Văn học chống Mỹ - một giá trị văn hóa Việt Nam
Là tấm gương soi của thời đại, văn học Việt Nam thời chống Mỹ đã góp phần làm rạng rỡ một tượng đài Việt Nam anh hùng, chính nghĩa, tiên phong trong cuộc kháng chiến chống chủ nghĩa đế quốc, trở thành biểu tượng của lòng yêu nước trong bầu trời văn hóa nhân loại.
Xứng đáng với tư cách, tư thế của “binh chủng nghệ thuật”
Hòa vào không khí cả nước lên đường đuổi giặc: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu), hàng trăm nhà văn, nhà thơ xung phong vào chiến trường vừa cầm súng vừa cầm bút cống hiến trọn vẹn tuổi xuân và tài năng văn chương cho Tổ quốc.
Được coi là một “binh chủng nghệ thuật”, văn học đã làm tốt nhiệm vụ kêu gọi, cổ vũ động viên toàn dân đứng lên đuổi giặc, đã kiến tạo những hình tượng sử thi trong vắt một lý tưởng cách mạng, như những vầng hào quang tỏa chiếu ánh sáng lý tưởng hướng bạn đọc đi về phía cái cao cả, cái anh hùng.

Nhà thơ Dương Thị Xuân Quý để lại con thơ ngoài Bắc xung phong vào Nam chiến đấu.
Âm hưởng vang dội của tiếng súng Đồng Khởi đầu những năm 60 của thế kỷ XX là những “cú hích” để văn học phát triển mạnh mẽ. Hàng loạt tiểu thuyết ra đời: "Một truyện chép ở bệnh viện" (1959), "Trước giờ nổ súng" (1960), "Làng tề" (1962), "Một chặng đường" (1962), "Trên mảnh đất này" (1962), "Phá vây" (1963), "Đất lửa" (1963)...
Trong 3 năm 1960, 1961, 1962, theo thống kê của Giáo sư Phan Cự Đệ (trong công trình “Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại - 2000”), có hơn 20 cuốn tiểu thuyết xuất bản, mỗi cuốn phát hành trên dưới một vạn bản. Nhưng có lẽ nguyên nhân quan trọng hơn cả, là vị thế dân tộc lúc này đang ở tầm cao của vũ đài chính trị thế giới. Sau khi thắng Pháp làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”, cả thế giới nhìn Việt Nam kính phục, ngưỡng mộ.
Xâm lược miền Nam, đế quốc Mỹ lộ rõ âm mưu của kẻ cướp biến nước ta thành một “thuộc địa kiểu mới”. “Không khí sử thi” trong văn học bừng lên mạnh mẽ. Những tiểu thuyết sử thi nguyên khối, tinh chất, không pha tạp ra đời như là một sự tất yếu: "Vào lửa" (1966), "Hòn Đất" (1966), "Cửa sông" (1967), "Gia đình má Bảy" (1968), "Ở xã Trung Nghĩa" (1969), "Vùng trời" (1971), "Dấu chân người lính" (1972), "Thôn ven đường" (1973), "Mẫn và tôi" (1972)...
Nhà nghiên cứu Niculin (người Nga) nhận xét về cách xây dựng nhân vật của Nguyễn Minh Châu trong truyện ngắn "Mảnh trăng cuối rừng" là “đã bao bọc nhân vật trong bầu không khí vô trùng”. Nhưng có lẽ nhận xét ấy đúng với cả các nhân vật tiểu thuyết sử thi tiêu biểu của thời kỳ này: Chị Sứ (Hòn Đất), Lữ (Dấu chân người lính), Mẫn (Mẫn và tôi), Hảo (Vùng trời)...
Từ cảm hứng sử thi đến diễn ngôn sử thi
Cảm hứng sử thi hào sảng đã tạo ra những nhân vật đậm chất lý tưởng. "Dấu chân người lính" (Nguyễn Minh Châu) có thể coi là một thành tựu mới của văn học Việt Nam hiện đại thời ấy. Ngoài sự xây dựng thành công những điển hình anh hùng (Kinh, Lữ), tiểu thuyết còn thể hiện tinh thần của thời đại, quyết tâm của cả dân tộc một lòng đánh giặc: “Lớp cha trước lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành” (Tố Hữu).

"Tổng tập nhà văn Quân đội" đoạt giải A Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII, năm 2024.
Diễn ngôn luôn chịu sự quy định, chi phối của “quyền lực” thời đại. Ở bối cảnh xã hội hừng hực tinh thần yêu nước: “Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt/ Như mẹ cha ta, như vợ như chồng/ Ôi Tổ quốc nếu cần ta chết/ Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông” (Chế Lan Viên –" Sao chiến thắng"); thì lý tưởng lên đường ra trận cùng “tất cả vì tiền tuyến” là khát vọng, cũng là hành động cụ thể nhất của mọi công dân yêu nước. Con người sống vì cái chung hơn vì cái riêng. Cái tôi càng như nhỏ bé đi trước cái ta cộng đồng. Là lĩnh vực riêng tư nhất nhưng tình yêu trai gái hòa vào tình yêu đất nước, tình yêu nhỏ nằm trong tình yêu lớn.
Thật dễ hiểu các cặp đôi như Lữ-Hiền (Dấu chân người lính); Quỳnh-Hảo (Vùng trời); Thiêm-Mẫn (Mẫn và tôi); Ngạn-Quyên (Hòn Đất); Tâm-Thành (Dưới đám mây màu cánh vạc)... đều là những nhân vật của sử thi, từ suy nghĩ đến “yêu đương” cũng rất “sử thi”. Bức thư của người vợ, dù đã có tuổi (vợ Chính ủy Kinh) gửi cho chồng cũng có thể tìm thấy ở bất kỳ lá thư nào của những người vợ trẻ gửi cho chồng nơi tiền tuyến: “Ở nhà mọi người đều bình yên và đang tích cực sản xuất để góp phần cùng tiền tuyến chống Mỹ cứu nước” (Dấu chân người lính).
Những người vợ ấy đã xác định rõ không chỉ gửi thư cho chồng mà còn cho cả đồng chí của chồng. Tất cả, những người nơi hậu phương, nơi tiền tuyến, tiền tuyến-hậu phương đều coi nhau như trong một nhà, tất cả vì mục tiêu đuổi giặc. Cũng rất logic, khi đồng chí coi nhau như anh em trong nhà, thì anh em cha con ruột thịt lại coi nhau như đồng chí. Thậm chí khi yêu nhau người ta cũng coi nhau như đồng chí. Một câu thơ của Tố Hữu đã nói rất đúng cái tình thời đó là tình đồng chí: “Rồi hai đứa hôn nhau hai người đồng chí”.
Rất dễ hiểu khi hai cha con Kinh-Lữ gặp nhau ngoài mặt trận, thì người bố không nói bằng giọng người bố mà nói với giọng cấp trên (chính ủy): “Chốc nữa anh hãy báo cáo với tôi công việc anh đã làm từ ngày đi bộ đội” (Dấu chân người lính). Ngày ấy không chỉ có những suy nghĩ sáng ngời lấp lánh một tinh thần xả thân vì Tổ quốc của Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc… mà có hàng triệu, hàng triệu những trái tim “trong như ngọc sáng ngời” như thế. Đấy là sự thật - một nguyên nhân cơ bản của chiến thắng!
Không gian sử thi hào hùng
Văn học chống Mỹ đã miêu tả sinh động mâu thuẫn cơ bản của thời đại là xung đột chính nghĩa và phi nghĩa: “Chúng muốn đốt ta thành tro bụi/ Ta hóa vàng nhân phẩm, lương tâm/ Chúng muốn ta bán mình ô nhục/ Ta làm sen thơm ngát giữa đầm” (Tố Hữu). Sinh động hóa hình tượng con đường lịch sử mà dân tộc đã lựa chọn, cụ thể là con “đường vui”, là “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”, văn học góp phần làm bừng sáng lý tưởng thời đại: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”… Một phương diện cơ bản làm nên đặc trưng không gian sử thi trong văn học 1945-1975 là hình tượng con đường - biểu trưng cụ thể cho đời sống tinh thần của cả dân tộc với sức mạnh, bản lĩnh, ý chí, niềm tin trong thời đánh giặc.
Phải sống trong không khí đậm chất lý tưởng của thời ấy mới thấy một thực tế là “ra trận” như một ngày hội lớn: “Xóm dưới làng trên, con gái con trai/ Xôi nắm cơm đùm, ríu rít theo nhau/ Súng nhỏ súng to chiến trường chật chội/ Tiếng cười hăm hở đầy sông đầy cầu” (“Đường ra mặt trận”- Chính Hữu). Những câu thơ tái hiện một không gian cả nước lên đường ra tiền tuyến đã khẳng định chân lý, khi có giặc xâm lăng cả dân tộc Việt Nam thật giàu có lòng yêu nước, vững mạnh về niềm tin, kiên định về lý tưởng, đoàn kết thành một khối thống nhất để tạo nên sức mạnh vô địch.
Với quan niệm “Tất cả cho Tổ quốc quyết sinh”, con người thời đó tìm niềm vui, nguồn vui ở trong những trận đánh giặc. Đấy không chỉ là tâm trạng của nhân vật chị Út Tịch: “Đánh Tây sướng bằng tiên chớ cực gì” (Người mẹ cầm súng); hay của Thiêm trong tiểu thuyết của Phan Tứ: “Bỗng dưng tôi bắt gặp một bông hoa vui đang nở ngập ngừng trong tôi, tỏa hương... Tôi nhận ra rồi. Nó là niềm vui được đánh giặc” (Mẫn và tôi); còn là tâm trạng chung của hàng vạn, hàng triệu con người ở thời đó.
Khẳng định một giá trị văn hóa Việt Nam
Đồng hành cùng lịch sử, góp phần làm nên lịch sử, văn học thời chống Mỹ làm sáng tỏ thêm nguyên lý về cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện; chứng minh một công lý của niềm tin, của tình yêu tự do, tự quyết, sẽ luôn chiến thắng. Cũng là sự khẳng định chân lý lịch sử - một dân tộc giàu lòng tự trọng, yêu tự do, hòa bình, luôn có một nền văn học yêu nước chống xâm lăng.
Giá trị văn hóa cao nhất của văn học chống Mỹ là đã khẳng định cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc ta cực kỳ có văn hóa ở phương diện bảo vệ con người, bảo vệ lẽ phải, công lý và chính nghĩa. Hẳn nhiên, ra đời trong hoàn cảnh đạn bom, lấy mục đích chính là tuyên truyền cổ vũ nên không tránh khỏi tính chất sơ lược, công thức, minh họa. Đấy là đặc điểm chứ không phải hạn chế.
Đóng vai trò là nền tảng tinh thần của xã hội, ở bất cứ thời nào, quốc gia nào, văn hóa (trong đó văn học là thành tố cơ bản) cũng là nguồn lực của sự phát triển. Văn học thời chống Mỹ đã lưu giữ, trao truyền, lan tỏa tài sản văn hóa vô giá của dân tộc là cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại, để hôm nay, lấy đó làm điểm tựa, con cháu Lạc Hồng đang đưa đất nước cất cánh bay vào kỷ nguyên mới.