Vẫn còn 5 tàu đang hoạt động ở khu vực Vịnh Bắc Bộ
Theo Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đến 11 giờ ngày 6/9, vẫn còn 5 tàu/32 thuyền viên còn hoạt động tại khu vực Vịnh Bắc Bộ, chưa kịp về nơi tránh bão.
Đến 10 giờ sáng 6/9, vị trí tâm siêu bão ở vào khoảng 19,3ºN-112,0ºE cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 130 km về phía Đông Đông Nam, cách Quảng Ninh khoảng 570 km về phía Đông Đông Nam.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16 (184-201km/giờ), giật cấp 17, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 15-20km/h. Dự kiến 24 giờ tới, vị trí tâm bão cách Quảng Ninh khoảng 120 km về phía Đông Đông Nam, gió cấp 12-13, giật cấp 17.
Thực hiện Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 03/9/2024, số 87/CĐ-TTg ngày 5/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ và để chủ động ứng phó với Bão số 3, Bộ Tổng Tham mưu có Công điện: Số 3786/CĐ-TM ngày 3/9/2024, số 3822/CĐ-TM ngày 5/9/2024 yêu cầu các đơn vị quân đội duy trì nghiêm chế độ trực cứu hộ, cứu nạn; nắm chắc tình hình diễn biến và hướng di chuyển của bão số 3; rà soát, bổ sung kế hoạch, phương án; sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó kịp thời, hiệu quả các tình huống sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, bảo đảm an toàn cơ quan, đơn vị và lực lượng làm nhiệm vụ.
Cử cán bộ tham gia hai Đoàn công tác của Chính phủ và một Đoàn công tác của Bộ Tổng tham mưu (Đoàn 1 do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng đoàn, Đoàn 2 do Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Trưởng đoàn, Đoàn 3 do đồng chí Phó Tổng Tham mưu trưởng làm trưởng Đoàn) kiểm tra công tác phòng, chống bão tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định.
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị từ Quảng Ninh đến Phú Yên tích cực, chủ động triển khai công tác ứng phó bão số 3.
Tổ chức bắn pháo hiệu tại 22 điểm theo quy định của Chính phủ; phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 51.319 phương tiện/219.913 người biết diễn biến, hướng đi của bão số 3 để chủ động di chuyển vòng tránh, thoát khỏi khu vực nguy hiểm.
Cụ thể đến 11 giờ ngày 6/9, còn 5 tàu/32 người còn hoạt động tại khu vực Vịnh Bắc Bộ (so với 458 tàu/2.341 người lúc 6 giờ ngày 6/9/2024); hoạt động khu vực khác: 2.995 tàu/20.162 người; neo đậu tại các bến: 48.319 tàu/199.719 người (đều đã nhận được cảnh báo, hướng dẫn, đang di chuyển vòng tránh).
Phối hợp với lực lượng chức năng hướng dẫn, hỗ trợ khách du lịch trên các đảo vào đất liền trước 12 giờ ngày 6/9; kiên quyết kêu gọi ngư dân, người trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản lên bờ trước 18 giờ ngày 6/9.
Về lực lượng phương tiện sẵn sàng ứng phó bão số 3, tính đến 11 giờ ngày 6/9, tổng số 457.469 người (trong đó: Bộ đội 99.156 người, dân quân tự vệ 318.943 người, dự bị động viên 39.370 người); 10.124 phương tiện (trong đó: Xe đặc chủng 403, ô-tô 4.773, tàu thuyền 4.942, máy bay 6).
Để ứng phó với bão số 3, Cục Cứu hộ-Cứu nạn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tiếp tục chỉ đạo Quân khu 1, 2, 3, 4 và các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Bắc miền Trung phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các lực lượng khác tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 86, số 87 của Thủ tướng Chính phủ, số 3786 và số 3822 của BTTM về chủ động ứng phó Bão số 3 và mưa lũ do ảnh hưởng của bão.
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tiếp tục chỉ đạo quyết liệt Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Phú Yên thông báo, hướng dẫn cho các phương tiện đang hoạt động trên biển biết hướng đi của bão số 3 khẩn trương, nhanh chóng di chuyển, vòng tránh thoát khỏi khu vực nguy hiểm, giúp nhân nhân chằng, chống nhà cửa, sơ tán nhân dân trên tàu, thuyền khu vực nuôi trồng thủy hải sản, khu vực ven biển, đảo gần bờ đến nơi an toàn; triển khai thực hiện các kết luận của đoàn kiểm tra.
Theo báo cáo của Văn phòng thường trực của Ủy ban Quốc gia về phòng, chống thiên tai, dự báo đến 4 giờ ngày 7/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,6 độ Vĩ Bắc, 108,7 độ Kinh Đông; trên vùng biển phía Đông Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách Quảng Ninh khoảng 160km về phía Đông Đông Nam; di chuyển hướng Tây Tây Bắc, khoảng 15-20km/giờ, sức gió cấp 13-14, giật trên cấp 17. Vùng nguy hiểm phía Bắc vĩ tuyến 16,0; kinh tuyến 106,0-116,0; RRTT cấp 4: phía Tây Bắc của khu vực Bắc Biển Đông và phía Đông của khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ, RRTT cấp 3: phía Tây của khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ và Nam vịnh Bắc Bộ.
Từ khoảng trưa ngày 6/9, vùng biển phía Đông của vịnh Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 6-7; từ đêm 6/9 và gần sáng ngày 7/9, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14.
Khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa từ đêm 6/9 đến sáng 9/9 có khả năng xuất hiện một đợt mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-350mm, có nơi trên 500mm. Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Từ ngày 7-10/9, trên các sông Bắc Bộ và Thanh Hóa có khả năng xuất hiện một đợt lũ, với biên độ lũ lên trên các sông từ 2-6m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông nhỏ tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt tại các tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn và Hòa Bình có khả năng lên mức báo động 2-3; đỉnh lũ trên sông Thao, thượng lưu sông Lô, sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Hoàng Long lên mức báo động 1-2; sông Bưởi, thượng nguồn sông Mã (Thanh Hóa) lên trên mức báo động 1; mực nước hạ lưu sông Hồng-Thái Bình ở dưới mức báo động 1.