Vấn đề thuế quan sẽ chi phối Hội nghị mùa xuân của WB/IMF
Hội nghị mùa xuân năm 2025 của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ diễn ra từ thứ Hai (ngày 21/4) đến thứ Bảy (ngày 26/4). Theo các nhà phân tích, thuế quan sẽ là chủ đề nóng tại Hội nghị này.

Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva
Chủ đề nóng: Thuế quan
Các cuộc họp của IMF và WB, cùng với cuộc họp bên lề của các nhà lãnh đạo tài chính G20 đã chứng minh là những diễn đàn quan trọng để phối hợp các hành động chính sách mạnh mẽ trong thời kỳ khủng hoảng, chẳng hạn như đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.
Tuy nhiên lần này, với sự tham gia của các bộ trưởng thương mại, các phái đoàn sẽ hướng tới mục tiêu củng cố nền kinh tế của chính họ trước tiên, các chuyên gia chính sách cho biết. “Trọng tâm của các cuộc họp này trong vài năm qua, vốn tập trung nhiều vào cải cách ngân hàng phát triển đa phương và ở một mức độ nào đó là củng cố cấu trúc nợ có chủ quyền, sẽ bị bỏ qua”, Nancy Lee - một cựu quan chức Bộ Tài chính Hoa Kỳ, hiện là thành viên chính sách cấp cao tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu ở Washington cho biết.
Theo đó, trong số hàng trăm nhà lãnh đạo tài chính toàn cầu tập trung về Hội nghị mùa xuân của WB/IMF tuần này, không ít người mang trên mình sứ mệnh: đàm phán thương mại. Cụ thể hơn là làm thế nào để thoát khỏi - hoặc ít nhất là giảm thiểu - nỗi đau từ loạt thuế nhập khẩu cao chưa từng có của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Chẳng hạn Nhật Bản đang chịu áp lực từ mức thuế 25% của Trump đối với ô tô và thép và mức thuế tương hỗ đối với mọi mặt hàng khác có thể lên tới 24%. Bởi vậy Nhật Bản đặc biệt muốn nhanh chóng đạt được thỏa thuận thuế quan với Mỹ và để hiện thực hóa mục tiêu này Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Katsunobu Kato dự kiến sẽ gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent để tiếp tục các cuộc đàm phán bên lề cuộc họp của IMF và WB.
Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choi Sang-mok cũng đã chấp nhận lời mời của Bessent để họp vào tuần này để thảo luận về thương mại, Bộ tài chính Seoul cho biết khi nước này cũng đang tìm cách trì hoãn việc áp dụng mức thuế 25% và hợp tác với Mỹ trong các lĩnh vực cùng quan tâm như năng lượng và đóng tàu…
“Chiến tranh thương mại sẽ thống trị tuần này, cũng như các cuộc đàm phán song phương mà hầu như mọi quốc gia đều đang cố gắng theo đuổi theo một cách nào đó, hình thức nào đó”, Josh Lipsky - Giám đốc cấp cao của Trung tâm Địa kinh tế của Hội đồng Đại Tây Dương cho biết. “Vì vậy, đây sẽ trở thành một Cuộc họp mùa xuân không giống bất kỳ cuộc họp nào khác, bị chi phối bởi một vấn đề duy nhất”.
Triển vọng kinh tế toàn cầu bị che mờ
Hồi tháng 1, IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu là 3,3% vào năm 2025 và 3,3% vào năm 2026. Tuy nhiên Chính sách thuế quan của ông Trump đã làm lu mờ các dự báo kinh tế của IMF, dự kiến được công bố vào thứ Ba (22/4).
Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết tuần trước rằng, dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu của IMF được đưa ra trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới (World Economic Outlook - WEO) sẽ “giảm đáng kể nhưng không phải suy thoái”, chủ yếu là do sự bất ổn và biến động thị trường do lo ngại rủi ro thuế quan gây ra.
Tổng giám đốc IMF cho biết, nền kinh tế của các quốc gia đang bị thử thách bởi sự khởi động lại hệ thống thương mại toàn cầu - được thúc đẩy trong những tháng gần đây bởi thuế quan của Mỹ và sự trả đũa của nhiều đối tác thương mại lớn đã gây ra sự bất ổn và sự biến động mạnh trên thị trường tài chính. “Dự báo tăng trưởng mới của chúng tôi sẽ bao gồm các đợt suy giảm đáng kể nhưng không phải là suy thoái”, bà Georgievacho biết.
Mặc dù cho biết nền kinh tế thực của thế giới vẫn tiếp tục hoạt động tốt, nhưng bà Georgieva cũng cảnh báo rằng, nhận thức ngày càng tiêu cực về tình trạng hỗn loạn thương mại và lo ngại về suy thoái có thể làm chậm hoạt động kinh tế.
“Một điều tôi học được qua các giai đoạn khủng hoảng là nhận thức cũng quan trọng như thực tế”, bà cho biết và nói thêm: “Nếu nhận thức thay đổi theo hướng tiêu cực, điều đó có thể gây bất lợi khá lớn đến hiệu suất của nền kinh tế”.
Trong phát biểu của mình, Tổng giám đốc IMF cũng kêu gọi các quốc gia phản ứng một cách khôn ngoan trước “những thay đổi đột ngột và sâu rộng” về chính sách thuế quan của Mỹ. Bà cũng kêu gọi các quốc gia tiếp tục cải cách kinh tế và tài chính trong khi vẫn duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt và đáng tin cậy, cũng như quản lý và giám sát thị trường tài chính chặt chẽ.
Bà nói thêm rằng các nền kinh tế thị trường mới nổi nên duy trì sự linh hoạt của tỷ giá hối đoái và các quốc gia tài trợ nên bảo vệ tốt hơn dòng viện trợ cho các quốc gia thu nhập thấp dễ bị tổn thương.
Trong khi Lipsky cho biết, một thách thức mới tiềm tàng đối với các nhà hoạch định chính sách là liệu đồng USD có còn là tài sản trú ẩn an toàn hay không, sau khi thuế quan của Trump gây ra đợt bán tháo trái phiếu Kho bạc Mỹ.