Nhận diện rào cản của doanh nghiệp ĐBSCL

Tháo gỡ các điểm nghẽn kinh doanh, tạo không gian và nguồn lực cho doanh nghiệp phát triển là những giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng của khu vực ĐBSCL.

Mảng sáng và điểm nghẽn

Trên bản đồ Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) các năm qua, ĐBSCL luôn nổi lên nhiều mảng sáng. Thế mạnh của vùng nằm ở các chỉ số gia nhập thị trường tốt, chi phí thời gian, chi phí không chính thức thấp, tính năng động của chính quyền, thiết kế pháp lý và an ninh trật tự tốt.

Môi trường kinh doanh của ĐBSCL tiếp tục được ghi nhận chuyển biến tích cực với chỉ số PCI trung bình đạt 66,7 điểm, mức cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, vùng đang dần mất lợi thế khi bị các khu vực khác bắt kịp, khoảng cách với trung bình cả nước thu hẹp đáng kể, trong khi đó các chỉ số đào tạo lao động minh bạch và cạnh tranh bình đẳng vẫn là điểm yếu cố hữu, đặc biệt là đào tạo lao động.

Các chỉ số về đào tạo lao động, minh bạch thông tin và cạnh tranh bình đẳng tiếp tục là điểm nghẽn, với nhiều địa phương có điểm số dưới trung bình.

Xuất nhập khẩu là một động lực tăng trưởng quan trọng của ĐBSCL. Kim ngạch xuất khẩu vùng tăng từ 12 tỷ USD năm 2015 lên 28,2 tỷ USD năm 2024, đạt mức tăng trưởng trung bình 9,4%/năm. Nhập khẩu cùng kỳ tăng từ 6,1 tỷ USD lên 13,8 tỷ USD (9,5%/năm), tạo nên thặng dư thương mại ấn tượng 14,4 tỷ USD, chiếm 58% tổng thặng dư thương mại cả nước.

Long An và Tiền Giang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu (lần lượt 28% và 23%) nhờ lợi thế công nghiệp chế tạo. Trong khi đó, các tỉnh Đồng Tháp, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bến Tre, An Giang có thế mạnh về thủy sản và nông sản. ĐBSCL đóng vai trò chủ đạo trong xuất khẩu nông sản cả nước như gạo (95%), trái cây (70%), thủy sản (65%), rau quả (49%).

Lần đầu tiên sau một thập niên, tốc độ tăng trưởng DN tại ĐBSCL vươn lên dẫn đầu cả nước, với hơn 71.000 DN đang hoạt động. Tuy nhiên, vùng này đang đối diện với các thách thức từ xu hướng bảo hộ thương mại, yêu cầu tiêu chuẩn xanh và hàng rào kỹ thuật.

Tăng trưởng DN kỷ lục nhưng sức bền vẫn là dấu hỏi lớn. Năm 2024, số DN thành lập mới của vùng này tăng 12%, cao nhất nước, nhưng số DN rút khỏi thị trường cũng rất cao, với tỷ lệ DN rút/gia nhập đạt 88% trong khi cả nước là 73%. Điều này cho thấy DN ĐBSCL có tỷ lệ sinh tồn thấp ảnh hưởng đến tính bền vững của hệ sinh thái DN.

Theo Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL 2024, các rào cản lớn đối với sự phát triển DN trong vùng bao gồm tình trạng thiếu vốn và khó tiếp cận tín dụng; hạ tầng giao thông và logistics còn yếu kém; thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, kém hiệu quả; bất ổn địa chính trị và các rào cản kỹ thuật gia tăng; thiếu hụt lao động có tay nghề, đặc biệt là kỹ sư và đội ngũ quản trị tầm trung.

Các rào cản này không chỉ cản trở quá trình hình thành và phát triển DN, mà còn làm suy giảm niềm tin đầu tư, kìm hãm sức bật kinh tế vùng. Giải cơn khát vốn, cải thiện hạ tầng, nâng chất nguồn nhân lực và liên kết vùng hiệu quả. Đó là những “nút thắt” nếu được khai thông sẽ mở ra con đường mới cho DN vùng châu thổ.

Giải cơn khát vốn, chăm lo sức khỏe DN

DN vùng đang chịu nhiều sức ép từ biến động giá đầu vào, chi phí vận tải cao, gánh nặng lãi suất và rào cản tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Đầu tư công cần dẫn dắt, kích hoạt và tạo niềm tin cho khu vực tư nhân tham gia vào các lĩnh vực then chốt như hạ tầng giao thông, chuyển đổi số, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu...

Việc ưu tiên đầu tư cho các dự án liên kết vùng, có tác động lan tỏa sẽ tạo nên lực đẩy chiến lược cho phát triển DN. Xuất khẩu là mảng sáng của kinh tế vùng ĐBSCL, với thặng dư thương mại lớn, nhưng đang đứng trước nhiều thách thức, đặc biệt là các mặt hàng thủy sản chủ lực như tôm, cá tra trước hàng rào thuế quan mới ở mức rất cao là 46%.

DN cần sự hỗ trợ của Chính phủ bằng các biện pháp ngoại giao, cơ chế đàm phán, thương thuyết, tìm kiếm giải pháp cân bằng cán cân thương mại.

Những phản ứng nhanh từ cấp cao của Việt Nam, như việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính triệu tập họp Thường trực Chính phủ, thành lập Tổ phản ứng nhanh do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đứng đầu, hay cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump đã cho thấy quyết tâm giữ ổn định môi trường đầu tư và hỗ trợ DN vượt khó.

Tuy nhiên, quan trọng là các DN phải chủ động thích ứng trước các rào cản kỹ thuật và thuế quan. Đồng thời tranh thủ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) để mở rộng thị trường ngoài Mỹ, đặc biệt là châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Đông.

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chế biến sâu, giảm giá thành, xây dựng thương hiệu mạnh, đảm bảo tiêu chuẩn và minh bạch hóa truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa sẽ giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh và đứng vững trước các cú sốc từ bên ngoài.

Khơi thông nguồn lực, phát huy nội lực

Tuy nhiên, phát triển DN vùng không thể chỉ trông chờ vào các chính sách ưu đãi hay nguồn lực bên ngoài. Cốt lõi là phải khơi thông những nguồn lực sẵn có trong nội tại, từ đất đai, con người, tri thức bản địa đến tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Trước hết, cần cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, chuyển đổi số công vụ và xây dựng một nền quản trị hiệu quả, thân thiện với DN. Chính quyền địa phương cần thực sự đồng hành cùng DN, lắng nghe, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn kịp thời.

Thứ nhất, cần đẩy mạnh việc thành lập các “vườn ươm” DN, phát triển các quỹ đầu tư mạo hiểm, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho DN.

Thứ hai, cần tổ chức lại sản xuất theo hướng xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn, liên kết với DN chế biến và tiêu thụ theo mô hình chuỗi giá trị. Thiết lập các trung tâm nghiên cứu giống hiệu quả, áp dụng khoa học công nghệ.

Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, cân đối nguồn lực để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, đặc biệt là đối với các ngành đang chịu tác động tiêu cực như lương thực, bất động sản, bán lẻ.

Thứ tư, đẩy mạnh đào tạo nhân lực, nhất là kỹ năng nghề và năng lực quản trị, là điều kiện tiên quyết để phát triển DN bền vững. Các trường đại học, cao đẳng nghề trong vùng cần được kết nối tốt hơn với DN để đào tạo theo nhu cầu thực tế.

ĐBSCL đang đứng trước những thách thức lớn, nhưng vẫn có nhiều cơ hội. Việc nhận diện rõ rào cản và tháo gỡ bằng những biện pháp trước mắt và giải pháp căn cơ, đồng bộ, thực chất sẽ là chìa khóa để doanh nghiệp ĐBSCL không chỉ vượt khó mà còn vươn lên mạnh mẽ, đóng góp ngày càng lớn hơn vào tăng trưởng kinh tế quốc gia.

TS. Trần Hữu Hiệp

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/nhan-dien-rao-can-cua-doanh-nghiep-dbscl-post121796.html
Zalo