Gian nan chuyện làm báo ngày xưa

Tháng 6-2025, người làm báo cả nước sẽ kỷ niệm 100 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2025). 100 năm rất dài với một đời người, nhưng so với một ngành nghề là không dài và càng không dài với một lịch sử dân tộc. Trên địa bàn tỉnh Bình Phước và Bình Dương (tỉnh Sông Bé cũ), ngành báo chí đã góp phần làm nên những trang lịch sử hào hùng trong dòng chảy 100 năm báo chí nước nhà.

Nhìn lại những năm tháng gian nan của thời kỳ làm báo “thủ công” từ sau năm 1975 đến ngày chia tách tỉnh Sông Bé để thấy rõ hơn hình ảnh người phóng viên báo chí trước đây khác rất nhiều so với phóng viên thời đại công nghệ số hiện nay.

Phương tiện tác nghiệp

Hình ảnh phóng viên những năm 1976-1997 người ta thường thấy đó là một người vai đeo máy ảnh, cầm theo cuốn sổ, cây bút đi trên chiếc xe đạp hoặc chiếc xe máy cà tàng lang thang khắp nẻo đường để tác nghiệp. Cây bút và quyển sổ là đồ vật bất ly thân của phóng viên ngày xưa khi làm việc. Trên chiếc xe đạp, phóng viên có thể đạp vài chục cây số để đi săn tin. Thậm chí nhiều người không quản ngại đi bộ băng rừng lội suối nhiều ngày để có được những tin tức và tài liệu phục vụ bài viết của mình. Tài sản trị giá nhất của nhà báo lúc bấy giờ là chiếc máy ảnh của cơ quan giao, hoặc cũng có thể tự mình trang bị. Phóng viên nào có chiếc xe máy để đi là thuộc dạng kinh tế rất khá.

Phóng viên tác nghiệp trong vùng bão lũ - Ảnh: K.T

Do thiếu thốn về phương tiện đi lại nên việc tác nghiệp của phóng viên gặp rất nhiều khó khăn, đi xe đạp thì bán kính cũng chỉ được khoảng 5-10km, nếu muốn đi cơ sở về các huyện thì phải đi xe đò rồi ở lại mấy ngày. Khi ở lại làm việc trên địa bàn các huyện, phóng viên phải mượn xe của người quen. Nhưng hồi ấy đời sống người dân còn nghèo nên rất ít người có xe máy. Từ thực tế đó, các cơ quan báo chí đều phải xây dựng đội ngũ cộng tác viên, lấy người tại chỗ viết tin, bài để hỗ trợ phóng viên. Đối với phóng viên phụ trách địa bàn phải tự xây dựng cho mình cơ sở người thân quen để mỗi khi về xã, huyện có chỗ ở và phương tiện làm việc.

Trong những năm 1980-1990, phóng viên cơ quan Báo Sông Bé có xe máy cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Là người phụ trách các huyện xa nhất ở phía Bắc tỉnh (ngày nay là tỉnh Bình Phước), phương tiện mà phóng viên Diệp Viên có được để đi tác nghiệp là chiếc xe Honda 67 cũ kỹ. Khi về cơ sở các huyện hầu hết anh phải đi xe đò, rồi ở lại tác nghiệp mấy ngày. Ngày 1-1-1997, Báo Bình Phước được thành lập và đi vào hoạt động, ngoài chiếc xe ôtô 4 chỗ hiệu Peugeot 505 biển số 61A-5318, được sản xuất năm 1986 để dùng vào việc chung, còn lại anh em phóng viên mới hầu như chưa ai có phương tiện cá nhân. Những ngày đầu ở cơ quan Báo Bình Phước, ngoài chiếc xe Honda 67 của anh Diệp Viên thì tôi và anh Lê Tiến Thuận (phụ trách hành chính) mỗi người có một chiếc xe cup 78. Xe của tôi là loại “giấy giun” mua ở Lộc Ninh được người ta đưa từ Campuchia sang để bán. Một năm sau cơ quan báo được tỉnh cấp cho một chiếc xe máy hiệu Angel 100 biển số xanh để phóng viên đi tác nghiệp cơ sở.

Đối với các phóng viên trước đây, chiếc máy ảnh là tài sản lớn, không phải ai cũng có cơ may được sở hữu. Máy ảnh hồi ấy là chụp bằng phim chứ chưa có máy kỹ thuật số, thời kỳ đầu phim chỉ có 2 màu đen, trắng; sau này mới có các loại phim màu. Mà phim màu thì khá đắt tiền nên chụp kiểu nào phải chắc ăn kiểu đó. Khi lắp phim vào máy phải thực hiện trong bóng tối, chụp xong để tiết kiệm phim phải cắt đoạn đã chụp cho vào cái vỏ cũ đưa đến tiệm rửa ảnh, nhanh lắm thì ngày hôm sau mới có ảnh được in bằng giấy để chuyển đến tòa soạn. Mà muốn cắt phim đã chụp thì phóng viên lại phải sắm chiếc áo chuyên dùng để làm việc này.

Năm 1992, khi ấy tôi đã là cộng tác viên của Báo Sông Bé. Ở huyện thì không có chỗ nào bán máy chụp hình cả, tôi về Thủ Dầu Một nhờ phóng viên báo Sông Bé là anh Ngô Lộc, người thông thuộc mọi ngóc ngách ở thị xã chở đi tìm mua máy. Đi mấy chỗ mới mua được được chiếc máy ảnh cũ hiệu Zennit của Liên Xô sản xuất năm 1980. Với một phóng viên hồi ấy có chiếc máy ảnh này cũng đã là “ngon” lắm rồi. Nhờ vào chiếc máy ảnh, phóng viên tác nghiệp tự tin hơn và không ngại đi đến đưa tin những hội nghị hoặc các cuộc họp đông người. Cũng nhờ có chiếc máy ảnh mà người ta dễ dàng nhận ra đó là một phóng viên để họ ưu tiên có thể cho “chen ngang” hoặc bước lên cả sân khấu tác nghiệp. Thời kỳ đó cũng chưa có điện thoại di động mà máy để bàn cũng chỉ cơ quan nhà nước hoặc một số hộ dân chủ doanh nghiệp mới có. Điện thoại cố định là phương tiện duy nhất cho phóng viên ngày ấy khi muốn đối thoại trực tiếp với người ở xa hoặc gọi về tòa soạn, nhưng lại phải đến bưu điện hoặc vào các cơ quan nhà nước gọi nhờ.

Viết và gửi tin, bài

Tất cả công đoạn viết báo ngày xưa đều phải làm thủ công. Người làm báo viết tin, bài bằng tay trên một mặt của tờ giấy trắng. Khi tin, bài được viết ra giấy, phóng viên phải đọc, sửa lại không chỉ một hai lần, mà còn phải xem tít tựa có truyền cảm, câu chữ có mượt mà, còn lỗi chính tả nào nữa không; đồng thời phải chú tâm nhiều đến nội dung tin, bài viết của mình có đáp ứng được mong muốn của người đọc hay không. Thực hiện xong công đoạn này phải mất nhiều thời gian và tốn vài tờ giấy bản thảo. Cũng có một số phóng viên ngại viết bằng tay, mua máy đánh chữ để viết với mục đích nhằm lưu lại một bản. Ở cơ quan Báo Bình Phước hồi ấy có anh Ngọc Quý là biên dịch viên tiếng Anh cũng sắm một chiếc máy đánh chữ và mọi người cứ nói đùa anh là trộm “máy đánh chữ của Bác Hồ”. Hằng ngày, tại một góc phòng luôn vọng ra tiếng “lạch cạch” từ máy đánh chữ của anh Ngọc Quý. Việc dùng máy đánh chữ viết tin, bài được xem là bước “cải tiến” trong nghiệp vụ nhưng vẫn là hình thức thủ công, rất chậm và sau khi đọc lại vẫn phải sửa.

Máy đánh chữ xưa, giờ chỉ còn trong ký ức

Máy đánh chữ xưa, giờ chỉ còn trong ký ức

Sau khi viết xong tin, bài rồi nếu phóng viên đang ở nơi xa thì việc gửi về tòa soạn cũng không dễ dàng gì. Phóng viên phải đến ngay bưu điện gần nhất để gửi tin, bài về cơ quan. Phong bì và tem thư là vật dụng thiết yếu để phóng viên gửi sản phẩm của mình về tòa soạn. Tuy vậy, ở bưu cục các huyện hồi ấy đã có máy fax. Với những tin, bài quan trọng, cần gửi gấp thì phóng viên phải dùng đến fax nhưng mất tiền cho bưu điện. Ngày đó, máy fax là một thứ dụng cụ quý hiếm để chuyển văn bản giấy mà chỉ có cơ quan nhà nước, bưu điện cấp huyện trở lên mới được trang bị. Trải qua các “cung bậc” để hình thành một bản tin, một bài báo mới thấy phía sau mỗi tác phẩm báo chí của phóng viên trước đây là cả sự phấn đấu bằng trí tuệ, sức lực, thậm chí có cả mồ hôi, nước mắt của những người làm báo.

Thời gian đi qua với biết bao thăng trầm của lịch sử, cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học - công nghệ, người làm báo ngày nay đã có những sự tiến bộ vượt bậc, khác hẳn ngày xưa. Họ có điều kiện thuận lợi hơn trước rất nhiều, cả về phương tiện tác nghiệp, đi lại và nhất là việc sử dụng mạng internet. Nhờ chủ động tiếp cận, ứng dụng tốt các công nghệ, phóng viên hiện nay có thể tác nghiệp đa phương tiện, trực tiếp viết nội dung, xử lý ảnh, âm thanh và dựng thành video tại hiện trường và gửi duyệt, đáp ứng được nhu cầu thông tin nhanh của công chúng.

Tiến Bình

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/162579/gian-nan-chuyen-lam-bao-ngay-xua
Zalo