Vận dụng mô hình thống kê vào chọn mẫu hồ sơ đối chiếu thuế khi kiểm toán

Hiện nay, có nhiều công cụ phân tích đánh giá rủi ro, từ đó xác định được báo cáo tài chính (BCTC) của doanh nghiệp có tồn tại việc quản trị lợi nhuận hay không. Các công cụ này hỗ trợ kiểm toán viên trong công tác chọn mẫu đối tượng đối chiếu thuế và giúp tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác kiểm toán.

TS. Hà Thị Mỹ Dung - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao tính ứng dụng của đề tài. Ảnh: Nguyễn Ly

TS. Hà Thị Mỹ Dung - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao tính ứng dụng của đề tài. Ảnh: Nguyễn Ly

Sáng 25/12, Hội đồng khoa học Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Vận dụng mô hình thống kê vào chọn mẫu hồ sơ đối chiếu thuế trong kiểm toán báo cáo tài chính của KTNN” do PGS,TS. Đặng Anh Tuấn và ThS. Đặng Văn Công (KTNN khu vực IV) đồng chủ nhiệm.

TS. Hà Thị Mỹ Dung - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu; cùng tham dự có các thành viên Hội đồng và Ban đề tài.

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Nguyễn Ly

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Nguyễn Ly

Theo PGS,TS. Đặng Anh Tuấn, những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp dùng các thủ thuật gian lận như ghi lợi nhuận ảo, tăng vốn ảo, phát hành cổ phiếu, trái phiếu “rác” ra công chúng sau đó công bố các báo cáo tài chính (BCTC) sai lệch, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, lũng loạn thị trường cũng như làm méo mó các sự kiện kinh tế. Hành vi điều chỉnh lợi nhuận và gian lận trên BCTC ngày càng trở thành mối lo ngại đối với các nhà đầu tư, công ty kiểm toán, nhà nghiên cứu cũng như các cơ quan nhà nước. Vì vậy, vai trò của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong công tác điều tra gian lận trên BCTC, chống thất thu thuế là đặc biệt quan trọng.

PGS,TS. Đặng Anh Tuấn trình bày kết quả nghiên cứu. Ảnh: Nguyễn Ly

PGS,TS. Đặng Anh Tuấn trình bày kết quả nghiên cứu. Ảnh: Nguyễn Ly

Trong các cuộc kiểm toán, KTNN thực hiện chọn mẫu các doanh nghiệp để đối chiếu thuế, nhưng việc chọn mẫu các doanh nghiệp chủ yếu dựa trên kinh nghiệm và xét đoán chuyên môn, như: quy mô doanh thu, lợi nhuận, lĩnh vực kinh doanh, khoảng thời gian chưa được thanh tra, kiểm tra thuế. Thực tế, KTNN vẫn thiếu mô hình phân tích đánh giá rủi ro và xác định BCTC của doanh nghiệp có tồn tại việc điều chỉnh lợi nhuận hay không để làm cơ sở chọn mẫu đảm bảo đúng đối tượng. Với giới hạn về thời gian và nhân sự của KTNN, việc áp dụng một công cụ tài chính là cần thiết giúp hỗ trợ chọn đối tượng đối chiếu thuế có độ tin cậy cao, tiết kiệm thời gian, góp phần làm nâng cao hiệu quả và chất lượng của công tác kiểm toán.

Đề tài “Vận dụng mô hình thống kê vào chọn mẫu hồ sơ đối chiếu thuế trong kiểm toán báo cáo tài chính của KTNN” được thực hiện nhằm khảo sát thực trạng áp dụng các kỹ thuật thống kê để phát hiện BCTC có dấu hiệu điều chỉnh lợi nhuận tại Việt Nam và trên thế giới, từ đó đưa ra mô hình và phương pháp thống kê phù hợp để phát hiện hành vi điều chỉnh lợi nhuận trên BCTC; đánh giá khả năng áp dụng mô hình và phương pháp thống kê đề xuất thông qua kiểm định sự phù hợp và tin cậy của mô hình thống kê đề xuất. Từ đó, nhóm tác giả đề xuất các phương pháp và kỹ thuật phân tích phát hiện báo cáo có hành vi điều chỉnh lợi nhuận từ mô hình thống kê đề xuất.

TS. Nguyễn Lương Thuyết - Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Phản biện 1 góp ý với Ban đề tài. Ảnh: Nguyễn Ly

TS. Nguyễn Lương Thuyết - Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Phản biện 1 góp ý với Ban đề tài. Ảnh: Nguyễn Ly

Trong quá trình nghiên cứu, Ban đề tài thu thập và chuẩn hóa dữ liệu, lựa chọn mô hình thống kê có thể phát hiện chính xác nhất hành vi quản trị lợi nhuận; phân tích để xác định BCTC của doanh nghiệp có hành vi quản trị lợi nhuận dồn tích (AEM), quản trị lợi nhuận thực (REM) và phân tích Luật Benford; đề xuất hướng dẫn và giải pháp áp dụng các mô hình thống kê để phát hiện hành vi điều chỉnh lợi nhuận trên BCTC cho mục đích chọn doanh nghiệp kiểm tra, đối chiếu thuế.

Đề tài gồm 3 chương: Chương 1 - Cơ sở lý luận về hành vi điều chỉnh lợi nhuận trên BCTC và thực trạng đối chiếu thuế trong kiểm toán BCTC của KTNN Việt Nam; Chương 2 - Mô hình thống kê xác định các doanh nghiệp có hành vi điều chỉnh lợi nhuận trên BCTC; Chương 3 - Giải pháp ứng dụng mô hình thống kê để chọn mẫu hồ sơ đối chiếu thuế trong kiểm toán BCTC của KTNN.

Hội đồng nghiệm thu đánh giá, đề tài có tính ứng dụng cao cho hoạt động kiểm toán. Ban chủ nhiệm đề tài đã nghiên cứu mô hình quốc tế, kinh nghiệm kiểm toán của các cơ quan kiểm toán trên thế giới và đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn hoạt động của chính đơn vị mình để tổ chức nghiên cứu một cách công phu, bài bản.

Trong đó, đề tài đã chỉ rõ các nhân tố và chỉ số đo lường hành vi quản trị lợi nhuận trên BCTC; dấu hiệu doanh nghiệp có hành vi quản trị lợi nhuận và đưa ra mô hình thống kê cũng như điều kiện ứng dụng mô hình thống kê. Đây là mô hình quan trọng để giới thiệu vận dụng tại chương 3. Trong phần giải pháp ứng dụng mô hình thống kê để chọn mẫu hồ sơ đối chiếu thuế trong kiểm toán BCTC của KTNN, Ban đề tài đã đưa ra 4 nhóm định hướng và 5 nhóm giải pháp áp dụng mô hình. Đề tài cũng đã chỉ ra các điều kiện cho việc thực hiện triển khai kiểm toán đối chiếu thuế ứng dụng mô hình thống kê đối với KTNN.

Hội đồng nghiệm thu đánh giá đề tài có tính ứng dụng cao cho hoạt động kiểm toán. Ảnh: Nguyễn Ly

Hội đồng nghiệm thu đánh giá đề tài có tính ứng dụng cao cho hoạt động kiểm toán. Ảnh: Nguyễn Ly

Để hoàn thiện đề tài, Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban đề tài bổ sung các tiêu chí đánh giá tính hiệu quả của việc lựa chọn các hồ sơ đối chiếu thuế; nguồn dữ liệu phục vụ khai thác các mô hình thống kê; nêu rõ ưu điểm, hạn chế so với việc áp dụng mô hình, phương pháp truyền thống hay phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên; rà soát Luật Quản lý thuế năm 2019, trong đó có quy định về quyền hạn của KTNN trong việc thực hiện kiểm toán công tác quản lý thuế theo luật KTNN liên quan đến người nộp thuế...

Đánh giá cao tính ứng dụng của đề tài, TS. Hà Thị Mỹ Dung - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban đề tài tiếp thu ý kiến của Hội đồng nghiệm thu, trong đó lưu ý đến các nội dung: làm rõ khi áp dụng mô hình thống kê sẽ gặp những rủi ro như thế nào, chẳng hạn như thông tin đầu vào (người nộp thuế), cơ sở dữ liệu, cơ sở pháp lý, các quy định pháp luật, phải cập nhật thường xuyên về dữ liệu, mô hình... Ban đề tài cần cụ thể hóa điều kiện áp dụng, đồng thời lưu ý đến các yếu tố về công nghệ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động kiểm toán.

Hội đồng nghiệm thu đánh giá đề tài xếp loại Khá.

THÙY LÊ

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/van-dung-mo-hinh-thong-ke-vao-chon-mau-ho-so-doi-chieu-thue-khi-kiem-toan-37309.html
Zalo