Văn hóa cồng chiêng: Khẳng định sức sống bền bỉ và giá trị kết nối cộng đồng sâu sắc

Ngày 24/4, tại Bảo tàng Văn hóa Khmer Trà Vinh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hai tỉnh Trà Vinh và tỉnh Đắk Lắk phối hợp tổ chức khai mạc Triển lãm chuyên đề 'Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - xưa và nay; kỷ niệm 50 chặng đường và phát triển tỉnh Trà Vinh (30/4/1975 - 30/4/2025)'.

Tiết mục biểu diễn nhạc cụ của đồng bào Tây Nguyên tại triển lãm.

Tiết mục biểu diễn nhạc cụ của đồng bào Tây Nguyên tại triển lãm.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh Thạch Bồi cho biết, Di sản Văn hóa phi vật thể cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO chính thức công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại ngày 25/11/2005. Đây là niềm tự hào không chỉ của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên mà còn của cả dân tộc Việt Nam.

Triển lãm không chỉ là hành trình kết nối giữa quá khứ và hiện tại, mà còn là lời nhắc nhở về trách nhiệm của mỗi người dân trong việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là kho tàng âm nhạc cồng chiêng - di sản văn hóa phi vật thể quý báu của Tây Nguyên nói riêng và của cả dân tộc Việt Nam nói chung. Đây cũng là dịp để tỉnh tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên về những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Trà Vinh đã chung sức xây dựng, đạt được trong suốt 50 năm qua thông qua 74 hình ảnh và tài liệu.

Ông Đinh Một, Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk cho biết, đối với người Tây Nguyên, cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ mà còn là tiếng nói của tâm linh; là phương tiện để con người bày tỏ niềm vui, nỗi buồn trong lao động, sinh hoạt và trong các nghi lễ cộng đồng. Họ tin rằng, mỗi chiếc cồng chiêng đều ẩn chứa một vị thần. Cồng chiêng càng cổ thì thần linh càng linh thiêng và quyền lực.

Không chỉ mang giá trị tinh thần, cồng chiêng còn là tài sản quý giá, biểu tượng cho quyền lực và sự giàu có của mỗi gia đình, dòng tộc. Âm thanh cồng chiêng không chỉ vang lên trong các lễ hội mà còn là sợi dây kết nối giữa con người với thần linh, giữa quá khứ với hiện tại, giữa cộng đồng với thiên nhiên.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.

Học sinh tham quan triển lãm.

Học sinh tham quan triển lãm.

Đến với triển lãm, khách tham quan có cơ hội tìm hiểu và khám phá nét văn hóa độc đáo của cồng chiêng Tây Nguyên qua hai không gian chính. Ở không gian âm nhạc cồng chiêng xưa, người xem sẽ được tiếp cận với những hình ảnh và tư liệu quý giá, phản ánh vai trò quan trọng của cồng chiêng trong đời sống tâm linh và các nghi lễ truyền thống của đồng bào Tây Nguyên. Những khoảnh khắc thiêng liêng được tái hiện, nơi âm nhạc cồng chiêng như ngọn lửa thắp sáng, thổi bùng sức mạnh tinh thần của cả cộng đồng.

Bước sang không gian âm nhạc cồng chiêng trong đời sống đương đại, khách tham quan sẽ cảm nhận rõ nét sự lan tỏa và sức sống mạnh mẽ của di sản này trong đời sống hiện nay. Âm nhạc cồng chiêng hiện diện trong các nghi thức truyền thống như: cúng bến nước, cúng cơm mới, cúng sức khỏe, lễ cưới, lễ bỏ mả…

Văn hóa cồng chiêng góp phần khẳng định sức sống bền bỉ và giá trị kết nối văn hóa sâu sắc - một di sản không chỉ vang vọng từ quá khứ mà còn hòa nhịp cùng hơi thở cuộc sống hôm nay, gắn kết các thế hệ trong cộng đồng.

Dự kiến triển lãm diễn ra từ ngày 24/4 - 24/5.

Tin, ảnh: Thanh Hòa (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/van-hoa-cong-chieng-khang-dinh-suc-song-ben-bi-va-gia-tri-ket-noi-cong-dong-sau-sac-20250424115917412.htm
Zalo