Mỹ áp thuế đồng minh khiến thương vụ đóng tàu ngầm hạt nhân gặp khó
Mục tiêu bàn giao tàu ngầm hạt nhân theo thỏa thuận AUKUS có nguy cơ trễ hẹn và đội giá sau khi Mỹ áp thuế mới đối với thép và nhôm nhập khẩu từ các nước đồng minh.

Tàu ngầm hạt nhân USS North Carolina cùng loại với mẫu tàu ngầm mà Úc đặt mua từ Mỹ. Ảnh: AAP.
Thỏa thuận quốc phòng ba bên giữa Mỹ, Anh và Úc - gọi tắt là AUKUS - đang có nguy cơ đổ bể, khi mục tiêu bàn giao tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia cho Úc được cho là đang vấp phải nhiều trở ngại.
Dự án đóng tàu ngầm hạt nhân của Mỹ gặp trở ngại
Tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP) ngày 20/4 đưa tin, các rào cản mới xuất hiện sau khi Mỹ ban hành thuế mới với thép và nhôm nhập khẩu, đồng thời có các vấn đề khách quan như năng lực đóng tàu của Mỹ đang ngày càng suy giảm.
Theo thượng nghị sĩ Mỹ Tim Kaine – thành viên ban phụ trách sức mạnh hải quân của Thượng viện – dự án đóng tàu ngầm hạt nhân theo thỏa thuận AUKUS đang gặp rắc rối cả về ngân sách lẫn tiến độ. Phát biểu tại một sự kiện về AUKUS diễn ra tuần trước ở Washington, ông Kaine cảnh báo rằng mức thuế mới có thể khiến quá trình bàn giao tàu ngầm cho Úc bị trì hoãn và chi phí đội lên đáng kể.
Dưới thời chính quyền tiền nhiệm Joe Biden, Mỹ từng gây bất ngờ khi khiến Úc hủy hợp đồng đóng tàu ngầm hạt nhân với Pháp. Úc sau đó quay sang đặt mua 3 tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia của Mỹ theo thỏa thuận AUKUS, với khả năng mua thêm thêm 2 chiếc nữa nếu cần thiết.
“Khoảng một phần ba lượng thép và nhôm sử dụng để chế tạo tàu ngầm đến từ các nước đồng minh như Canada và Anh – những quốc gia giờ cũng nằm trong diện chịu mức thuế mới”, ông Kaine nói, theo SCMP.
Báo cáo cho biết, thép và nhôm nhập khẩu từ Anh sẽ chịu mức thuế 10%, trong khi kim loại từ Canada sẽ bị áp thuế lên tới 25%. Những mức thuế này có hiệu lực từ ngày 12/3, áp dụng rộng rãi và không phân biệt nguồn gốc sử dụng, khiến các ngành công nghiệp Mỹ, trong đó có đóng tàu, bị tác động đáng kể.
Mỹ có thể chậm giao tàu ngầm hạt nhân cho Úc
Theo giáo sư Trần Hồng – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Australia tại Đại học Sư phạm Hoa Đông (Trung Quốc) – năng lực sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực đóng tàu của Mỹ, vốn đã bị nghi ngờ ngay cả trước khi các mức thuế mới được ban hành.
Ông Trần cho biết, chính các mức thuế mới đã khiến ngành công nghiệp Mỹ thêm khó khăn, đẩy các nhà máy đóng tàu vào thế bị động. “Việc Mỹ có thể bàn giao tàu ngầm theo thỏa thuận AUKUS một cách đúng tiến độ là điều rất khó thực hiện”, ông Trần nói trên tờ Thời báo Hoàn Cầu. Không chỉ phải đóng tàu ngầm cho Úc, các nhà máy đóng tàu Mỹ cũng đang đóng thêm 10 tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia cho hải quân.
Chuyên gia này cũng cho rằng Úc vẫn đang ảo tưởng khi tin rằng Washington sẽ ưu tiên các đồng minh thân cận nhất. “Thực tế vẫn có một khoảng cách đáng kể”, ông nhận xét.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng quan điểm bi quan. Malcolm Davis – nhà phân tích cấp cao tại Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) – cho rằng nếu Australia nhận được tàu ngầm lớp Virginia đầu tiên vào năm 2033, và hai chiếc còn lại vào cuối thập niên, thì ảnh hưởng từ các mức thuế sẽ không đáng kể.
Dù vậy, ông Trần vẫn cho rằng cần nhìn nhận thẳng vào thực tế: “Sẽ còn những dư chấn từ chính sách thuế của Mỹ, nhất là khi Washington đang nỗ lực đưa sản xuất về nước. Việc này sẽ tiêu tốn rất nhiều nhân lực và nguồn lực”.
“Úc cần nhìn nhận mối quan hệ với Mỹ một cách rõ ràng, hợp lý và thực tế hơn”, ông Trần nói.