Khởi sắc từ phong trào xây dựng nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở Long An sẽ không có điểm dừng. Nhiều năm qua, sau khi hoàn thành XDNTM, các địa phương trong tỉnh tiếp tục tập trung nguồn lực XDNTM nâng cao, NTM kiểu mẫu một cách đồng bộ, toàn diện và quyết tâm duy trì hiệu quả bền vững.

Về vùng nông thôn, hình ảnh dễ nhận thấy là đường sá đi lại thuận tiện; các công trình công cộng như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, trụ sở làm việc của chính quyền địa phương, hệ thống đèn đường,... được đầu tư.

Những trung tâm sinh hoạt văn hóa, thể dục, thể thao hình thành đạt quy chuẩn, mang đến luồng sinh khí mới cho đời sống tinh thần người dân khu vực nông thôn.

Trong sản xuất, nhiều nơi nông dân ứng dụng công nghệ tưới tiêu thông minh; công nghệ tự động hóa để phân tích, theo dõi, giám sát, truy xuất, xử lý dữ liệu,... giúp giảm chi phí, bảo đảm chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh giao thương hàng hóa trên môi trường thương mại điện tử,...

Trong cuộc sống hàng ngày, nhiều ấp, xóm lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh, trật tự; ứng dụng mạng xã hội trong quản lý, điều hành;...

Trong XDNTM, tiêu chí nghèo đa chiều và thu nhập đang được các cấp, các ngành tập trung thực hiện. Chung tay cùng chính quyền địa phương, năm 2019, Hội Cựu chiến binh xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng, thành lập mô hình Quỹ góp vốn xoay vòng tại ấp Kinh Mới.

Bước đầu, mô hình có 12 hội viên thành lập quỹ góp vốn xoay vòng với tổng số tiền 20 triệu đồng. Hội xét gia đình bà Lương Thị Mơ, ấp Kinh Mới vay 18 triệu đồng, lãi suất 0,3%/tháng phát triển kinh tế nông hộ.

Nhờ có nguồn vốn từ Quỹ góp vốn xoay vòng, vợ chồng bà Lương Thị Mơ (ấp Kinh Mới, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng) có thu nhập từ trồng rau

Nhờ có nguồn vốn từ Quỹ góp vốn xoay vòng, vợ chồng bà Lương Thị Mơ (ấp Kinh Mới, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng) có thu nhập từ trồng rau

Bà Mơ chia sẻ, cách đây gần 30 năm, gia đình bà từ miền Bắc vào miền Nam với hai bàn tay trắng. Nhiều năm qua, vợ chồng bà vẫn không thoát cảnh nghèo. Có được số tiền, vợ chồng bà dành 5 triệu đồng mua máy xới đất để trồng 300m2 rau các loại, phần còn lại trả tiền thuê ruộng trồng lúa.

Từ số tiền của Quỹ góp vốn xoay vòng, gia đình có thu nhập ổn định khoảng 300.000 đồng/ngày từ việc trồng rau, cộng với lợi nhuận từ trồng lúa đã nuôi được 2 người con học đại học ra trường có việc làm ổn định. Nhờ nguồn vốn giúp gia đình bà thoát nghèo bền vững.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm qua, các cấp, các ngành chủ động, lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn để thực hiện XDNTM, nhất là nguồn vốn tín dụng, vốn sự nghiệp.

Việc huy động người dân đóng góp XDNTM được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch và không có tình trạng huy động quá sức dân nên được người dân đồng tình hưởng ứng.

Việc phân bổ vốn thực hiện chương trình được thực hiện bảo đảm nguyên tắc, quy định; việc giải ngân vốn thực hiện chương trình đạt tỷ lệ khá cao. Giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh huy động hơn 100.744 tỉ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM.

Trong đó, tỉnh chủ động lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án khác với XDNTM (gồm ngân sách Trung ương 566,3 tỉ đồng; ngân sách tỉnh 461 tỉ đồng; vốn lồng ghép khoảng 3.440 tỉ đồng; vốn tín dụng 95.500 tỉ đồng; vốn doanh nghiệp 55,5 tỉ đồng; vốn huy động từ người dân và cộng đồng 722 tỉ đồng). Năm 2024, tổng kinh phí trực tiếp thực hiện chương trình này hơn 461 tỉ đồng.

Cảnh quan môi trường được đầu tư

Cảnh quan môi trường được đầu tư

Giai đoạn 2022-2024, Hội Nông dân TP.Tân An tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân đóng góp hơn 9,2 tỉ đồng, 406 ngày công, hiến hơn 12.400m2 đất để làm mới và sửa chữa 1.357km đường giao thông nông thôn, xây dựng kênh, mương thủy lợi, nạo vét kênh, mương nội đồng,... góp phần quan trọng XDNTM, NTM nâng cao cũng như công cuộc giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân trên địa bàn thành phố.

Đến cuối năm 2023, trên địa bàn thành phố không còn hộ hội viên, nông dân nghèo.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Thanh Đông cho biết, đến nay, toàn tỉnh có 134/161 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 83,23%; 41 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, chiếm 30,6% tổng số xã đạt chuẩn NTM; 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ XDNTM.

Theo kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM năm 2024, tỉnh phấn đấu có thêm 3 huyện đạt chuẩn NTM: Tân Thạnh, Cần Giuộc và Vĩnh Hưng; 1 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao (huyện Tân Trụ) năm 2024 và 1 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023 (huyện Châu Thành); 9 xã đạt chuẩn NTM; 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

“Từ nay đến cuối năm 2024, chúng ta chỉ còn thời gian rất ngắn, vì vậy, mọi công việc bây giờ hết sức quan trọng, khẩn trương. Tuy chúng ta phải chạy thời gian hoàn thiện hồ sơ, thẩm định, quyết định công nhận nhưng khẳng định XDNTM tại tỉnh phải thực chất, không chạy theo thành tích” - ông Lê Thanh Đông khẳng định.

Trong quá trình XDNTM, kinh nghiệm từ thực tế cho thấy, các cấp chính quyền địa phương cần tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của người dân bằng phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Khi được thụ hưởng những lợi ích chính đáng, thiết thực, người dân sẽ càng có động lực cống hiến, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của mỗi miền quê./.

Bình Trinh Đông - Nhiều cách làm hay, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới nâng cao

Trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã Bình Trinh Đông, huyện Tân Trụ chú trọng thực hiện tiêu chí giao thông và môi trường.

Thanh Nga

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/khoi-sac-tu-phong-trao-xay-dung-nong-thon-moi-a185805.html
Zalo