ khác biệt chính trị mà còn nằm ở những cộng đồng người thiếu sự cảm thông. Bằng một bi kịch đau đớn, Jon Fosse đã viết chính về cái ác được xây đắp từ đời sống thiếu sự sẻ chia giữa người với người như trong “Ba màn kịch”, để người đàn ông vì để bảo vệ cho vợ và đứa con mới sinh phạm phải tội ác. Nó cũng còn là một bi kịch truyền thừa từ lịch sử và huyết thống, để những “kẻ ngoại cuộc” không được là người trong “Đêm thiêng”, “Màu tím”, “Cội rễ”…

Dư Hoa, Kenzaburô Ôe cũng bước tiếp nối với việc xây dựng một Trung Quốc hoặc Nhật Bản chuyển biến quá nhanh, để nhiều nhân vật thấy mình không thể theo kịp chính thời đại này và rồi bị bỏ rơi lại. Một khi họ không nghe thấy tiếng nói của bản thân mình, thì việc giúp đỡ người khác sẽ là bất khả.

Có thể thấy văn học dịch 2024 không chỉ cảnh báo cái ác vẫn đang hiện tồn mà qua những thông điệp giá trị và sức mạnh của văn chương, thì cái đẹp của sự đồng cảm, biết sống cho nhau và sống vì nhau cũng được trao gửi. Để qua bức màn tưởng mịt mù ấy, sách vở chính là một tia soi rọi để ta và nhân loại này biết mình đặt chân nơi đâu trong tháng ngày tới.

Đoàn Tuấn Anh

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/van-hoc-dich-2024-bao-luc-phan-anh-trong-nhung-ang-van-i757773/
Zalo