Vận dụng mô hình lớp học đảo ngược
Một trong những mô hình dạy học hiện đại, được nhiều nhà trường quan tâm triển khai chính là mô hình 'lớp học đảo ngược'.
![Giờ học Ngữ văn tại THPT Nghi Lộc 2 (Nghi Lộc, Nghệ An). Ảnh: TG](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_181_51445059/19a8179b23d5ca8b93c4.jpg)
Giờ học Ngữ văn tại THPT Nghi Lộc 2 (Nghi Lộc, Nghệ An). Ảnh: TG
Mô hình này đã giúp ích rất nhiều cho cả giáo viên và học sinh trong quá trình giảng dạy và học tập.
Khái quát về mô hình
Lớp học đảo ngược có tên tiếng Anh là Flipped Classroom. Đây là mô hình học tập ngược lại với mô hình truyền thống. Trong mô hình này, học sinh sẽ học bài trước khi lên lớp thông qua các video quay sẵn, tài liệu hỗ trợ. Đôi khi là các cuộc thảo luận trực tuyến và chuẩn bị câu hỏi, chủ đề thảo luận. Sau đó, khi lên lớp, các em đặt các câu hỏi để giáo viên (nhóm chuyên gia) giải đáp; cùng làm bài tập và thảo luận nhóm… để hiểu sâu và mở rộng kiến thức (xem bảng).
Xem bài giảng trên hệ thống quản lý lớp học, nghiên cứu trả lời các câu hỏi trong bài.
Đặt câu hỏi hoặc ghi chú các nội dung chưa rõ, chưa hiểu.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_181_51445059/729c78af4ce1a5bffcf0.jpg)
Như vậy, lớp học đảo ngược sẽ thay đổi vai trò của người dạy và người học. Giáo viên không phải lên lớp để dạy những nội dung kiến thức trong bài giảng mà chỉ thảo luận phân tích, giải thích các vấn đề mà người học vướng phải không tự giải quyết được. Học sinh sẽ tiếp thu kiến thức qua video thu lại lời giảng của giáo viên hoặc qua bài giảng PowerPoint.
Vai trò của “lớp học đảo ngược”
Chương trình GDPT 2018 xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất, năng lực nên rất cần những không gian, thời gian học tập mở. Trong khi mô hình lớp học truyền thống vẫn đóng khung trong một lớp học cố định rất khó để xây dựng và thực hiện được các kế hoạch học tập mở thì “lớp học đảo ngược” ra đời đã đóng một vai trò rất lớn để thầy và trò học tập, sáng tạo:
- Mô hình tạo môi trường học tập linh hoạt, cho phép học sinh lựa chọn cách thức, nơi chốn, thời gian học tập phù hợp với điều kiện của cá nhân, giáo viên linh hoạt hơn trong đánh giá việc học tập của từng học sinh.
- Lớp học đảo ngược tạo phong cách học tập mới cho học sinh. Từ đó, đưa đến không khí hứng khởi cho người học trong việc tự học có hướng dẫn. Trong lớp học truyền thống, giáo viên là trung tâm thông tin, học sinh có thảo luận đều xoay quanh những ý kiến chủ đạo, dẫn dắt của giáo viên.
Ở mô hình lớp học đảo ngược, học sinh phải là trung tâm; Thời gian ở lớp dành cho thảo luận các kiến thức sâu hơn, tạo cơ hội học tập phong phú, kết nối, ứng dụng, phản biện và có ý nghĩa đối với học sinh. Đây cũng là điểm giúp học sinh rèn luyện được nhiều kỹ năng và bồi dưỡng được các phẩm chất.
- Lớp học đảo ngược cung cấp nội dung học tập một cách có định hướng, qua đó sẽ tối ưu hóa thời gian ở lớp. Giáo viên xác định rõ nội dung và mục đích bài học cho học sinh, còn học sinh chủ động tìm kiếm, khám phá, lĩnh hội.
- Giáo viên tiết kiệm thời gian giảng dạy kiến thức nền tảng: Các video đã quay sẵn có thể áp dụng nhiều lớp giúp giảm thời gian phải nói lại ở trên lớp như cách dạy truyền thống. Khi cần cập nhật thông tin, giáo viên có thể chỉnh sửa video.
Giáo viên có thêm thời gian nghiên cứu kiến thức mới, hướng dẫn, điều hành lớp học và giúp học sinh thực hành, học tập chuyên sâu hơn. Đồng thời, giáo viên cũng có thêm thời gian để tương tác, đánh giá điểm mạnh, yếu của mỗi học sinh để dạy học hiệu quả.
- Giáo viên phải chịu khó học tìm hiểu và sử dụng một số phần mềm để tạo lớp học ảo. Từ đó, giáo viên nâng cao được trình độ công nghệ thông tin.
+ Giáo viên không phải nói nhiều và tiếp xúc với bụi phấn bảng, tốt hơn cho sức khỏe.
Dạy học theo mô hình lớp học đảo ngược là hình thức dạy học tiên tiến và đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Với mô hình học tập này, học sinh sẽ chủ động hơn trong việc tự học các nội dung của bài học mới thông qua các bài giảng E-learning hay giáo án của giáo viên gửi.
Một ví dụ vận dụng mô hình này vào dạy học phần “Nói và nghe” – môn Ngữ văn, giáo viên trong phần hướng dẫn lý thuyết của tất cả các bài học có thể gửi bài giảng trước ở nhà để giúp học sinh có thêm thời gian thực hành trên lớp.
Giáo viên có thể kết hợp các phương pháp giảng, phương tiện giảng dạy một cách linh hoạt để việc giảng dạy thực sự có hiệu quả. Phương pháp học tập này giúp học sinh xóa dần thói quen thụ động, tạo thói quen tương tác, hình thành thái độ, tư duy và kỹ năng quan trọng của công dân trong thời đại số.
![Tổ chức trò chơi trong phần khởi động.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_181_51445059/726d6e5e5a10b34eea01.jpg)
Tổ chức trò chơi trong phần khởi động.
Cách thức triển khai mô hình
Mô hình này đòi hỏi giáo viên phải là nhà sư phạm chuyên nghiệp so với lớp học truyền thống. Giáo viên liên tục quan sát học trò, cung cấp cho các em những phản hồi thích hợp vào đúng thời điểm cần thiết, đánh giá bài làm của học sinh. Giáo viên kết nối mỗi thành viên trong lớp để nâng cao việc học tập. Đồng thời, giáo viên cộng tác với nhau, cùng suy nghĩ và chịu trách nhiệm trong việc cải tiến phương thức dạy và học. Cách thức triển khai như sau:
- Trước giờ lên lớp: Giáo viên xây dựng một lớp học ảo trên mạng, học sinh được cung cấp tài khoản tham gia, thực hiện các nhiệm vụ học tập theo yêu cầu của thầy cô. Học sinh được cung cấp các học liệu trên mạng (video bài giảng, tài liệu tham khảo…), tự tìm hiểu và hình thành các kiến thức cơ bản của bài học.
- Trong giờ học trên lớp: Giáo viên tổ chức thảo luận các vấn đề theo nhiều hình thức khác nhau. Từ những vấn đề lớn, nhỏ, học sinh phải tự tìm ra hướng tiếp cận, sau đó, giáo viên mới kết luận và đưa ra các luận điểm chung, ghi nhận những luận điểm mới do trò thảo luận. Giáo viên nhận xét, đánh giá, giải đáp, chốt lại kiến thức, giao bài tập và nhiệm vụ mới cho bài học sau.
- Sau giờ lên lớp: Học sinh có thể tiếp tục phát triển năng lực tự học, tự khám phá bằng việc thực hiện nghiên cứu nhỏ, đăng công khai trên nhóm học tập để chia sẻ với mọi người, tạo hứng thú tự học, nuôi dưỡng đam mê, thích thú với môn học cho trò.
Như vậy, lớp học đảo ngược được chia thành 2 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Tìm hiểu thông tin mới.
Giai đoạn này diễn ra hoàn toàn ở nhà. Giáo viên và học sinh sẽ tự làm việc hoặc học tập một mình. Nhiệm vụ của giáo viên và học sinh ở giai đoạn 1 cụ thể như sau:
Giáo viên tìm hiểu thông tin, xác định nội dung, mục tiêu bài học, chuẩn bị bài giảng hấp dẫn cho học sinh. Sau đó, giáo viên quay video bài giảng và cung cấp học liệu cho học sinh qua mạng.
Học sinh xem video bài giảng, đọc sách và tài liệu, học các kiến thức mà giáo viên đã gửi, ghi chép lại các kiến thức thu nhận được, tự làm quiz, bài tập cấp thấp. Đồng thời, học sinh thảo luận trên diễn đàn, ghi lại các câu hỏi thắc mắc, chuẩn bị dự án nhóm. Trong một số trường hợp, học sinh còn có thể tương tác trước với giáo viên hoặc học sinh khác trên hệ thống.
Giai đoạn 2: Đào sâu vào kiến thức.
Giai đoạn này diễn ra ở lớp học. Học sinh và giáo viên tương tác với nhau, học sinh tương tác với bạn học trong lớp về bài học đã tìm hiểu trước đó ở nhà. Nhiệm vụ của giáo viên và học sinh ở giai đoạn 2 cụ thể như sau:
Giáo viên tổ chức thảo luận theo nhiều hình thức khác nhau, nhận xét, đánh giá, giải đáp các câu hỏi của học sinh, chốt lại kiến thức trọng tâm. Sau đó, giáo viên sẽ đưa thêm các kiến thức chuyên sâu vào bài giảng.
Học sinh đặt câu hỏi để làm rõ vấn đề, nghe giáo viên giải đáp, giảng giải, làm việc nhóm, thảo luận tình huống, tranh luận, thực hành kỹ năng, thuyết trình cá nhân và nhóm. Ngoài ra, học sinh có thể tham gia các trò chơi để củng cố kiến thức và nghe nhận xét của giáo viên.
Mục tiêu của chương trình giáo dục THPT là giúp học sinh phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết đối với người lao động, ý thức và nhân cách công dân, khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời, khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện hoàn cảnh của bản thân.
Mỗi môn học đều nhằm hướng tới phát triển ở người học những năng lực riêng, đặc thù. Có thể thấy, các tiết học theo mô hình “lớp học đảo ngược” đều nhằm phát triển năng lực đặc thù đó, như ngôn ngữ, thẩm mỹ… ở môn Ngữ văn; năng lực tư duy và lập luận toán học, mô hình hóa toán học… ở môn Toán; năng lực sử dụng ngôn ngữ hóa học, nghiên cứu và thực hành hóa học…
Đổi mới phương pháp dạy học là tất yếu trong giai đoạn dạy học hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh Chương trình GDPT 2018 đã chính thức được triển khai đầy đủ ở tất cả các cấp học. Và việc thầy cô ở các trường học phổ thông mạnh dạn, chủ động vận dụng các mô hình dạy học mới, trong đó có mô hình “lớp học đảo ngược” sẽ giúp ích cho chính các thầy cô cũng như học trò của mình trong quá trình dạy và học đạt kết quả cao hơn.
Theo lộ trình đổi mới giáo dục, năm học 2024 - 2025, Chương trình GDPT 2018 được triển khai thực hiện ở các lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Nhằm hướng tới mục tiêu phát triển phẩm chất và những năng lực cốt lõi của người học, chương trình mới có nhiều điểm mới so với chương trình cũ từ cấu trúc, sách giáo khoa đến nội dung chương trình và việc vận dụng các phương pháp, kĩ thuật, mô hình dạy học.
Trong đó, việc vận dụng đa dạng các mô hình dạy học tiên tiến, các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực, hiện đại là một trong những giải pháp để giúp người học lĩnh hội nhanh đến nội dung kiến thức và đạt được mục tiêu của giáo dục.