Đẩy mạnh quảng bá thương hiệu của y học cổ truyền Việt Nam ra quốc tế

Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay y học cổ truyền Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và cũng không ít thách thức trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và đổi mới toàn diện hệ thống y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hội thảo khoa học “Học viện Y- dược học cổ truyền Việt Nam: Thừa kế, sáng tạo và hội nhập” là một diễn đàn quan trọng, không chỉ giúp đánh giá kết quả đã đạt được, mà còn mở ra những định hướng mới cho tương lai phát triển của ngành y học cổ truyền Việt Nam và của Học viện Y học cổ truyền trong thời đại mới.

13 đoàn đại biểu quốc tế đến từ các quốc gia có nền y học cổ truyền phát triển và có mối quan hệ hợp tác lâu dài với Việt Nam tham dự hội thảo thể hiện tinh thần hợp tác, gắn bó quốc tế trong lĩnh vực y học cổ truyền, làm sâu sắc thêm vị thế của Học viện trên trường quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo khoa học Học viện Y- dược học cổ truyền Việt Nam: Thừa kế, sáng tạo và hội nhập diễn ra ngày 18/5 tại Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Học viện Y-Dược học cổ truyền Việt Nam (2005-2025) và 55 năm ngày truyền thống (1970-2025).

Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay ngành y học cổ truyền Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và cũng không ít thách thức trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và đổi mới toàn diện hệ thống y tế. Trong thời gian qua Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế đã quan tâm, ban hành các văn bản chỉ đạo đẩy mạnh, phát triển ngành y học cổ truyền Việt Nam như Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25/10/2017, Chỉ thị 24-CT/TW ngày 04/7/2008, Kết luận số 86-KL/TW ngày 10/7/2024 của Ban chấp hành Trung ương, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược năm 2024 và các Nghị định, thông tư hướng dẫn.

 Các đại biểu tham dự hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các đại biểu tham dự hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trước bối cảnh mới, ngành y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chủ trương của đảng, quy định pháp luật liên quan đến đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng điều trị y dược học cổ truyền để phát triển nền y học cổ truyền Việt Nam và từng bước hội nhập với khu vực và quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu tham khảo kinh nghiệm quốc tế qua các báo cáo của các nước có truyền thống về y học cổ truyền tại Hội thảo khoa học để đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo bác sỹ y học cổ truyền Việt Nam, hướng tới kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề cho bác sỹ y học cổ truyền theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành từ năm 2027. Các đơn vị chủ động đề xuất tư vấn cho Bộ Y tế, Hội đồng Y khoa Quốc gia về chuyên môn ở kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề cho bác sỹ y học cổ truyền sắp tới dựa vào thực trạng Việt Nam và kinh nghiệm của các nước đã thực hiện được báo cáo trong hội thảo.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh kế thừa, bảo tồn và phát triển y học cổ truyền, phát triển dược liệu và thuốc cổ truyền; Tăng cường nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, đẩy mạnh việc xây dựng và quảng bá hình ảnh, thương hiệu của y học cổ truyền Việt Nam ra quốc tế.

 Phó giáo sư Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Học viện Y-Dược học cổ truyền Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phó giáo sư Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Học viện Y-Dược học cổ truyền Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phó giáo sư Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Học viện Y-Dược học cổ truyền Việt Nam cho biết, Hội thảo bao gồm 3 phiên làm việc chuyên sâu, với gần 20 báo cáo khoa học chất lượng cao, phản ánh xu thế phát triển, hội nhập và ứng dụng liên ngành của y học cổ truyền của Việt Nam và trên thế giới.

Hội thảo với 03 phiên chuyên đề: Phiên thứ nhất về đào tạo và lượng giá theo năng lực bác sỹ y học cổ truyền; Phiên thứ 2 về cập nhật các tiến bộ trong sàng lọc, chẩn đoán và điều trị ung thư bằng y học hiện đại, y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại và những báo cáo trong nước và quốc tế ở phiên thứ 3.

Các phiên hội thảo với sự tham gia báo cáo của chuyên gia hàng đầu quốc tế đến từ các quốc gia có nền y học cổ truyền phát triển như Hàn Quốc, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Malaysia, Australia… Chia sẻ từ các chuyên gia quốc tế giúp Việt Nam tham khảo kinh nghiệm đào tạo, lượng giá của các cơ sở đào tạo quốc tế để đổi mới chương trình, nâng cao chất lượng đào tạo và giúp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phát triển nghiên cứu, ứng dụng y học cổ truyền trong điều trị, trong đó có điều trị ung thư…

Một số báo cáo nổi bật của các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế như: Báo cáo về định hướng nghiên cứu khoa học về châm cứu trong thế kỷ 21; Thực trạng châm cứu và cứu ngải tại Nhật Bản; Ứng dụng châm cứu Choang Y trong điều trị đau nửa đầu; Hiệu quả hỗ trợ điều trị của điện châm trong các rối loạn lo âu và trầm cảm tại Hà Nội; Hành trình phục hồi nhờ sức mạnh chữa lành của y học cổ truyền; Đầu châm trong điều trị migraine-kết quả nghiên cứu chuyên sâu… Các báo cáo mang đến góc nhìn lâm sàng và ứng dụng thực tiễn về phối hợp điều trị hiệu quả, an toàn, cá thể hóa cho bệnh nhân…/.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/day-manh-quang-ba-thuong-hieu-cua-y-hoc-co-truyen-viet-nam-ra-quoc-te-post1039217.vnp
Zalo