Vai trò quản lý nhà nước trong ngành dầu khí Malaysia và bài học cho Việt Nam

Các cơ chế, chính sách đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và nước chủ nhà trong các điều kiện mới cần được xem xét, nghiên cứu áp dụng.

Sự thành công của ngành dầu khí Malaysia và bài học cho Việt Nam

Sự thành công của ngành dầu khí Malaysia và bài học cho Việt Nam

Việc quản lý nhà nước về dầu khí tại Malaysia được áp dụng theo mô hình chính phủ thực hiện chức năng hoạch định và ban hành các chính sách.

Thủ tướng Chính phủ Malaysia là cấp quản lý cao nhất quy định và ban hành các chính sách liên quan đến năng lượng quốc gia, bao gồm dầu khí. Hội đồng tư vấn dầu khí quốc gia Malaysia chịu trách nhiệm tư vấn cho Thủ tướng về các vấn đề chính sách, lợi ích quốc gia và các vấn đề liên quan đến dầu khí.

Công ty dầu khí quốc gia Malaysia - Petroliam Nasional Berhad (Petronas) được trao quyền thực hiện cả 3 vai trò: Tham gia hoạch định, ban hành các chính sách về dầu khí; Quản lý nhà nước về dầu khí; Đầu tư trực tiếp vào hoạt động thăm dò khai thác dầu khí tại Malaysia.

Theo đó, Luật Phát triển Dầu khí (Petroleum Development Act - 1974) trao quyền sở hữu toàn bộ tài nguyên dầu khí của Malaysia cho Petronas. Từ đó, Petronas có thể trực tiếp đầu tư, điều hành hoạt động thăm dò khai thác dầu khí thông qua công ty con (Petronas Carigali); đồng thời Petronas cũng tham gia cùng với Ban Kinh tế Kế hoạch (thuộc Văn phòng Thủ tướng) xây dựng các chính sách về dầu khí trong tổng thể các chính sách về năng lượng.

Vai trò quản lý hoạt động thượng nguồn của Petronas được thực hiện thông qua đơn vị quản lý dầu khí của Malaysia (Malaysia Petroleum Management - MPM) để quản lý, giám sát mọi vấn đề liên quan từ khi hình thành dự án, lựa chọn nhà thầu, đám phán ký kết hợp đồng dầu khí cho đến công đoạn triển khai và kết thúc dự án.

Cụ thể, nhà thầu khi muốn tham gia vào hoạt động thăm dò và khai thác tại quốc gia có sản lượng dầu khí lớn thứ 2 ở Đông Nam Á, phải có được giấy phép từ Petronas. Thông qua MPM, Petronas ký kết hợp đồng với các công ty dầu khí và chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động.

Petronas xây dựng và ban hành Hệ thống quy trình hướng dẫn đối với hoạt động thăm dò khai thác dầu khí (PPGUA), bao gồm đầy đủ các thủ tục từ khi ký kết hợp đồng, tiến hành hoạt động thăm dò, khoan, phát triển mỏ, khai thác dầu khí… Ngoài việc cấp phép, cần có sự chấp thuận của Thủ tướng, các quy trình liên quan khác được quy định trong PPGUA.

PPGUA không có quy định riêng về phê duyệt báo cáo trữ lượng đối với phát hiện dầu khí thương mại được đưa vào phát triển, mà được xem xét trong quy trình phê duyệt Báo cáo kế hoạch phát triển mỏ (FDP).

Đơn vị quản lý dầu khí của Malaysia thành lập Hội đồng đánh giá kỹ thuật (TRC) và Hội đồng đánh giá thực hiện (ERC) đóng vai trò tư vấn kỹ thuật cho Petronas trong quá trình đánh giá FDP. FDP cuối cùng được MPM phê duyệt sau khi nhận được chứng thực của các bên tham gia trong hợp đồng.

Được biết, kể từ năm 1976, Malaysia áp dụng hình thức hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC) trong hoạt động Thăm dò - Khai thác dầu khí và luôn có sự thay đổi linh hoạt để phù hợp với các điều kiện đặc thù về tài nguyên dầu khí.

Từ năm 2019, Petronas nghiên cứu mẫu PSC mới (SFA PSC) theo hướng đơn giản hóa các thủ tục đối với các mỏ nhỏ (trữ lượng dưới 15 triệu thùng dầu).

Tại Việt Nam, mặc dù Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động dầu khí nhưng trên thực tế đang có nhiều cơ quan tham gia vào công tác hoạch định chính sách và phê duyệt các quy trình liên quan đến hoạt động dầu khí. “Nút thắt” này đang khiến các dự án dầu khí gặp khó khăn trong quá trình phê duyệt, triển khai, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí.

Để thu hút đầu tư vào hoạt động thăm dò khai thác dầu khí, các nước trên thế giới có xu hướng đơn giản hóa các thủ tục nhất là khi tài nguyên dầu khí còn lại có điều kiện thăm dò, khai thác dầu khí ngày càng khó khăn, phức tạp (khu vực nước sâu xa bờ, rủi ro cao), xu hướng chuyển dịch năng lượng (từ năng lượng truyền thống sang các dạng năng lượng mới). Tại một số quốc gia, công ty dầu khí quốc gia cũng có sự điều chỉnh về vai trò để trở thành công ty dầu khí độc lập, thực hiện chức năng chính của nhà đầu tư và không tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước về dầu khí.

Các cơ chế, chính sách đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và nước chủ nhà trong các điều kiện mới cần được xem xét, nghiên cứu áp dụng.

Bình An

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/vai-tro-quan-ly-nha-nuoc-trong-nganh-dau-khi-malaysia-va-bai-hoc-cho-viet-nam-635954.html
Zalo