Văn Cao - Nghệ sĩ đa tài, cây đại thụ của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam
Sáng 8/11, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp vơi Báo Nhân Dân và Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề 'Thế giới nhạc, họa, thơ của Văn Cao' nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của ông (15/11/1923-15/11/2023).
Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương Nguyễn Thế Kỷ phát biểu tại hội thảo khẳng định: “Nhiều nhà văn hóa lớn, các nhà lý luận, phê bình văn hóa, văn nghệ, các văn nghệ sĩ có tên tuổi đã từng được hỏi hoặc nếu được hỏi: Ở Việt Nam, thế kỷ XX, ai là nghệ sĩ lớn nhất, có nhiều sáng tạo mang tính đột phá, để lại dấu ấn đa dạng và sâu đậm nhất, có đóng góp rất quan trọng trên nhiều mặt cho nền văn hóa, văn nghệ nước nhà, thì chắc chắn phần đông trong số họ đều đồng thanh, đồng tâm nói rằng: Nghệ sĩ đó là Văn Cao!
Với tài năng đa dạng, độc đáo, nhiều chiều kích, tích hợp nhuần nhuyễn giữa tư duy, thẩm mỹ, bút pháp; giữa hiện thực đời sống, sự cảm nhận, tri nhận và nghệ thuật biểu đạt; giữa âm nhạc - hội họa - thơ văn, Văn Cao được nhiều người khẳng định là một hiện tượng hết sức đặc biệt và hiếm có trong lịch sử văn nghệ Việt Nam hiện đại. Gọi ông là nghệ sĩ thiên tài cũng không có gì là ngoa ngôn, quá lời”.
Năm 1944, Văn Cao tham gia Việt Minh. Với ca khúc "Tiến quân ca" ra đời cuối năm đó, ông đã có bước chuyển lớn lao từ phong cách lãng mạn, trữ tình và cả hiện thực phê phán sang phong cách cách mạng - kháng chiến cả trong nhạc, họa và thơ.
Từ năm 1945 trở đi, ông viết "Bắc Sơn", rồi các ca khúc, hành khúc như là sự tiên tri kỳ lạ: "Hải quân Việt Nam", 'Không quân Việt Nam", "Công nhân Việt Nam", "Chiến sĩ Việt Nam", tiếp đó là "Làng tôi", "Ngày mùa", "Tiến về Hà Nội", đặc biệt là ca khúc "Ca ngợi Hồ Chủ tịch" và "Trường ca Sông Lô"…
Giai đoạn tiếp theo của Văn Cao, trong âm nhạc là tác phẩm nổi tiếng "Mùa xuân đầu tiên"…; trong hội họa là "Chân dung bà Băng", "Cổng làng", "Phố Nguyễn Du", "Cây đàn đỏ", "Cô gái và đàn dương cầm"… Ông vẽ hàng trăm bìa sách, bức minh họa, đồ họa cho Báo Văn nghệ; với thơ là "Ba biến khúc tuổi 65", "Thời gian", "Phố Phái", "Những bó hoa"… Các bài thơ được tập hợp trong tập "Lá", "Tuyển tập thơ Văn Cao"...
Cuộc đời 72 năm của Văn Cao gắn bó trọn vẹn với thế kỷ XX nhiều biến động. Trên hành trình cuộc đời ấy, dẫu không ít chông gai, sóng gió, nhọc nhằn nhưng vượt lên tất cả, lối sống khiêm nhường, bình dị, nhẫn nhịn, tình yêu thương, trân trọng con người, cỏ cây, phố xá, làng quê, đất nước đã giúp ông vượt lên nỗi đau, luôn đồng hành cùng dân tộc, nhân dân, sáng tạo nên những tác phẩm bất hủ.
20 tham luận và các ý kiến tại hội thảo khắc họa sâu sắc những phẩm chất, tài năng xuất chúng của Văn Cao; lý giải mạch nguồn làm nên phẩm chất, tài năng ấy,
Các ý kiến cũng phân tích, đánh giá những đặc điểm và giá trị nội dung, tư tưởng, nghệ thuật, phong cách trong các sáng tác của Văn Cao qua các giai đoạn sáng tạo nghệ thuật của ông về âm nhạc, hội họa, thơ ca; để thấy rõ hơn đâu là tài năng thiên bẩm, đâu là kết tinh của nỗ lực miệt mài học hỏi, sáng tạo, đổi mới, dấn thân của Văn Cao cho nghệ thuật, cho văn hóa, văn nghệ nước nhà.
Theo GS. Phong Lê, Văn Cao là một chân dung lớn. Nói Văn Cao, không chỉ thời điểm hôm nay, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông mà ngay từ năm 1945, đã là một tên tuổi nghệ sĩ lớn của cả dân tộc Việt Nam. Bởi ông là tác giả của Tiến quân ca, bài hát được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn là Quốc ca.
Theo di nguyện của Văn Cao, gia đình nhạc sĩ đã hiến tặng bản quyền Tiến quân ca cho Tổ quốc, một nghĩa cử vĩ đại mà nếu thực hiện chế độ bản quyền riêng thì chỉ riêng nhuận bút của bài hát này cũng đưa Văn Cao lên hàng tỷ phú trong khi đời sống của ông cho đến khi qua đời vẫn trong cảnh thanh bạch khó khăn.
"Sau nhạc, Văn Cao còn có sự nghiệp đáng ghi nhận về thơ, họa, văn xuôi. Tôi - một công dân bình thường, chỉ có thể nói được đôi điều, với sự ngưỡng mộ và tấm lòng biết ơn đối với Văn Cao”, GS. Phong Lê nhấn mạnh.