Văn hóa Đông Sơn: Tròn 100 năm kể từ ngày phát lộ

Vừa qua, Sở VH-TT&DL Thanh Hóa phối hợp với Viện Khảo cổ học và Hội Khảo cổ học Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học 'Văn hóa Đông Sơn - 100 năm phát hiện, bảo tồn và phát huy giá trị'.

Là một nền văn hóa lớn của người Việt cổ, văn hóa Đông Sơn có niên đại từ 2.500-2.000 năm trước, được các nhà khảo cổ học đặt tên dựa vào một phát hiện ở làng Đông Sơn (nay thuộc địa phận phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa) vào năm 1924.

Hành trình 100 năm của một phát hiện khảo cổ đặc biệt quan trọng

Theo PGS. TS. Phạm Minh Huyền (Viện Khảo cổ học), di tích Đông Sơn được phát hiện từ năm 1924, khi một người nông dân đi câu cá tìm thấy một số đồ đồng lộ ra ở bờ sông Mã, khu vực làng Đông Sơn, Thanh Hóa sau những cơn mưa to. Ngay sau khi được biết tin này, Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp đã có những cuộc khai quật trong nhiều năm, từ 1925 đến 1932, do L. Pajot, một viên thương chính và cũng là người chơi đồ cổ ở Thanh Hóa tiến hành. Kết quả những cuộc khai quật này đó được V. Goloubew, một học giả của Trường Viễn Đông Bác cổ công bố trong tác phẩm “Thời đại đồng thau ở Bắc kỳ và Bắc Trung kỳ” vào năm 1929.

Những phát hiện ở Đông Sơn sau khi được công bố đã gây được sự chú ý của các học giả nghiên cứu Đông Nam Á và trên thế giới. Năm 1934 nhà nghiên cứu người Áo R. Heine – Geldern đề nghị gọi nền văn hóa gắn với những hiện vật tìm được ở Đông Sơn là “văn hóa Đông Sơn”.

Trống đồng Ngọc Lũ I, hiện vật của nền văn hóa Đông Sơn. Ảnh: Quốc Lê.

Trống đồng Ngọc Lũ I, hiện vật của nền văn hóa Đông Sơn. Ảnh: Quốc Lê.

Tiếp sau những cuộc khai quật của L. Pajot, ở di chỉ Đông Sơn, từ năm 1935 đến năm 1939 có ba cuộc khai quật của nhà khảo cổ học Thụy Điển O. Janse. Báo cáo về những cuộc khai quật này đã được công bố trong 3 tập Nghiên cứu khảo cổ học ở Đông Dương, xuất bản trong các năm 1947, 1951 và 1958.

Từ sau đề nghị của R. Heine- Geldern, thuật ngữ “văn hóa Đông Sơn” đã được sử dụng rộng rãi trong giới nghiên cứu, tuy nhiên có nhiều điểm khác nhau giữa các học giả khi phân tích các đặc điểm của nền văn hóa này. Về niên đại của nền văn hóa Đông Sơn, các ý kiến cũng rất khác nhau.

Tuy còn nhiều hạn chế do trình độ của khảo cổ học đương thời, hay do quy chiếu bởi quan điểm học thuật, nhưng các nhà khảo cổ học nước ngoài ở nửa đầu thế kỷ trước đã có những đóng góp đầu tiên vào việc phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn.

Sau năm 1954, hòa bình được lập lại ở miền Bắc Việt Nam. Tuy chưa có điều kiện khai quật nhiều, các nhà nghiên cứu trên cơ sở đánh giá lại những tài liệu cũ đã nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa Đông Sơn và nghiên cứu nó gắn với tiến trình lịch sử dân tộc. Đó là những công trình như “Văn hóa Đông Sơn hay văn hóa Lạc Việt, Văn hóa đồ đồng và trống đồng Lạc Việt” của Đào Duy Anh (1954, 1957), “Lịch sử chế độ cộng sản nguyên thủy ở Việt Nam” của Trần Quốc Vượng và Hà Văn Tấn (1960), “Xã hội nước Văn Lang và Âu Lạc” của Văn Tân (1960).

Năm 1959, việc phát hiện kho mũi tên đồng ở Cầu Vực, Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) đã mở đầu cho công cuộc nghiên cứu và khai quật di chỉ văn hóa Đông Sơn của các nhà khảo cổ học Việt Nam. Chỉ trong vòng 10 năm, di tích Đông Sơn đã được phát hiện và khai quật lên tới 80 địa điểm. Đó là cơ sở để cho những nhà khảo cổ học, sử học nghiên cứu về thời kỳ Hùng Vương - thời kỳ dựng nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam.

Kể từ đó cho đến nay, các công trình nghiên cứu về văn hóa Đông Sơn tiếp tục được giới học giả trong và ngoài nước tiến hành. Sau 100 năm kể từ ngày nền văn hóa Đông Sơn phát lộ, các nhà khảo cổ và sử học đã giải quyết được nhiều vấn đề nhưng cũng gợi ra nhiều công việc phải làm.

Khẳng định lại tầm vóc của văn hóa Đông Sơn

Hội thảo khoa học “Văn hóa Đông Sơn - 100 năm phát hiện, bảo tồn và phát huy giá trị” chính là dịp quan trọng để nhìn lại hành trình một thế kỷ khám phá nền văn hóa Đông Sơn, qua đó bổ sung những luận cứ khoa học xác đáng nhằm khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa lịch sử quan trọng của nền văn hóa vĩ đại gắn với người Việt cổ.

Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 200 đại biểu đến từ các cơ quan Trung ương, địa phương, trong đó có nhiều chuyên gia, nhà khoa học thuộc các lĩnh vực lịch sử, khảo cổ, di sản, bảo tàng… Đây là những người nhiều năm trực tiếp khai quật, nghiên cứu văn hóa Đông Sơn.

Hội thảo đã nhận được 28 tham luận, tập trung vào 4 nhóm vấn đề chính gồm: Nghiên cứu về văn hóa Đông Sơn, đi sâu phân tích sự diễn biến về di tích, di vật, táng thức, thành phần động vật, chủng tộc người, môi trường sống của người Việt cổ trong giai đoạn Đông Sơn; Khoa học liên ngành đề cập đến các vấn đề về cổ môi trường, cổ khí hậu, thành phần động thực vật trong các di tích và đa dạng sinh học của các di tích thuộc văn hóa Đông Sơn ở lưu vực sông Mã; Công tác bảo tồn, bảo quản, quảng bá và phát huy giá trị của văn hóa Đông Sơn và Kỷ niệm 100 năm phát hiện bảo tồn và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn.

Thạp đồng Đào Thịnh, hiện vật của nền văn hóa Đông Sơn. Ảnh: Quốc Lê.

Thạp đồng Đào Thịnh, hiện vật của nền văn hóa Đông Sơn. Ảnh: Quốc Lê.

Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã tập trung đánh giá những thành tựu, thực trạng trong công tác bảo tồn, nghiên cứu văn hóa Đông Sơn; chia sẻ những kinh nghiệm, bài học, hướng nghiên cứu mới; đưa ra những triển vọng về bảo tồn, nghiên cứu và phát huy giá trị văn hóa Đông Sơn thời gian tới.

Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS. Bùi Văn Liêm (Viện Khảo cổ học) khẳng định: Ngày nay, công cuộc nghiên cứu văn hóa Đông Sơn vẫn được tiếp tục một cách có hệ thống trong khuôn khổ hợp tác giữa nhiều cơ quan chuyên môn khác nhau, gần đây nhất là dự án nghiên cứu, khai quật quy mô lớn địa điểm Vườn Chuối (Hoài Đức, Hà Nội). Công cuộc nghiên cứu này đã mang lại khối lượng tư liệu mới hết sức quan trọng trong nhận thức về thời đại Kim khí Việt Nam, đặc biệt là văn hóa Đông Sơn.

Một nội dung quan trọng được nêu ra trong Hội thảo là tính cấp thiết của việc quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích văn hóa Đông Sơn ở Thanh Hóa. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng cho biết: Thanh Hóa đang xây dựng các đề án, dự án, quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích khảo cổ, tạo cơ sở khoa học và những điều kiện cần thiết để từng bước đưa các di tích văn hóa Đông Sơn trở thành di sản văn hóa quan trọng của tỉnh, của quốc gia. Đồng thời, xây dựng các kế hoạch, dự án đầu tư xây dựng, tôn tạo, quy hoạch đất cho từng di tích khảo cổ tiêu biểu, bảo tồn tốt không gian, địa điểm phục vụ nghiên cứu, đồng thời để các di tích trở thành điểm du lịch hấp dẫn - điểm nhấn cho du khách khi đến với xứ Thanh.

Thanh Bình

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/van-hoa-dong-son-tron-100-nam-ke-tu-ngay-phat-lo-2020774.html
Zalo