Vẫn chưa trục vớt tàu kéo vụ chìm sà lan làm 9 người chết và mất tích ở Lý Sơn hồi tháng 4-2024
Dù vụ sà lan chìm ở Lý Sơn đã khởi tố vụ án, song hơn một năm qua, chiếc tàu kéo sà lan vẫn chưa được trục vớt để phục vụ quá trình điều tra.
Ngày 18-5, ông Lê Văn Lương, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi, cho biết, cơ quan này vừa tiếp tục có văn bản đôn đốc các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai phương án trục vớt tàu kéo trong vụ chìm sà lan khiến 9 người chết và mất tích ở vùng biển Lý Sơn hồi tháng 4-2024, để phục vụ điều tra vụ án hình sự.

Lực lượng chức năng tổ chức cứu hộ, tìm được 4 thi thể nhưng không có trong danh sách khai báo khi rời cảng.
Văn bản mới nhất được Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi gửi đến Công ty TNHH MTV Minh Linh (chủ tàu) và Công ty TNHH Lý Tuấn (đơn vị thuê tàu) yêu cầu triển khai phương án trục vớt tàu kéo LA-06695 và máy đào bánh xích bị chìm ở vùng biển Lý Sơn từ tháng 4-2024.
Cảng vụ nêu rõ, phương án trục vớt các phương tiện bị chìm đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi chấp thuận vào ngày 31-7-2024. Đến ngày 4-4-2025, cảng vụ có văn bản chấp thuận cho đơn vị trục vớt triển khai trục vớt.

Tàu kéo và sà lan chìm khi cách đảo Lý Sơn khoảng 3 hải lý.
Để phục vụ điều tra vụ án hình sự, tổ chức khám nghiệm hiện trường, đánh giá dấu vết va chạm trên các phương tiện và thực hiện trách nhiệm trục vớt tài sản của chủ sở hữu theo quy định pháp luật, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi yêu cầu Công ty TNHH MTV Minh Linh (chủ tàu) và Công ty TNHH Lý Tuấn (đơn vị thuê) khẩn trương đẩy nhanh tiến độ trục vớt. Đồng thời, có văn bản báo cáo cơ quan chức năng về những vướng mắc trong việc chậm trễ và kế hoạch trục vớt trong thời gian tới.
Thế nhưng, dù thời tiết đang thuận lợi, công tác trục vớt vẫn chưa được tiến hành.
“Chúng tôi đã ra văn bản đôn đốc không biết bao nhiêu lần. Tàu kéo vẫn nằm dưới đáy biển. Dù đã rà soát chế tài xử lý việc chậm trễ, nhưng theo quy định pháp luật, khi vụ án đã được khởi tố thì không thể xử phạt hành chính. Hiện chúng tôi tiếp tục đôn đốc và yêu cầu báo cáo rõ các vướng mắc trong quá trình chuẩn bị trục vớt”, ông Lương nói.
Trước đó, để thi công đê chắn sóng cảng Bến Đình (huyện Lý Sơn), nhà thầu chính là Công ty Chi nhánh Đầu tư và Xây dựng miền Nam (Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô) ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Lý Tuấn (huyện Bình Sơn) cung cấp đá.
Sau đó, Công ty Lý Tuấn hợp đồng thuê của Công ty TNHH MTV Minh Linh (tỉnh Long An) tàu kéo LA-06695 và sà lan LA-06883 để chở đá từ cảng Kỳ Hà (tỉnh Quảng Nam) ra Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), thi công các công trình kè chắn sóng ở cảng Bến Đình.
Khoảng 11 giờ 30 trưa 23-4-2024, tàu kéo kéo theo sà lan chở hơn 1.200 đá hộc từ cảng Kỳ Hà đi Lý Sơn, trên tàu có 5 thuyền viên. Đến khoảng 4 giờ sáng 24-4-2024, tàu kéo sà lan di chuyển đến khu vực biển cách đảo Lý Sơn khoảng 3 hải lý thì xảy ra sự cố cả hai đều chìm.
Công tác cứu hộ và tìm kiếm được triển khai, 4 thi thể gần vị trí xảy ra tai nạn được tìm thấy. Tuy nhiên, cả 4 người này lại không có tên trong danh sách khai báo khi rời cảng Kỳ Hà.
Trong khi đó, danh sách đăng ký với cơ quan chức năng trước khi tàu kéo sà lan xuất bến rời cảng Kỳ Hà có 5 thuyền viên làm việc trên tàu kéo và sà lan gồm ông Phạm Văn Hiệp (51 tuổi, trú Long An), thuyền trưởng; ông Võ Tấn Khương, máy trưởng; Võ Văn Nhiều, thợ máy; Bùi Minh Trí, thủy thủ (cả 3 cùng trú huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) và thủy thủ Đặng Minh Phương (trú Long An). Cả 5 người này đến nay vẫn đang mất tích.
Sà lan LA-06883 lật úp sau đó được đưa về đảo Lý Sơn, còn tàu kéo LA-06695 hiện vẫn còn nằm dưới đáy biển.
Đến ngày 17-5-2024, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố vụ án tai nạn đường thủy theo Điều 272 Bộ luật Hình sự.
Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Ngãi cũng đã chủ trì, phối hợp các đơn vị khám nghiệm hiện trường. Kết quả khám nghiệm tử thi xác định 4 nạn nhân tử vong do ngạt nước.