Văn hóa, con người - nền tảng phát triển bền vững, bài 4: Những thách thức và rào cản

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thái Nguyên cũng gặp không ít khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về 'Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước' (NQ 33) và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng về lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Đáng chú ý là thu hút nguồn lực xã hội để phát triển văn hóa còn hạn chế; việc tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa và nâng cấp, mở rộng thiết chế văn hóa ở cơ sở chưa tương xứng...

Bảo tàng tỉnh đang tận dụng nhà để xe làm nơi bảo quản hiện vật.

Bảo tàng tỉnh đang tận dụng nhà để xe làm nơi bảo quản hiện vật.

Cơ sở vật chất văn hóa chưa ngang tầm

Từ thực tế có thể thấy, nguồn lực cho hoạt động và đầu tư lĩnh vực văn hóa trên địa bàn tỉnh đã và đang phát huy hiệu quả tích cực. Hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở từng bước được hoàn thiện về số lượng, chất lượng. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận thì hạ tầng cơ sở vật chất văn hóa hiện nay vẫn chưa đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hóa, rèn luyện thể chất của nhân dân.

Toàn tỉnh hiện có 2.175 xóm, tổ dân phố có nhà văn hóa - khu thể thao, nhưng vẫn còn hơn 300 nhà văn hóa - khu thể thao chưa đạt chuẩn do diện tích hội trường, khuôn viên nhỏ, ít nhiều gây ảnh hưởng đến sinh hoạt cộng đồng và việc hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều nhà văn hóa - khu thể thao chưa đạt chuẩn do diện tích hội trường, khuôn viên nhỏ.

Trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều nhà văn hóa - khu thể thao chưa đạt chuẩn do diện tích hội trường, khuôn viên nhỏ.

Chưa kể, một số thiết chế văn hóa cấp tỉnh được đầu tư xây dựng từ nhiều năm trước hoặc tiếp quản từ cơ quan khác nên chưa phù hợp với tính chất, công năng hoạt động, như Bảo tàng, Thư viện tỉnh. Theo tìm hiểu của chúng tôi, cơ sở vật chất của hai đơn vị này tiếp nhận lại của Cục Thuế tỉnh từ năm 2008. Các phòng làm việc được xây dựng phục vụ cho ngành Thuế nên khi chuyển giao sang cho Thư viện và Bảo tàng tỉnh thì hầu hết không phù hợp.

Hệ thống phòng đọc, lưu trữ của Thư viện tỉnh đa phần có diện tích nhỏ.

Hệ thống phòng đọc, lưu trữ của Thư viện tỉnh đa phần có diện tích nhỏ.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Thư viện tỉnh, cho biết: Các phòng đọc sách, báo của Thư viện chật hẹp (diện tích từ 18 đến 30m2/phòng), chỉ có 1 phòng đọc rộng 150m2 ở tầng 4 nên không thuận lợi cho bạn đọc, nhất là với người cao tuổi. Các kho sách cũng chật hẹp nên công tác lưu trữ, bảo quản sách gặp khó khăn. Thư viện chỉ phục vụ trong giờ hành chính cũng khiến lượng độc giả đến đây không nhiều.

Do cùng tiếp nhận lại nhà làm việc của Cục Thuế tỉnh từ hơn chục năm trước nên các tầng nhà giữa Bảo tàng và Thư viện tỉnh được ngăn chia tạm. Diện tích Bảo tàng tỉnh quá chật hẹp, không có khuôn viên trưng bày ngoài trời. Dù đã được cải tạo, sửa chữa, song phòng trưng bày chuyên đề không đủ diện tích, các phòng kho chật chội, chưa đủ trang thiết bị để bảo đảm việc lưu giữ, bảo quản tài liệu, hiện vật lâu dài. Chính vì vậy, nơi đây chưa đáp ứng được việc đón tiếp, phục vụ khách tham quan...

Bà Trần Thị Nhiện, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên: "Chúng tôi mong muốn tỉnh sớm đầu tư xây dựng Bảo tàng và Thư viện tỉnh trở thành thiết chế văn hóa tương xứng với sự phát triển của tỉnh"...

Thu hút nguồn lực chưa tương xứng

Đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa nhằm huy động các nguồn đầu tư, tài trợ đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. 10 năm qua, công tác bảo tồn, tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã thu hút được nhiều nguồn lực xã hội tham gia với kinh phí trên 378 tỷ đồng xây dựng, đầu tư, tôn tạo nhiều di tích. Giai đoạn này, Đội tuyển bóng đá nữ Thái Nguyên cũng nhận được tài trợ trên 13 tỷ đồng từ các doanh nghiệp TNG, T&T. Cùng với đó, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao từ tỉnh tới cơ sở nhận được sự ủng hộ tích cực của mọi tầng lớp nhân dân, tạo tính lan tỏa.

Theo đánh giá, công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh có tiến bộ bước đầu nhưng chưa rộng khắp, việc thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển văn hóa còn hạn chế. Việc tôn tạo, tu bổ các di tích lịch sử, văn hóa… đã được tỉnh triển khai tốt, nhưng hiện vẫn còn không ít di tích bị xuống cấp, chưa được tu bổ, tôn tạo tương xứng do thiếu nguồn lực, kinh phí. Các sản phẩm văn hóa phục vụ cho du lịch, dịch vụ chưa phong phú, đa dạng. Chưa có nhiều khu vui chơi giải trí công cộng hay công viên đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, nhất là trẻ em.

Thu hái chè tại HTX chè Hảo Đạt, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên). Ảnh: Lăng Khoa

Thu hái chè tại HTX chè Hảo Đạt, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên). Ảnh: Lăng Khoa

Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương được đưa vào danh mục Di sản phi vật thể quốc gia và nét đẹp văn hóa trà truyền thống có từ hàng trăm năm nay của Thái Nguyên đã từng bước được phát triển nhưng vẫn chưa xứng tầm.

Bên cạnh đó, phải khẳng định, công tác tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch đã mang lại hiệu quả tích cực song vẫn thiếu hệ thống. Việc kết nối tour, tuyến, hợp tác giữa các doanh nghiệp làm du lịch trong vùng chưa được đẩy mạnh. Một doanh nhân làm ngành du lịch của tỉnh chia sẻ: Để giữ chân du khách lưu trú dài ngày, Thái Nguyên cần có khu phố đi bộ, chợ đêm, khu ẩm thực và một số hoạt động giải trí lành mạnh như các tỉnh bạn.

Ông Đỗ Trọng Hiệp, Giám đốc Công ty Du lịch - Khách sạn Dạ Hương, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh: "Du lịch của tỉnh đang từng bước phát triển song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Các đơn vị, doanh nghiệp tham gia hoạt động trong lĩnh vực khách sạn, nhà nghỉ gặp không ít khó khăn vì đa phần khách đến tham quan không ở lại lưu trú qua đêm"...

Nhận diện những hạn chế, bất cập

Một trong những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện NQ 33 tại Thái Nguyên là đội ngũ cán bộ hiện nay có chất lượng không đồng đều. Dù đang trong thời kỳ bùng bổ công nghệ hiện đại, song vẫn có những cán bộ chưa tích cực học hỏi chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng với chuyển đổi số, thái độ làm việc còn ì ạch và không chịu đổi mới.

Tại cuộc làm việc với Đoàn công tác Trung ương kiểm tra, khảo sát việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng về lĩnh vực văn hóa, văn nghệ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên vào cuối tháng 5-2024, đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, thẳng thắn: Nguyên nhân chủ quan khiến việc thực hiện NQ 33 tại Thái Nguyên chưa thực sự phát huy hiệu quả là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai của một số cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể trong tuyên truyền thực hiện các nghị quyết, chương trình hành động có việc còn chưa thường xuyên, kịp thời. Công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương nhiều khi thiếu chặt chẽ, chưa tích cực. Vẫn còn, dù ít, một số địa phương, đơn vị chưa thực sự thường xuyên quan tâm, chỉ đạo cơ sở trong triển khai thực hiện nghị quyết, chưa coi trọng việc phát triển văn hóa như phát triển kinh tế và còn coi đây là nhiệm vụ của riêng cán bộ văn hóa.

Mặc dù đã được cải tạo, sửa chữa nhưng phòng trưng bày chuyên đề của Bảo tàng tỉnh vẫn còn nhỏ hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu đón tiếp, phục vụ khách tham quan.

Mặc dù đã được cải tạo, sửa chữa nhưng phòng trưng bày chuyên đề của Bảo tàng tỉnh vẫn còn nhỏ hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu đón tiếp, phục vụ khách tham quan.

Và qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy tại một số địa phương, đơn vị trong tỉnh, việc triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” còn mang tính hình thức, chưa phù hợp với điều kiện, nhu cầu thực tế; xây dựng và thực hiện các quy chế, quy ước văn hóa cộng đồng, văn hóa công sở cũng còn một số hạn chế nhất định.

Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan nêu trên, trước sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường và bùng nổ thông tin trên các mạng xã hội hiện nay, những thông tin xấu độc đã xâm nhập, ảnh hưởng không nhỏ đến một bộ phận người dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên.

Trong khi đó, việc đấu tranh chống sự xâm hại của các sản phẩm văn hóa độc hại chưa đạt hiệu quả cao (nhất là trên không gian mạng xã hội) khiến đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân có biểu hiện xuống cấp, lệch lạc. Các tệ nạn xã hội (như ma túy, cờ bạc), các trò chơi điện tử thiếu lành mạnh gây ảnh hưởng không nhỏ đến văn hóa gia đình, đến việc giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, nhất là với giới trẻ...

Một số di tích tiêu biểu được đầu tư tu bổ, tôn tạo từ nguồn xã hội hóa trong 10 năm qua trên địa bàn tỉnh: Địa điểm lưu niệm các thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái hy sinh tại ga Lưu Xá, phường Gia Sàng, TP. Thái Nguyên (trên 55,3 tỷ đồng); địa điểm Trường đảng Nguyễn Ái Quốc, xã Bình Thành, huyện Định Hóa (21,6 tỷ đồng); Khu di tích Lý Nam Đế, phường Tiên Phong, TP. Phổ Yên (166 tỷ đồng)…

(Còn nữa)

Nhóm P.V

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202408/van-hoa-con-nguoi-nen-tang-phat-trien-ben-vung-bai-4-nhung-thach-thuc-va-rao-can-797143f/
Zalo