Vai trò kiết tập đối với kinh tạng Phật giáo
Để có được một hệ thống kinh tạng chuẩn hóa, thống nhất và đồng điệu, đã được chỉnh đốn và giữ gìn để ngày nay chúng ta nương theo mà tu tập giải thoát giác ngộ. Và đó cũng chính là điều mà người viết muốn đề cập đến trong bài viết này: “vai trò kết tập đối với kinh tạng Phật giáo”.
Tác giả: Thích nữ Thông Diệu (Tôn nữ Thị Tường Vy) Học viên Cao học Khóa II chuyên ngành Văn học Phật giáo, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế
LỜI NÓI ĐẦU
Đạo Phật xuất hiện ở Ấn Độ từ thế kỷ thứ VI trước công nguyên, trong điều kiện xã hội phân chia theo chế độ đẳng cấp bất bình đẳng. Đạo Phật ra đời là sự kế thừa, tiếp nối các trào lưu tôn giáo, triết học nổi tiếng của Ấn Độ cổ đại và được coi là một trong những học thuyết xã hội chống lại sự bất công trong xã hội đương thời.
Trải qua hơn XXV thế kỷ tồn tại phát triển, đạo Phật du nhập vào trên một trăm nước trên thế giới, ở hầu khắp các châu lục nhưng luôn với trạng thái ôn hòa, chưa bao giờ đi liền với chiến tranh xâm lược hay xảy ra các cuộc kháng chiến. Trên bước đường truyền bá và hội nhập, Phật giáo luôn luôn cố gắng thực hiện hai điều đó là khế lý và khế cơ. Nếu thiếu đi một trong hai yếu tố này Phật giáo sẽ chẳng còn là Phật giáo nữa. Duy trì và phát triển hai yếu tố này, Phật giáo được truyền vào Việt Nam và các nước khác. Theo trung tâm Nghiên cứu Pew “Phật giáo là tôn giáo có số lượng tín đồ vào khoảng 488 triệu người trên khắp thế giới, 495 triệu hoặc 535 triệu người trong thập niên 2010, chiếm 7% tới 8% dân số toàn thế giới.”[1]
Vì thế, ta có thể khẳng định rằng trải qua hơn 2560 năm lịch sử đầy những thăng trầm, có lúc Phật giáo tưởng chừng như đã biến mất hẳn ngay trên bản địa, nhưng ngược lại Phật giáo vẫn tồn tại và phát triển khắp năm châu. Hiện nay sự thành tựu vượt bậc của khoa học cùng với những tư tưởng tiến hóa của nhân loại đòi hỏi thẩm định lại giá trị của nhiều tư tưởng triết học xưa nay và đương nhiên những tư tưởng mang tính phi lý, lạc hậu phản khoa học đều phải tự đào thải trước những văn minh tiến bộ của loài người.
Thế nhưng, tòa nhà cổ XXV thế kỷ của Phật giáo vẫn tồn tại cùng năm tháng, sừng sững như cây đại thọ giữa núi rừng trùng điệp. Điều này chứng minh rằng Phật giáo đã toát ra một sức sống mãnh liệt, bắt nguồn từ một giá trị tinh thần phong phú, tinh thần ấy chính là sự thể hiện giáo pháp trong mỗi đời sống con người, giáo pháp ấy phải chăng là những chân lý vượt cả không gian và thời gian, bao gồm ba tạng kinh, luật và luận.
Để có được một hệ thống kinh tạng chuẩn hóa, thống nhất và đồng điệu, đã được chỉnh đốn và giữ gìn để ngày nay chúng ta nương theo mà tu tập giải thoát giác ngộ.
CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA ĐỀ TÀI
1.1. Khái niệm về kinh tạng Phật giáo
Là người đệ tử Phật, chắc hẳn ai trong số chúng ta cũng đều biết một điều rằng, kinh tạng Phật giáo có số lượng cực kỳ lớn, thậm chí xưa lấy tám vạn bốn ngàn để ước chừng tượng trưng về số lượng pháp uẩn. Chính vì lẽ đó mà những dịch giả dịch Tam Tạng Kinh qua Anh ngữ đã ước lượng “Tam Tạng Kinh lớn hơn khoảng mười một lần so với toàn bộ Kinh Thánh của Thiên Chúa Giáo.”[2]
Có lẽ rằng điều đầu tiên chúng ta cần phải hiểu đó là “Tạng” hay còn gọi là “Tàng” (zh. 藏, sa. pitạka, pi. pitạka) “là kho tàng, chỗ để chứa đồ, hòm đan bằng tre”.[3]Ở đây có ý nói “là cái kho chứa giữ tất cả giáo pháp cần phải biết - tức thâu gồm tất cả thánh điển của Phật giáo.”[4] Ngày xưa, “tại các chùa lớn thường có một thư viện gọi là Tàng Kinh Các để lưu trữ các bộ kinh quý.”[5] Cứ theo phẩm Thuật cầu trong Đại thừa trang nghiêm kinh luận quyển 4 thì “Tạng” nghĩa là nhiếp, tức là tổng nhiếp tất cả những điều nên biết. Nếu theo thuyết của ngài Giác Âm thì “Tạng” nghĩa là am kí (ghi nhớ thành thuộc), tức thầy trò dùng phương pháp tụng thuộc lòng mà truyền miệng cho nhau.
Giáo pháp được lưu giữ lại trong Kinh điển được gọi là Tam Tạng Kinh (zh. 三藏, sa. tripitạka, pi. tipitạka, bo. sde snod gsum སྡེ་སྣོད་གསུམ་) là ba phần cốt tủy của kinh sách đạo Phật gồm: Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng.
Kinh tạng(zh. 經藏, sa. sūtra-pitạka, pi. sutta-pitạka, bo. mdo sde`i sde snod མདོ་སྡེའི་སྡེ་སྣོད་): bao gồm tất cả yếu nghĩa giáo thuyết của đức Phật.
Gồm năm bộ:
Trường Bộ kinh(pi. dīgha-nikāya), tương đương với Bắc Tông: Trường A Hàm, những bài pháp dài.
Trung Bộ kinh(pi. majjhima-nikāya), tương đương với Bắc Tông: Trung A Hàm, những bài pháp dài bậc trung.
Tương ưng Bộ kinh(pi. samỵutta-nikāya), tương đương với Bắc Tông: Tạp A Hàm, những câu kinh tương tợ nhau.
Tăng chi Bộ kinh(pi. aṅguttara-nikāya), tương đương với Bắc Tông: Tăng Nhứt A Hàm, những bài pháp sắp xếp theo con số.
Tiểu Bộ kinh(pi. khuddaka-nikāya), tương đương với Bắc Tông: Tiểu A Hàm, những câu kệ vắn tắt.[6]
Ngoài ra còn có chú giải và phụ chú giải.
Luật tạng(zh. 律藏; sa., pi. vinaya-pitạka, bo. `dul ba`i sde snod འདུལ་བའི་སྡེ་སྣོད་): bao gồm tất cả những quy điều, phép tắc sinh hoạt áp dụng cho toàn thể giáo đoàn, do đức Phật chế định.
Gồm năm quyền: Vibhanga: 1. Pārājika Pāli (Tội nặng), 2. Pācittiya Pāli (Tội nhẹ); Khandaka: 3. Mahāvagga Pāli (Đại phẩm), 4. Cullavagga Pāli (Tiểu phẩm), 5. Parivāra Pāli (Tập).
Luận tạng(zh. 論藏, sa. abhidharma-pitạka, pi. abhidhamma-pitạka, bo. mngon pa`i sde snod མངོན་པའི་སྡེ་སྣོད་): bao gồm tất cả những lời bàn luận, lí giải, làm cho tỏ rõ ý nghĩa kinh điển, xác minh tánh tướng của vạn pháp.
Gồm bảy bộ: 1. Dhammasaṇghanị̄ - Pháp Tụ (phân loại các Pháp), 2. Vibhaṅga - Phân Tích (những tiết mục), 3. Dhātukathā - Nguyên Chất Ngữ (Giới Thuyết, luận giải về các nguyên tố hay Giới), 4. Puggala Pañnãtti - Nhân Chế Định (Nhân Thi Thuyết, chỉ danh những cá tính), 5. Kathāvathu - Ngữ Tông (Thuyết Sự, những điểm tranh luận), 6. Yamaka - Song Đối (quyển sách về những cặp đôi), 7. Paṭṭhāna - Vị Trí (quyển sách đề cập đến Nhân Quả tương quan).
Mỗi truyền thống có một phiên bản riêng của Tam Tạng Kinh Điển Tipitaka. Có tất cả ba phiên bản Tam Tạng Kinh Điển Tipitaka được chấp nhận bởi ba trường phái Phật giáo vẫn còn hiện hành cho đến ngày hôm nay, đó là:
Tam Tạng Kinh bằng tiếng Pāli (PāliTipitaka) của Phật giáo Nguyên Thủy (Theravada, hay còn gọi là truyền thống Trưởng Lão Bộ).
Đại Tam Tạng Kinh của trường phái Phật giáo Đại thừa (mahayana Tripitaka) bằng tiếng Trung Hoa, vốn là những bản dịch từ kinh điển bằng tiếng Phạn (Sanskrit).
Tam Tạng Kinh Tây Tạng (Tibetan Tripitaka) bằng ngôn ngữ Tây Tạng, còn được gọi là Kagyur (bao gồm những bản dịch từ kinh điển bằng tiếng Phạn và Bốn Đại Kinh Mật Thừa Tây Tạng (Tantras) và Tangyur (bao gồm những tác phẩm của những học giả, luận sư người Ấn Độ và Tây Tạng).
Tam Tạng Thánh Điển của Phật giáo được truyền thừa ban đầu qua hình thức khẩu truyền và lưu truyền qua ba lần kết tập kinh điển tại Ấn Độ. Đến khoảng thế kỷ thứ I Tr. TL, đại hội kết tập Kinh điển lần thứ IV được tổ chức tại Tích Lan, Tam Tạng lần đầu tiên được viết trên lá Bối, đây là những văn bản Kinh điển Nguyên thủy và lưu truyền đến ngày nay.
Tam Tạng Kinh Điển lại chia làm hai loại là Đại thừa và Tiểu thừa. Những hạng người nào nhận thấy mình chỉ đủ sức để giải thoát cho riêng phần mình mà thôi, thì theo giáo lý Tiểu thừa; có thể vừa giải thoát cho mình và cho người ra khỏi sanh tử luân hồi, tự nguyện độ mình và người cùng đi đến Niết-bàn thì theo Đại thừa. Sở dĩ giáo lý đạo Phật chia ra làm Đại thừa và Tiểu thừa như thế vì căn cơ và nguyện vọng chúng sanh không đồng nhau. [7]
Trong bài viết này, người viết lựa chọn định nghĩa sau làm cơ sở lý luận cho đề tài nghiên cứu: “Ba tạng (tripitaka) gồm có tạng Kinh (sutrapitaka), tạng Luật (vinayapitaka) và tạng Luận (abhidharmapitaka). Pitaka nghĩa là cái giỏ dùng để chứa, người Tàu dịch ra Tạng nghĩa là cái kho chứa, chứa rất nhiều. Tam tạng là ba cái kho chứa đựng những lời Phật dạy.” Tạng Kinh là những lời thuyết giảng của Phật, các đệ tử sưu tầm sắp xếp lại cho có hệ thống. Tạng Luật là những giới luật do Phật đặt ra để cho đệ tử tu hành và điều hành giáo hội. Tạng Luận lấy hai kho trên làm đối tượng để khảo sát, giảng cứu, suy tầm và triển khai lời Phật dạy tạo thành một nền triết học kinh viện. Sự phân chia ấy nhằm mục đích làm cho người ta thấy rõ giáo lý đạo Phật có: chủ thuyết căn bản, giới luật hành trì, giáo nghĩa thuyết minh.
1.2. Khái quát về các kì kết tập kinh điển
Kiết tập lần thứ nhất
Lý do: Tỳ Kheo Bạt Nan Đà vổ tay reo mừng khi hay tin Phật nhập Niết-bàn, thốt lời: “Vị trưởng lão ấy thường dạy chúng ta nên làm như thế này, không nên làm như thế kia; nên học những điều này, không nên học những điều kia, thật là phiền toái. Bọn chúng ta ngày nay mới thoát được nỗi khổ ấy, tùy ý muốn làm gì làm, không còn ai ngăn cản nữa. Vì sao các ông lại thương tiếc khóc than?”.[8]
Thời gian: Mùa hạ năm Phật nhập Niết-bàn, kéo dài 7 tháng
Địa điểm: Tại thành Vương Xá
Thành phần tham dự: 500 vị A-la-hán
Khởi xướng và chủ trì: Ngài Đại Ca Diếp
Phương pháp: Khẩu truyền
Thành quả: Kinh và Luật đã hình thành, “Phật pháp từ các nơi không ngừng được truyền ra, do Kinh sư và Luật sư thẩm tra một cách có phân biệt để bảo tồn”.[9]
Kiết tập lần thứ hai
Lý do: Do 10 điều phi pháp của nhóm Tỳ Kheo Bạt Kỳ
Thời gian: 100 năm sau khi Phật nhập Niết-bàn
Địa điểm: Tại thành Phệ Xá Ly (Vesaly)
Thành phần tham dự: Bảy trăm vị A-la-hán
Chủ trì: Nhóm Tỳ kheo phía Đông đề cử 4 vị: (1)Nhất Thiết Khứ, (2) Ly Bà Đa, (3) Bất Xà Tôn, (4) Tu Ma Na. Nhóm Tỳ kheo phía Tây cũng đề cử 4 vị: (1) Tam Phù Đà, (2) Sa Lan, (3) Trường Phát, (4) Ba Sa Lam
Khởi xướng: Trưởng lão Da Xá (Yasas)
Phương pháp: Khẩu truyền
Thành quả: Hợp tụng tất cả pháp tạng, ngăn ngừa mọi phi pháp pha trộn
Kiết tập lần thứ ba
Lý do: Ngoại đạo trà trộn vào hàng ngũ Tăng đoàn, làm cho Tăng chúng bất hòa và Phật pháp trở nên hỗn loạn.
Thời gian: 218 năm sau khi đức Phật nhập Niết-bàn, kéo dài 9 tháng.
Địa điểm: Tại Viên Lâm, thành Hoa Thị, nước Ma Kiệt Đà.
Thành phần tham dự: 1000 vị A-la-hán
Chủ trì: Trưởng lão Mục Kiền Liên Tử Đế Tu (Moggaputta - tissa).
Người khởi xướng và bảo trợ: Hoàng đế A Dục
Phương pháp: Khẩu truyền nhưng nội dung ba tạng thì được sắp xếp một cách khoa học theo trật tự danh mục, đề mục rõ ràng
Thành quả: Ra đời tập Luận sự, từ đó có đủ ba tạng kinh điển.
Kiết tập lần thứ tư
Lý do: Vì chư Tăng có những kiến giải bất đồng về kinh điển.
Thời gian: Khoảng 400 năm sau khi Phật nhập Niết-bàn, kéo dài 12 năm.
Địa điểm: Thành Ca Thấp Di La, nước Kiền Đà La, miền Tây Bắc Ấn Độ.
Thành phần tham dự: 500 vị A-la-hán.
Chủ trì: Tôn giả Thế Hữu (Vasumitra) với sự trợ thủ của Hiếp Tôn Giả.
Người khởi xướng: Vua Ca Nị Sắc Ca (Kanishka).
Thành quả: Soạn ra ba bộ luận: kinh sớ, luật sớ và luận sớ.
Phương thức bảo quản: Khắc vào các bản đồng cán từ đồng đỏ, cất một bảo tháp để tồn trử.
Kiết tập lần thứ năm
Lý do: Để thống nhất và giữ sự trong sáng của kinh điển.
Thời gian: Vào năm 1871, và trải qua 5 tháng mới hoàn thành.
Địa điểm: Tại thủ đô của Myanmar lúc bấy giờ là Mandalay.
Thành phần tham dự: Có tổng số 2400 vị cao tăng.
Chủ trì đại hội: Thượng Tọa Pong Yi Sayadaw.
Người khởi xướng và bảo trợ: Vua Mindon.
Thành quả: Khảo đính lại 3 tạng, đem khắc trên 729 phiến đá hình vuông.
Phương thức bảo quản: Đem cất vào trong chùa tháp Câu-tha-đà (Kuthodaw) và xây 45 ngôi bảo tháp xung quanh bên ngoài.
Kiết tập lần thứ sáu
Lý do: Nhằm đoàn kết Phật giáo đồ, chấn hưng Phật giáo Thượng Tọa bộ.
Thời gian: Bắt đầu ngày 17 tháng 5, lễ Phật đản năm 1954, kéo dài hai năm.
Địa điểm: Tại phía Bắc Ngưỡng Quang, trên đồi núi Nghệ Cố.
Thành phần tham dự: 2500 tu sĩ các nước Phật giáo Theravada và Đại thừa.
Chủ trì: Ngài Nyungan sayadaw.
Khởi xướng: Giáo hội Phật giáo Myanmar.
Bảo trợ: Chính phủ Myanmar.
Thành quả: Tham khảo tất cả kinh điển của các nước Phật giáo Nam truyền, rồi đúc kết và đem xuất bản để truyền bá.
Chung quy lại, có thể khẳng định rằng Tam Tạng Kinh Điển Phật giáo chính là một bộ sưu tập đồ sộ và vẹn toàn về tất cả những gì liên hệ với văn hóa Phật giáo cùng văn hóa bản địa thời bấy giờ. Đó là những pháp thoại của đức Phật, những câu chuyện ngụ ngôn văn chương, thi ca đậm màu giải thoát và những bước đi lịch sử của Tăng đoàn với nhiều bài giảng của chư vị Thánh Tăng, Thánh Ni. Vua A Dục đã đóng góp rất lớn trong việc xiển dương Phật giáo thông qua sự tài trợ cho đại hội kiết tập kinh điển lần thứ ba và công cuộc thanh lọc Tăng đoàn cũng như gởi các đoàn hoằng pháp đến các nước lân cận và khắc nhiều kinh điển lên bia đá, khẳng định vị trí lịch sử và vị thế của Phật giáo đương thời.
CHƯƠNG 2. VAI TRÒ KIẾT TẬP ĐỐI VỚI KINH TẠNG PHẬT GIÁO
2.1. Giữ gìn, bảo tồn ngôn ngữ Pāli
Khi bàn về vấn đề ngôn ngữ được dùng trong tam tạng kinh Pāli, hầu hết các học giả phương Tây đều tỏ ra nghi ngờ, không khẳng định vai trò của những hội đồng Phật giáo trong những kỳ kiết tập kinh điển trong việc khẳng định ngôn ngữ làm phương tiện truyền bá Phật pháp. Bởi vì việc công nhận và kết tập kinh điển dựa vào sự phê chuẩn của hội đồng kết tập, cho nên ngôn ngữ được dùng bởi hội đồng kiết tập đóng vai trò chính trong việc truyền tụng kinh điển. Tất cả trường phái Phật giáo đều đồng ý là ba kỳ hay ba hội đồng kiết tập là những sự kiện lịch sử, như vậy một câu hỏi thẳng thắn được đặt ra là: “Ngôn ngữ nào những vị A-la-hán từ miền Tây hay miền Đông đã dùng để đọc tụng những lời dạy của đức Phật trong những lần kiết tập thứ nhất, thứ hai và thứ ba?”.
Trong lần kiết tập thứ nhất, có thể thấy là không có gì nghi ngờ mà hoàn toàn có cơ sở để cho rằng đó là tiếng Magadhi (Ma-kiệt-đà), bởi một lẽ rằng tất cả thành viên của hội đồng kết tập đều là những người vừa mới học giáo pháp từ chính đức Phật.
Trong lần kiết tập thứ hai, lúc bấy giờ, những Tỳ-kheo từ miền Tây và miền Đông đều tập hợp lại để nghe tụng đọc tạng Kinh và tạng Luật ở Vesali. Tất cả 8 trưởng lão đã được chọn ra để giải quyết vấn đề “10 điểm” đều là đệ tử trực tiếp của ngài Ananda và ngài Anuraddha nổi tiếng. Trưởng lão lớn tuổi nhất, Sabbakami người đứng ở vai trò phân xử. Vì họ đã học giáo pháp từ hai đại đệ tử nổi tiếng đó của đức Phật, cho nên chắc hẳn họ đã dùng cùng một ngôn ngữ Magadhi để đọc tụng lại giáo pháp và giới luật ở kỳ kiết tập thứ hai.
Không hề chủ quan một chút nào khi nói rằng, tất cả những lý thuyết cổ kết nối tiếng Pali với tiếng Ujjaini hay tiếng Paisaci hay thậm chí cho tiếng Pāli như là một ngôn ngữ mới do các tu sĩ Phật giáo tạo ra sau kỳ kiết tập kinh điển thứ hai như là một ngôn ngữ trung gian (lingua franca, ngôn ngữ chung) đều tỏ ra thiếu sót, bỏ quên nhiều sự kiện lịch sử.
Thứ nhất, những Tỳ-kheo thuộc phái Trưởng Lão Bộ (Theravada hay Sthavarivada) đứng ra chủ trì những hội đồng kiết tập kinh điển nổi tiếng vốn là những người cực kỳ chính thống (hay còn gọi là những người không thay đổi, bảo thủ nhất) trong tất cả các trường phái trong việc thực thi những nghi Luật trong Tăng đoàn, tu viện và luôn luôn bảo thủ Luật tạng (Vinaya) theo đúng nghi luật và ngôn ngữ nguyên thủy liên tục trong vòng hai tuần lễ kết tập.
Thứ hai, ngài Moggaliputta Tissa[10] (Mục-kiền-liên-đế-tu) là một nhân vật lịch sử, chứng quả A-la-hán, bậc thầy của vua Asoka, bậc cao tăng thạc đức có công mở ra trang sử kết tập kinh Phật lần thứ ba ở Pataliputta bằng văn viết, mà trước đây chưa từng có, cũng đã bảo lưu ngôn ngữ nguyên gốc theo truyền thống dòng dõi làm thầy về Luật tạng (Luật sư, Acaryaparampara) của mình. Đây là bước ngoặc lịch sử trọng đại, được tôn vinh và nhớ ơn vĩnh viễn.
Để rồi từ đó Tipitạka ra đời, nhưng viết bằng loại tiếng gì cho đến nay vẫn chưa được biết. Tuy vậy, khi tìm hiểu về tiếng Pāli, thì được biết tiếng Pāli thuộc ngôn ngữ kinh điển, cũng gọi là Thánh ngữ hay kinh điển Phật giáo ngữ, vì chỉ có trong Tipitạka. Bởi một lẽ nữa là vì tiếng Pāli là ngôn ngữ “nói”, không có chữ viết đi theo và trong những đất nước nó được dùng như ngôn ngữ thiêng, thánh ngữ của cư dân mình, như: Tích Lan (Sri Lanka), Miến Điện (Myanmar) và Thái Lan, nó được viết theo bộ chữ viết riêng của mỗi nước.
Thật sự mà nói thì tiếng Pāli không phải là cổ ngữ như tiếng Sanskrit, tiếng Hindi, tiếng Hoa, tiếng Hy-lạp.., cũng không phải sinh ngữ như tiếng Anh hay Pháp..., (ba tạng kinh Phật), không phải ngôn ngữ sử dụng trong đời thường. Cũng không như tiếng Anh có từ England, tiếng Pháp từ France, tiếng Hoa từ China, tiếng Việt từ nước Việt Nam... Mà tiếng Pāli có nguồn từ sự tụng đọc thuộc lòng kinh điển của các vị chứng quả A-la hán và nhờ vào sự lan truyền đi khắp nơi trải qua gần 300 năm sau khi đức Phật Niết-bàn.[11]
Vì vậy, khi vị A-la-hán Mahinda[12] và những thành viên khác của Tăng đoàn được phái đi để truyền bá giáo pháp của đức Phật ở Tích Lan, chắc chắn giáo đoàn truyền đạo này cũng sẽ truyền bá giáo pháp bằng ngôn ngữ của hội đồng kiết tập kinh điển thứ ba để duy trì sự tương đồng và tính tiếp nối và tránh những diễn dịch sai lệch.
Lại nữa, trong khoảng mười năm, từ 242 đến 231 trước Tây lịch đức vua Asoka đã ban hành bảy sắc lệnh khắc trên bảy trụ đá mà nội dung đều có liên quan với Phật giáo và có nội dung giống với kinh điển Pāli hiện nay. Chắc chắn trong khoảng thời gian này, 1000 chúng Tăng đã kết tập kinh điển một cách chu đáo và tận tụy. Còn cẩn thận hơn nữa, lá bối đem xử lý với mủ cây, sau khắc chữ lên đó thì cũng được xem như đã được khắc trên đá rồi.
Dưới ánh sáng của những sự kiện lịch sử này, rất vô lý khi giả thuyết hay phỏng đoán rằng những Trưởng Lão ngày xưa lại muốn thay đổi ngôn ngữ của những lời dạy của đức Phật và phát minh ra một ngôn ngữ mới nhiều rủi ro diễn dịch sai lệch những giáo lý nhất quán của đức Phật, theo kiểu những giáo phái khác chuyển ngôn ngữ Phật đã dùng qua tiếng Phạn, vốn đã bị đức Phật nghiêm cấm từ lúc Người còn tại thế!
Cách giải thích như vậy có vẻ có lý hơn, bởi vì nhờ vào lòng nhiệt tâm tôn giáo, sự cống hiến tận tụy và kỹ năng huyền thoại về trí nhớcủa những Tỳ-kheo thời cổ xưa trong việc bảo tồn và lưu truyền những giáo pháp của đức Phật thông qua con đường truyền miệng.
2.2. Hoàn chỉnh Tam tạng Thánh điển
Ngược dòng lịch sử 2566 năm, tại xứ Ấn Độ đã xuất hiện một thánh nhân, Ngài đã vân du trên các vạn nẻo đường đem ánh sáng vô lượng vô biên đến toàn chúng sanh, ánh sáng ấy như suối nguồn tâm linh chảy mãi trong biển tâm thức của mọi chúng ta, tuy Ngài đã nhập Niết-bàn nhưng tam tạng thánh điển vẫn mãi luôn dòng đến ngày nay. Điều này đã nói lên vai trò hết sức quan trọng của các kì kết tập kinh điển đối với tam tạng Phật giáo. Nếu như không có những tác phẩm để lại cho đời từ các kì kiết tập kinh điển thì có lẽ tam tạng thánh điển đã bị mai một dần và chìm vào quên lãng theo dòng chảy của thời gian rồi.
Là người con Phật, hơn ai hết, chúng ta hiểu rõ rằng, chân lý giác ngộ và phương pháp tu tập do đức Phật truyền dạy chính là phương tiện để hàng hậu học có thể thực hành theo đúng và đạt đến sự giác ngộ, giải thoát giống như Ngài vậy. Ngoài giáo pháp của đức Phật, không còn có phương pháp nào khác có thể giúp chúng ta đạt đến sự giải thoát rốt ráo. Và tất cả giáo pháp ấy được gói gọn trong tam tạng kinh điển. Chính vì lẽ ấy mà trong “Đại thừa nói các pháp là chánh mà cũng là tà, tùy ở sự thiện dụng mà tà thành chánh, thành tác dụng hóa độ cả.”[13]
Do lẽ đó mà việc hoàn chỉnh tam tạng là một yếu tố quan trọng cho việc sống còn của đạo pháp, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của lịch sử Phật giáo từ quá khứ đến hiện tại. Bởi một lẽ tam tạng gộp thâu tất cả những nguyên bản kinh điển được xem là cổ xưa nhất và chứa đựng những giáo lý trung thành nhất của đức Phật. Với mục đích truyền trì đạo mạch, những giá trị thiêng liêng của việc hoàn chỉnh tam tạng đã thể hiện sự vững mạnh của Phật giáo, ngõ hầu để đàn hậu tấn có kim chỉ nam mà tu tập giải thoát.
Chính vì vậy, những phật sự của chư vị tiền bối hữu công trong hội đồng Phật giáo trong những kì kết tập kinh điển thực hiện có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc kế vãng khai lai, truyền trì đạo mạch, thừa đương sứ mệnh hoằng dương chánh pháp, lợi lạc quần sanh, mang lại an lành, hạnh phúc cho nhơn thiên. Không chỉ làm cho Phật pháp xương minh, trường tồn ở thế gian mà còn góp phần làm cho Phật giáo tiếp nối truyền thống tốt đẹp từ thời đức Phật còn tại thế, phát triển lên một tầm cao mới.
Trước tiên là về tạng Kinh, tạng này được ví như một quyển sách ghi lại những bài pháp do đức từ phụ bổn sư Thích Ca Mâu Ni thuyết giảng ở nhiều trường hợp, căn cơ, trình độ và hoàn cảnh khác nhau. Nhằm vào lợi ích và đời sống thánh thiện của các bậc xuất gia cũng như tiến bộ vật chất và tinh thần, đạo đức của người cư sĩ. Ở đây, cho thấy một điều rằng đức Thế Tôn không khước từ một ai. Trên lý thuyết thì kẻ nào trong đời này mà sát hại cha mẹ sinh ra thân mình, thì kẻ đó đời này sẽ không được xuất gia, không thể thành bậc A-la-hán. Ngoài ra không ai bị hạn chế.
Đó là nói xuất gia, còn tại gia cũng không loại trừ những kẻ này. Nếu tìm hiểu trong Kinh tạng thì sẽ thấy rằng Phật đã hóa độ cho kẻ chiến thắng, kẻ chiến bại, kẻ khổ đến nỗi khó sống nổi, thậm chí sát thủ, đạo phủ thủ, trộm cướp, thông minh xuất sắc, đần độn đặc biệt, nam giới, nữ giới, lão niên, đồng ấu, Tăng của Phật có đủ.
Ấy thế nên mới nói rằng, nếu không trùng tuyên lại kinh điển, thì làm sao có kim chỉ nam đúng đắn cho các đệ tử căn cứ tu tập nhằm giải thoát, thử hỏi giả sử như kinh mà ghi sai thì liệu rằng có thể nào tu đúng được không, một khi đã không tu đúng rồi thì làm sao mà giải thoát cho được. Vì xét cho cùng thì đối với người đệ tử Phật, không có gì ý nghĩa hơn lời dạy của đức Phật, vì đây là phương tiện không thể thiếu trên đạo lộ đi từ bờ mê đến bến giác của tự thân mỗi hành giả.
Thứ đến là nói về tạng Luật, theo Hòa thượng Narada trong Đức Phật và Phật pháp, Luật tạng được xem là cái neo vững chắc để bảo tồn con thuyền Giáo hội trong những cơn phong ba bão táp của lịch sử. Phần lớn Luật Tạng đề cập đến giới luật và nghi lễ trong đời sống xuất gia của các vị Tỳ-kheo và Tỳ-kheo Ni.
Như chúng ta đã biết, trên lộ trình tu tập giải thoát thì người xuất gia phải trải qua ba môn vô lậu học Giới - Định - Tuệ, vì đây là con đường duy nhất đưa đến Phật quả. Trong đó, Giới vô lậu học đóng vai trò cơ bản nhất đối với người đệ tử Phật, vì Giới chính là yếu tố quan trọng để sanh định và phát tuệ.
Như thế, người xuất gia trước tiên cần phải nghiêm trì giới luật, cũng vì lẽ ấy mà kinh Bồ-tát giới viết: “Giới như gương báu sáng, chiếu rõ tất cả pháp… Thoát khổ hay thành Phật, chỉ giới này hơn cả.”[14] Phải chăng đoạn kinh trên đã nghiễm nhiên xác nhận giới chính là những nấc thang đầu của đạo quả giác ngộ, là nền tảng của thiền định và trí tuệ, là phao nổi đưa người qua biển khổ sanh tử, là kho tàng vô lượng công đức và cũng chính là cửa ngõ duy nhất để vào thành trì Niết-bàn.
Bởi thế, người tu nhân học Phật không thể không am tường giới luật, vì giới luật là mạng mạch của tăng đoàn, nếu trong sinh hoạt cộng đồng Tăng lữ mà không có giới luật làm cương lĩnh thống nhiếp, thì Tăng đoàn sẽ tiêu vong. Do đó mới nói nếu không trùng tuyên tạng Luật và ai cũng có thể bỏ giới một cách dễ dàng thì cũng khó mà liễu sanh thoát tử, đạt đến tuệ giác vô thượng.
Cuối cùng là nói đến tạng Luận, theo Hòa Thượng Narada trong Đức Phật và Phật pháp, Luận tạng thâm diệu và quan trọng nhất trong toàn thể giáo pháp, vì đây là phần triết lý cao siêu, so với Kinh tạng giản dị hơn và đây chính là tinh hoa của Phật giáo. Dẫu cho tác giả là ai đi chăng nữa thì đó cũng là công trình sáng tác của một bộ óc kỳ tài mới có thể luận bàn thêm về ý nghĩa kinh điển của Phật, làm sáng tỏ những điểm súc tích để quyết định tính tướng các pháp.
Cũng bởi một lẽ rằng“căn trí con người ngày càng chậm lụt, các pháp vô lậu càng khó có điều kiện để thành tựu.” [15] Chính vì vậy mà để tiêu hóa được những đống kiến thức cồng kềnh, quá đỗi cao siêu của đức Thế Tôn thành chất bổ dưỡng nuôi sống cơ thể là một điều cực kỳ khó khăn, nhất là đối với những hành giả có mức độ thâm nhập Phật pháp chưa đạt tới trình gọi là “thấm tương chao”, vậy thì lấy gì để kế thừa gia tài Phật Tổ, tiếp tục thắp sáng ngọn đèn trí tuệ, duy trì mạng mạch chánh pháp của Như Lai.
Như vậy, cơ thể sẽ bị héo mòn cho nên vẫn không có gì thay đổi trong quá trình lột xác từ một kẻ phàm tục trở thành một bậc xuất trần thượng sĩ, mô phạm cho muôn loài. Chính vì lẽ ấy mà cần lắm sự trùng tuyên tạng Luận để phát triển giáo thuyết của đức Phật rộng hơn, đến người đời sau lại dùng trí tuệ thù thắng thảo luận, giải thích thêm nữa rồi hệ thống hóa, tổ chức hóa làm cho giáo pháp hoàn chỉnh.
CHƯƠNG 3. Ý NGHĨA CỦA CÁC KỲ KẾT TẬP TRONG VIỆC TRUYỀN TRÌ ĐẠO MẠCH VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẠNG PHẬT GIÁO
3.1. Tránh sự ngộ nhận về kinh điển Phật giáo
Một số học giả có ý nghi ngờ khả năng trung thực của các kỳ kiết tập bởi rõ ràng là ngay chính đức Phật cũng chưa hề đưa ra một khuôn thức nào cụ thể để các môn đệ về sau có thể y cứ vào đó mà san định và tái hiện một cách chính xác cả một hệ thống khẩu truyền đồ sộ vốn luôn có thể bị sai lệch qua hằng thế kỷ truyền thừa song song với những dị bản mang tính tư kiến cọng với biết bao là vấn đề địa cư, văn hóa mà Phật giáo phải thường trực đối diện trên suốt đường đi của mình.
Cho đến nay ta phải công nhận rằng không hề có một chứng cứ nào về việc ra đời của các tác phẩm văn học kinh điển được biên soạn hay sáng tác ngay trong thời đức Phật còn sinh tiền. Và bên cạnh đó ta cũng có thể tin chắc rằng toàn bộ lời dạy của Ngài cùng các tác phẩm thành văn của chư môn đệ đích truyền chỉ đều nằm gọn trong hệ thống tam tạng. Dĩ nhiên đối với những gì được xem là lời dạy chính thức của đức Phật thì luôn được các hàng môn đệ xếp vào một vị trí đặc biệt quan trọng.
Như chúng ta cũng đã biết rằng qua lần kết tập đầu tiên thì bốn trong năm bộ kinh tạng Pāli đã được hoàn chỉnh, bao gồm các bộ Trường bộ kinh, Trung bộ kinh, Tăng chi bộ kinh, Tương ưng bộ kinh. Các bộ kinh này là nguyên thủy của lời đức Phật dạy, vì lúc đó chưa có phân chia bộ phái Tiểu thừa hay Đại thừa, do vậy không thể nói rằng kinh điển của trường phái này hay nọ.
Sau kết tập lần ba, thái tử Mahinda trở thành tu sĩ và đem các bộ kinh đi tới bán đảo Tích-lan (Ceylon), kể từ đó đạo Phật phát triển tại đảo quốc này. Lẽ dĩ nhiên, một khi có quần chúng, phái đoàn của ngài Mahinda phải lo phiên dịch kinh điển để phổ biến cho dân chúng. Riêng ngài Mahinda và Trưởng lão Ni Saṅghamittā ngoài việc tiếp Tăng độ chúng, còn chăm lo phiên dịch bộ luật Parivārapāṭha, một trong bốn bộ của tạng Luật có nội dung chiết trung tất cả giới luật Phật, rất quan trọng và cũng là dấu vết lịch sử vô cùng thiết yếu, mà các học giả sau này không thể không công nhận kinh điển Pāli là gần với lời Phật dạy.
Chúng ta dường như không thể phủ nhận sự đóng góp của Trung Hoa cho Phật giáo là quá rõ ràng. Tổ Bồ Đề Đạt Ma đi qua Tàu là một huyền nhiệm, một công án. “Như hà thị Tổ sư tây lai ý?”. Đạo Phật tàn lụi, kinh điển mất hầu hết tại nơi nó sinh ra thì cây Phật giáo Ấn Độ đem trồng trên đất mới đã phát triển và đơm hoa trái rực rỡ. Đạo học Trung Hoa đã thu nhiếp luồng sinh khí mới để cho ra đời Thiền tông với những biểu lộ tâm linh độc sáng sinh động của các Tổ Hoàng Bá, Lâm Tế, Mã Tổ, Triệu Châu.., và gần đây nhất là Hư Vân Hòa thượng. Kinh điển thì được dịch ra Hán tạng rất đầy đủ, đa dạng, vì một bản gốc có đến hai, ba bản dịch khác nhau vào những thời điểm khác nhau; thêm vào đó là các sớ luận của chư Tổ tạo thành một kho tàng văn học Phật giáo đồ sộ và phong phú.
Có thể nói, sau hơn bảy thế kỷ (II-IX, từ thời Đông Hán đến thời trung Đường), Tam tạng Kinh điển của các bộ phái Ấn Độ toàn bộ là tạng viết bằng tiếng Sanskrit và Pāli phần lớn đã được dịch sang chữ Hán. Và từ các bản Hán dịch này mới dịch ra chữ Việt. Nói gì thì nói chứ việc dịch sách từ ngôn ngữ này qua ngôn ngữ khác vốn không luôn luôn tạo ra những ý nghĩa tuyệt đối giống nhau, và hơn nữa bản dịch còn phụ thuộc người dịch. Riêng các bản Việt dịch lại là “bản dịch của bản dịch”, cho nên dễ xa bản gốc hơn và có thể gây ra khó hiểu hay hiểu không chính xác. Vì vậy, trong những trường hợp gặp những chỗ khó hiểu, mơ hồ, mà muốn biết cho rõ ràng, chính xác thì không những phải truy về bản Hán mà cũng cần phải truy về bản Sanskrit và Pāli mới hy vọng làm sáng tỏ được. Thiết nghĩ trong việc học thuật thì người học phải trang bị lấy công cụ để đi vào nguyên tác, ít ai dùng thông qua một bản dịch, trừ khi bất đắc dĩ.
Nhưng vì, Việt Nam nằm trong vùng ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa cổ đại nên mang nhiều nét của văn hóa Trung Hoa, đặc biệt là tôn giáo, trong đó có Phật giáo. Nói cách khác, tất cả những thế hệ trước đây của người Việt đều đã tiếp nhận Phật pháp chủ yếu từ Hán tạng. Và thế là nước ta đã có một nền văn hiến Phật giáo, nhưng đáng tiếc thay nền văn hiến đó là văn hiến Hán văn. Phật giáo Việt Nam chịu ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa nên thường coi trọng các bản kinh luận viết bằng chữ Hán, rồi cho rằng các bản kinh này quí giá hơn bản kinh Pāli, tư tưởng này cần phải xóa bỏ.
Trong quyển “Cuộc đời của đức Phật theo như Tam tạng kinh Pali” của Tỳ-kheo Nanamoli đã ghi lại tham luận của Tiến sĩ T.W. Rhys Davids, một học giả Pāli lỗi lạc, như sau: “… trong suốt 45 năm dài truyền dạy, Người đã lặp đi lặp lại những nguyên lý và chi tiết của giáo pháp … cho đến khi các đệ tử nhuần nhuyễn. Khi được yêu cầu đọc lại từ trong trí nhớ (khi kết tập kinh điển), thì họ đều làm được. Điều đó cho thấy sự tin cậy có thể được đặt vào kinh điển Phật giáo Nguyên Thủy hơn là vào những ghi chép sau này của các giáo phái khác”.
Việc tu tập cần thiết phải dựa vào các bản kinh nguyên thủy kinh Pāli do chính đức Phật truyền dạy. Lẽ đương nhiên ấy, trong các hệ tạng kinh điển Phật giáo thì kinh tạng Nguyên thủy văn hệ Pali được xác định là dạng thức văn bản sớm nhất, ghi chép chân xác, đáng tin cậy và trung thực với lời dạy của Thích Ca, thể hiện cốt tủy của tinh thần Phật giáo ở giai đoạn đầu tiên cho chính người khai lập đạo tuyên thuyết. Kì kết tập đầu tiên mang ý nghĩa xác định lời dạy nguyên thủy của đức Phật, vậy giá trị được nêu lên đối với hàng hậu tấn ở đây là tránh sự ngộ nhận về kinh điển, người tu hành thì không thể chấp thủ về bất cứ điều gì huống hồ là chấp vào kinh tạng, cho rằng kinh tạng Trung Hoa có giá trị hơn kinh tạng Nguyên thủy.
3.2. Duy trì mạng mạch của giáo lý Phật-đà
3.2.1. Thông qua việc làm trong sạch hóa tăng đoàn
Dẫu rằng giá trị chân chính của một tôn giáo nằm ở hệ thống giáo lý và giới luật, nhưng sức mạnh thật sự của hệ thống này chỉ có thể đo lường ngang qua tổ chức của nó mà thôi. Nói một cách dễ hiểu là chính đời sống tu hành của mỗi cá nhân và tập thể phản ánh sự hùng mạnh hay yếu kém của nó.
Bởi vậy mới nói rằng: “Phẩm chất của Tăng-già tùy thuộc vào phẩm chất của từng thành viên … Tăng-già mất phẩm chất thì không thể hiện được Phật pháp. Tăng già không còn thì Phật giáo bị mất đi vậy!”[16]
Chính vì thế nên vai trò của kỳ kiết tập lần ba là vô cùng to lớn khi đã giúp tăng đoàn Phật giáo trở lại sự trong sạch vốn có, nếu như không vậy thì tăng đoàn ngày nay cũng theo đó mà có sự vàng thau lẫn lộn, gây mất niềm tin nơi Phật tử, đạo Phật sẽ không thể tồn tại và phát triển trong điều kiện như thế.
3.2.2. Thông qua yếu tố giới luật
Tạng Luật được xem là cái neo vững chắc để bảo tồn con thuyền giáo hội trong những cơn phong ba bão táp của lịch sử. Chính vì lẽ ấy mà đức Phật đã dạy rằng: “Ta tuy vào Niết-bàn, phải xem giới như Phật, giới này ở đời lâu, Phật pháp đặng chói rạng, do vì cớ chói sáng, đặng vào quả Niết-bàn.”[17] Chính vì thế, giới là những qui tắc cần phải học, là hàng rào phân định hành vi thiện - ác, là kỷ cương của Phật pháp, là mạng sống của Tăng già.
Lại nữa, người tu hành giữ giới sẽ là tấm gương sáng cho hàng Phật tử tại gia noi theo, người ngoại đạo thấy vẻ uy nghi của kẻ tuân thủ giới luật sẽ sanh lòng cảm mến với đạo. Để rồi từ đó Phật giáo ngày càng được duy trì và phát triển vững mạnh. Vậy, khi trùng tuyên tạng luật qua kì kết tập lần thứ nhất có giá trị vô cùng to lớn để duy trì sự tồn tại và phát triển của Phật giáo.
3.2.3. Thông qua yếu tố truyền giáo
Truyền giáo là hoạt động tôn giáo quan trọng gắn với bất kỳ tổ chức tôn giáo nào. Phật giáo luôn xác định: “Phật tại nhân hoằng”,[18] muốn xiển dương, hoằng truyền giá trị Phật giáo đến với mọi người, xứ mệnh đầu tiên và quan trọng nhất đặt trọng trách lên hàng ngũ Tăng già. Đây là nhiệm vụ thiêng liêng đã được đức Phật khuyến khích từ lúc Phật giáo sơ khai,“…mỗi vị đi về một phương để hoằng hóa”.[19]
Sau kết tập lần ba đã “… phái những phái đoàn truyền giáo đến những đất nước khác nhau trên thế giới gieo rắc lời dạy của Phật”[20], sự kiện này trở thành một mốc son trong lịch sử Phật giáo, đánh dấu bước phát triển và mở mang của đạo Phật.
Để rồi, khi Hồi giáo xâm chiếm, tiêu hủy kinh tạng và tàn phá thánh tích tại Ấn Độ, thì kinh tạng vẫn còn được lưu giữ tại các quốc gia mà Phật giáo được truyền sang. Ấy vậy là nhờ truyền giáo mà đạo Phật đã trở thành tôn giáo mang tính toàn cầu.
3.2.4. Thông qua việc phân chia bộ phái
Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ là nền tảng của kỳ kết tập lần hai nhưng dưới quan điểm của một số học giả ngày nay, thì việc phân chia này đã mang đến cho Phật giáo một sự phát triển toàn diện có tính chất bổ xung cho nhau và nói lên tính chất lịch sử của yếu tố phát triển Phật giáo, tuy giáo lý được phân làm hai truyền thống: Truyền thống Nguyên thủy và truyền thống Phát triển.
Sử dụng từ ngữ Nguyên thủy và Phát triển nói lên tính xuyên suốt của cây đại thọ, giáo lý đạo Phật, mà phần gốc, rễ là Nguyên thủy; phần thân ngọn cành lá là Phát triển. Không một cây nào có thể gọi là cây khi không có gốc hay ngọn. Sự nhất quán trong hệ thống giáo lý phải được thiết lập và không ra ngoài hai hệ thống Nguyên thủy và Phát triển - cả hai bổ sung cho nhau. Những tư tưởng Phật giáo Phát triển đều phải mang tính kế thừa giáo lý Nguyên thủy, nếu không thì giáo lý Phát triển sẽ mất đi giá trị của nó.
Sự hình thành các bộ phái là do việc đáp ứng nhu cầu của thời đại, của căn cơ chúng sinh, yếu tố phát triển Phật giáo phải nằm trong sự đáp ứng của đạo Phật vào thời đại, nếu không thì đạo Phật sẽ không thể phát triển được.
3.2.5. Thông qua tính linh hoạt của việc vận dụng giới luật
Qua các kì kết tập kinh điển, thì yếu tố linh hoạt trong việc vận dụng kinh luật đã được đề cập, cụ thể như là Phật đã cẩn thận căn dặn: “Này các Tỳ kheo, tuy là những điều do Ta chế định, nhưng nếu không phù hợp với phong tục tập quán của địa phương đó, thì không nên áp dụng. Trái lại, có những điều không do Ta quy định, nhưng vốn là phong tục tập quán của địa phương ấy thì không thể không thi hành” [21]
Rồi đức Phật bổ túc: “Tỳ kheo khi làm việc nên đem đối chiếu với kinh, luật, nếu việc làm đó phù hợp với tinh thần của kinh, luật thì hãy làm. Ngược lại, nếu việc làm đó trái với tinh thần của kinh, luật, thì không nên làm”. [22]
Tóm lại, tinh thần của Phật giáo là “tùy duyên mà bất biến, bất biến mà vẫn tùy duyên”. Chúng ta có thể linh động áp dụng giới luật sao cho tốt nhất để đạt đến mục đích giải thoát, nhưng phải thận trọng trong việc đề xuất những quy định mới, và nhất là không nên tùy tiện sửa đổi giới luật của Phật.
Cái gì cứng thì không thể phát triển được, tôn giáo cũng cần phải linh hoạt, uyển chuyển cho phù hợp với thời đại thì nó mới có thể phát triển được. Và cái gì thuộc về lõi thì sẽ tồn tại lâu dài.
KẾT LUẬN
Là một tu sĩ Phật giáo hơn ai hết người viết nắm rất rõ sứ mệnh của mình là “Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”. Tức là hoằng truyền giáo điển của đức từ phụ Thích Ca Mâu Ni đến với toàn thể chúng hữu tình, làm sáng tỏ lời dạy của Ngài, giúp cho đàn hậu học cũng như hàng Phật tử tại gia nhận thức được giáo lý giác ngộ, ngõ hầu chuyển hóa tâm thức, kiến tạo một đời sống an lạc và hạnh phúc. Chính vì vậy mà dù đã trải qua mấy ngàn năm lịch sử đạo Phật vẫn còn tồn tại trên thế gian, chánh pháp vẫn rạng chiếu với nhiều sắc màu rực rỡ, đem lại lợi ích lớn lao cho tất cả chúng sanh muôn loài.
Thế nhưng, để có thể hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng và cao cả ấy, đòi hỏi mỗi người xuất gia phải hội đủ rất nhiều yếu tố: “Thiếu lòng từ mẫn, thiếu kinh nghiệm của học hỏi và tu tập Phật pháp thì dù có đầy đủ ý thức trách nhiệm đối với cư sĩ, các tu sĩ cũng không đóng được vai trò của mình, cũng không giữ được thiên chức thiêng liêng cao cả của mình.”[23]
Qua đó cho thấy rằng, trong thời đại mới, để trở thành những thế hệ tu sĩ kế thừa và tiếp nối xứng đáng những giá trị minh triết, truyền thống tốt đẹp của Phật giáo. Gánh trên vai sự nghiệp xây dựng đạo pháp xương minh, vì sự an bình, hạnh phúc của chúng sanh vạn loại, hàng ngũ Tăng già mà nhất là Tăng Ni trẻ cần có sự am hiểu nhất định về các kì kết tập kinh điển Phật giáo để rồi từ đó nhận chân ra những vai trò của nó đối với kinh tạng Phật giáo.
Bởi một lẽ, các kì kết tập kinh điển đã đem lại sự chính xác và hoàn chỉnh cho Tam tạng thánh điển, duy trì sự tồn tại và phát triển của Phật giáo. Lại còn, xác định lại lời dạy nguyên thủy của đức Phật giúp tránh được những ngộ nhận về kinh điển và có các phương tiện chuẩn xác làm nền tảng cho quá trình tu tập thông qua giáo hội Tăng già trong sạch và Tam tạng thánh điển phong phú, đa dạng và chuẩn xác.
Nếu không có các kì kết tập thì e rằng Phật giáo đã không thể tồn tại và phát triển cho tới ngày hôm nay. Thế mới nói, việc nghiên cứu sâu sắc các kì kết tập là nội dung không thể thiếu cho những ai muốn tìm hiểu đạo Phật trong quá trình hình thành và phát triển của nó.
Tác giả: Thích nữ Thông Diệu (Tôn nữ Thị Tường Vy) Học viên Cao học Khóa II chuyên ngành Văn học Phật giáo, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế
*** CHÚ THÍCH
[1] Wikipedia, Phật giáo theo quốc gia, https://short.com.vn/vGO1, (Ngày truy cập 12/03/2024)
[2] Phạm Kim Khánh (dịch) (2019), Đức Phật và Phật pháp, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 168.
[3] Thiền Chửu (2013), Hán Việt tự điển, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, tr. 515.
[4] Hạnh Cơ (2017), Lược giải những pháp số căn bản, Nxb Thuận Hóa, TP. Huế, tr. 94.
[5] Thích Nữ Huyền Châu (dịch), Tam tạng kinh điển, https://bit.ly/3Cu75B9 (Ngày truy cập 13/10/2022)
[6] Bách khoa toàn thư, Bộ kinh, https://bit.ly/3CSBIBz, (Ngày truy cập 13/10/2022)
[7] Thích Thiện Hoa (2011), Phật học phổ thông, Nxb Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, tr. 17.
[8] Thích Phước Sơn (2014), Phật học cơ bản, Nxb Hồng Đức, TP. Hồ Chí Minh, tr. 211-212.
[9] Thích Nhuận Thịnh (dịch và phụ chú) (2020), Lịch sử tư tưởng Phật giáo Ấn Độ, Nxb Hồng Đức, TP. Hồ Chí Minh, tr. 78.
[10] Theo M. Winternitz, cách đức Phật diệt độ 236 năm, Tôn giả Moggaliputta Tissa đã triệu tập 1.000 cao tăng khắp cõi Ấn Độ tập trung về Pātạliputra để kết tập kinh điển Phật giáo lần 3. Trong lần này, ngài soạn tập “Kathāvatthu”, một trong 7 bộ luận quan trọng, nội dung bác bỏ rất nhiều điều “dị giáo, tà pháp, trái ngược lời Phật dạy”. Bộ luận này cũng là kết quả sau kỳ kết tập thành tựu, hiện nay còn giá trị lịch sử và ứng dụng.
[11] Thích Kiên Tuệ (2017), giới thiệu tiếng Pali trong: “Kỉ niệm 20 năm thành lập Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế”, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế (chủ biên), Nxb Thuận Hóa, TP. Huế, tr. 127.
[12] Tôn giả Mahinda là đệ tử của ngài Moggaliputta Tissa; ngài Tisa Tôn giả này là đệ tử của ngài Siggava Mahathera; ngài Siggava là đệ tử của ngài Sonaka; Tôn giả này là đệ tử của ngài Dasaka; và tôn giả Dasaka là đệ tử của đại trưởng lão Upali (tụng đọc Luật tạng trong kỳ kết tập lần 1). Tôn giả Upali là đệ tử đức Phật Thích-ca (Gotama Buddha).
[13] Thích Trí Quang (2012), Tổng tập Pháp cú Bắc Tông, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, tr. 24.
[14] Thích Trí Tịnh (dịch, tái bản lần thứ sáu) (2021), Kinh Phạm Võng Bồ Tát giới, Nxb Tôn giáo, TP. Hồ Chí Minh, tr. 6.
[15] Thích Minh Thông (2015), Theo dấu chân xưa, Nxb Phương đông, TP. Hồ Chí Minh, tr. 9.
[16] Thích Chơn Thiện (2019), Tăng già thời đức Phật, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, tr. 62.
[17] Thích Thiện Chơn dịch (2011), Luật Tỳ-kheo Ni giới bổn, tái bản lần thứ ba, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 71.
[18] Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế (2019), Kỷ yếu hội thảo khoa học hoằng pháp hải ngoại “Sứ mệnh hoằng pháp trong xu hướng toàn cầu”, Nxb Thuận Hóa, TP. Huế, tr. 215.
[19] Thích Chơn Thiện (2018), Phật học khái luận, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh tr. 21.
[20] Thích Nguyên Hạnh (2013), Tôn giáo khái niệm và lịch sử, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tr. 153.
[21] Ngũ phần luật, Đại tạng kinh 1421, tr.153a.
[22] Tứ phần luật, Đại tạng kinh 1428, tr. 970a.
[23] Thích Chơn Thiện (2018), Phật học khái luận, tlđd số 18, tr. 505.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
A. SÁCH, GIÁO TRÌNH, TẠP CHÍ Thích Thiện Chơn dịch (2011), Luật Tỳ-kheo Ni giới bổn, tái bản lần thứ ba, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
Thiền Chửu (2013), Hán Việt tự điển, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
Hạnh Cơ (2017), Lược giải những pháp số căn bản, Nxb Thuận Hóa, TP. Huế.
Thích Nguyên Hạnh (2013), Tôn giáo khái niệm và lịch sử, Nxb Hồng Đức, Hà Nội.
Thích Thiện Hoa (2011), Phật học phổ thông, Nxb Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh.
Phạm Kim Khánh (dịch) (2019), Đức Phật và Phật pháp, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh.
Thích Trí Quang (2012), Tổng tập Pháp cú Bắc Tông, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.
Thích Phước Sơn (2014), Phật học cơ bản chương trình Phật học Hàm Trụ, Nxb Hồng Đức, TP. Hồ Chí Minh.
Thích Chơn Thiện (2018), Phật học khái luận, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.
Thích Chơn Thiện (2019), Tăng già thời đức Phật, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.
Thích Nhuận Thịnh (dịch và phụ chú) (2020), Lịch sử tư tưởng Phật giáo Ấn Độ, Nxb Hồng Đức, TP. Hồ Chí Minh.
Thích Minh Thông (2015), Theo dấu chân xưa, Nxb Phương đông, TP. Hồ Chí Minh.
Thích Trí Tịnh (dịch, tái bản lần thứ sáu) (2021), Kinh Phạm Võng Bồ Tát giới, Nxb Tôn giáo, TP. Hồ Chí Minh.
Thích Kiên Tuệ (2017), giới thiệu tiếng Pali trong: “Kỉ niệm 20 năm thành lập Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế”, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế (chủ biên), Nxb Thuận Hóa, TP. Huế.
Ngũ phần luật, Đại tạng kinh 1421, tr.153a.
Tứ phần luật, Đại tạng kinh 1428, tr. 970a.
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế (2019), Kỷ yếu hội thảo khoa học hoằng pháp hải ngoại “Sứ mệnh hoằng pháp trong xu hướng toàn cầu”, Nxb Thuận Hóa, TP. Huế.
B. TÀI LIỆU ĐIỆN TỬ 18. Thích Nữ Huyền Châu (dịch), Tam tạng kinh điển, https://bit.ly/3Cu75B9 (Ngày truy cập 13/10/2022) 19. Bách khoa toàn thư, Bộ kinh, https://bit.ly/3CSBIBz, (Ngày truy cập 13/10/2022) 20. Wikipedia, Phật giáo theo quốc gia, https://short.com.vn/vGO1, (Ngày truy cập 12/03/2024)