'Sờ, nặn, bóp' - cầu nối nghệ thuật dành cho người khiếm thị
Dự án 'Sờ, nặn, bóp – Nhìn bằng tay, liên tưởng trong bóng tối' hé mở những góc nhìn thú vị trong quá trình thực hành nghệ thuật của người sáng và người mù, tạo nên sự gắn kết cộng đồng thông qua nghệ thuật phát triển xã hội.
Dự án “Sờ, nặn, bóp – Nhìn bằng tay, liên tưởng trong bóng tối” được tổ chức bởi Trung tâm Bảo trợ và Phát triển nghệ thuật APD, trong đó có sự đồng hành của tổ chức phi chính phủ Vietnam and Friends và sự hỗ trợ của Viện Goethe Hà Nội. Dự án gồm ba chương trình hoạt động, bắt đầu từ cuối tháng 10: Workshop nặn đất trong bóng tối; Trưng bày tương tác – Nhìn bằng tay; Tiết lộ thông tin tác phẩm và tổng kết dự án.
Các tác giả nặn đất sét trong một chiếc hộp hình vuông kín được dựng bằng tre, đất và cỏ. Sau buổi workshop, các tác phẩm được trưng bày bên trong hộp, người tham dự sờ, chạm vào các tác phẩm giấu tên rồi dự đoán về hình thù của chúng cũng như thông tin về tác giả. Tất cả chỉ được hé lộ trong ngày tổng kết diễn ra vào chiều ngày 2.11 vừa qua.
Nghệ thuật là cầu nối
Nghệ sĩ thị giác, giám tuyển Trần Lương – người khởi xướng dự án chia sẻ: “Đôi mắt là vũ khí chủ lực được sử dụng khi làm nghề. Tuy nhiên, những lúc trầm tư mặc tưởng nhất thì tôi lại nhắm mắt. Nhìn thấy mọi thứ sẽ gây nhiễu chiều sâu tư tưởng. Qua nhiều lần thực hành nghệ thuật, tôi nhận thấy nếu triệt tiêu sự nhìn, phần tưởng tượng trong mình lớn hơn rất nhiều. Cách đây 20 năm trước, tôi đã ấp ủ ý tưởng dự án ‘Sờ, nặn, bóp – Nhìn bằng tay, liên tưởng trong bóng tối’ nhưng vì nghệ thuật phát triển cộng đồng vào thời điểm đó ở Việt Nam còn sơ khai, chưa có điều kiện, hoàn cảnh thực hiện”.
Giải thích về ý nghĩa của khối hộp hình vuông làm bằng vật liệu thiên nhiên, nghệ sĩ Trần Lương cho biết chúng tượng trưng cho nhà tranh vách đất, thứ được coi là ký ức của đói nghèo nhưng rất xa xỉ với cuộc sống ngày nay. Sự mâu thuẫn ấy chính là vấn đề của xã hội đương đại.
“Trong thời đại hiện nay, con người dường như bỏ quên các giác quan, chỉ tập trung vào nghe – nhìn và phụ thuộc vào công nghệ. Chúng ta dùng nước hoa nhân tạo, đồ ăn nhanh, khiến các sản vật địa phương dần mai một, khoảng cách giữa người với người và người với thiên nhiên ngày càng xa. Nhịp sống nhanh khiến con người trầm cảm, dễ nổi nóng. Tôi hi vọng nghệ thuật đóng vai trò phát triển như cầu nối để con người trở lại giá trị nhân bản”, nghệ sĩ Trần Lương bộc bạch.
Trước khi ý tưởng chú chó được nặn bằng đất sét ra đời, nhà báo khiếm thị Hoàng Văn Lý hồi tưởng ký ức tuổi thơ khi chạm tay vào chiếc hộp vuông. Anh nhận ra sự tương đồng giữa chất liệu ngôi nhà thuở nhỏ và chiếc hộp: “Mặt trước nhà tôi cũng dựng bằng phên tre. Tôi tự hỏi lúc đó có bạn không, chợt nhớ tới chú chó trung thành của gia đình, lúc đó tôi khoảng 3-5 tuổi”.
Nếu trải nghiệm nặn đất như một tấm vé đưa nhà báo Hoàng Văn Lý trở về tuổi thơ thì với nhà nghiên cứu độc lập Bùi Duy Thanh Mai thực hành ấy khơi gợi ước mơ trong chị, đó là niềm ao ước nhìn rõ ngôi sao sáng trong bầu trời đêm. Cách đây 12 năm, sau cuộc phẫu thuật mắt, thị lực của chị suy giảm. Mỗi ngày thức dậy, chị luôn tự hỏi, hôm nay mình nhìn thấy gì và nhìn được trong bao lâu: “Có một thời điểm mắt tôi hồi phục khoảng 80%, nhìn thấy bố mẹ, tôi nhận ra họ đã già hơn rất nhiều”.
Còn anh Lê Quốc Cường, một tác giả khiếm thị, nặn ra một con vật hoàn toàn hư cấu, mà chính anh cũng chẳng thể gọi tên.
Nghệ sĩ Trần Lương hạnh phúc vì điều đó, bởi ông đang tìm kiếm sự cụ thể hóa thế giới tưởng tưởng đầy kỳ bí của người khiếm thị, và giờ chúng đã được hiện thực hóa trong dự án “Sờ, nặn, bóp – Nhìn bằng tay, liên tưởng trong bóng tối”. Giấc mơ của người khiếm thị bẩm sinh, cũng là điều khiến con người luôn tò mò: “Tôi luôn thắc mắc thế giới hình ảnh của người khiếm thị bẩm sinh như thế nào. Nếu công nghệ tiên tiến kết hợp với trí thông minh kiệt xuất, biết đâu chúng ta có thể thưởng thức bộ phim về những gì người khiếm thị ‘thấy’”.
Cơ hội mới cho người yếu thế
Khi được hỏi về việc mở rộng phạm vi đối tượng là trẻ khuyết tật ở Thủ đô, nghệ sĩ Trần Lương cho biết điều này cần sự nỗ lực lớn và chung tay giúp đỡ của cộng đồng.
Ông thẳng thắn chia sẻ: “Chúng ta thiếu hụt sự hỗ trợ từ cộng đồng. Ở các nước dân trí cao, việc quan tâm tới quyền lợi đời sống người khuyết tật cũng chỉ ở đô thị. Trên truyền hình ở Việt Nam, phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu cho người khiếm thính chưa phổ biến rộng rãi. Trên giao thông đường bộ, phần đường dành cho người khiếm thị còn bị chắn bởi cột đèn, cột điện, gây khó khăn trong việc đi lại, cho thấy cơ chế quản lý xã hội còn hạn chế. Vì vậy, trí thức, tổ chức cá nhân cần chủ động, chung tay phát triển xã hội khi hoàn cảnh xã hội chưa đủ điều kiện”.
Tác phẩm Đo thế giới của Vũ Thị Thanh Bình. Nặn đất bên trong chiếc hộp kín, chị mong muốn nắm bắt thế giới bằng việc dùng chiều dài các ngón tay để chia mặt phẳng thành các đơn vị quen thuộc. Ảnh: PV
Nghệ sĩ Trần Lương cho biết thêm, trong tương lai Trung tâm Bảo trợ và Phát triển nghệ thuật APD sẽ mở các khóa chia sẻ kiến thức về vật lý, vật liệu cũng như cách thức thực hành tạo hình bài bản để người khiếm thị có thể dễ dàng khám phá và mô tả thế giới tưởng tượng của mình. Ngoài ra, có thể tổ chức workshop cho các nhà văn trẻ, để từ đó gợi mở những chiêm nghiệm thú vị về thế giới nội tâm của người khiếm thị.
Anh Đinh Công Thịnh, tình nguyện viên của tổ chức phi chính phủ Vietnam and Friends, cũng bày tỏ mong muốn người khiếm thị có thể tạo nên những tác phẩm điêu khắc chuyên nghiệp: “Dự án có thể mời giảng viên, nhà điêu khắc tạo hình tác phẩm trong buổi workshop, cho phép các học viên sờ, chạm vào để cảm nhận rồi thực hành cá nhân.
Bởi trên thực tế, tôi không được tiếp xúc với tác phẩm hoặc có sự cách ly vì sợ làm hỏng, nên chỉ được nghe người khác thuật lại. Ngoài ra, bạn nào khéo tay có thể bán được tác phẩm của mình, từ đó tạo việc làm mới, vì người khiếm thị ngoài nghề tẩm quất, xoa bóp thì cơ hội việc làm còn rất ít ỏi”.
Buổi tổng kết hé lộ thông tin tác giả, tác phẩm của người sáng và người mù. Điều này tạo ra cơ hội giao lưu nghệ thuật giữa những người sáng tạo. Nhà nghiên cứu độc lập Bùi Duy Thanh Mai cho rằng giữa họ có thể diễn ra một cuộc hội thoại, khi hai bên đều kể những câu chuyện của riêng mình và cùng tò mò về thế giới quan của những người thực hành nghệ thuật khác nhau.
Nghệ sĩ Trần Lương đề cao sự tự do biểu đạt, mở rộng biên giới loại hình thông qua việc sử dụng đa dạng phương tiện tiếp cận phần đông công chúng: “Không có ranh giới giữa người sáng và người mù, cũng như không có tiêu chuẩn cho ‘sờ, nặn, bóp’. Trong quá trình dân chủ hóa nghệ thuật, con người dần rời xa quy tắc, thậm chí phá vỡ nó. Không phải ngẫu nhiên, người ta coi nghệ thuật là phòng thí nghiệm phát triển xã hội”.
Qua buổi tổng kết dự án “Sờ, nặn, bóp – Nhìn bằng tay, liên tưởng trong bóng tối”, nghệ thuật không chỉ là cầu nối đưa con người trở về giá trị nguyên sơ mà còn giúp khai phá chiều sâu tư tưởng, thế giới hình ảnh đầy độc đáo của người khiếm thị. Đồng thời, buổi tổng kết dự án cũng gợi mở vấn đề về cơ hội việc làm dành cho người yếu thế, vai trò của nghệ thuật phát triển xã hội trong đời sống đương đại.
Nghệ sĩ thực hành phát triển xã hội (Activist artist - có cơ sở từ nghệ thuật hoạt động/activist art là thuật ngữ dùng để mô tả nghệ thuật dựa trên hành động và đề cập đến các vấn đề chính trị hoặc xã hội) hướng tới việc đưa nghệ thuật ứng dụng trong đời sống con người, giải quyết các vấn đề xã hội, tập trung vào nhóm người yếu thế và thiểu số, trong đó có nhóm người khiếm thị.
Việc sử dụng chữ nổi Braille trong không gian sinh hoạt cộng đồng gây khó khăn cho người tiếp cận, cần ngôn ngữ mang tính phổ quát hơn. Đó là nghệ thuật mang tính tương tác đa chiều, cho phép con người huy động nhiều giác quan.