Vai trò giáo dục của gia đình trong xã hội hiện đại

Trong bất kỳ giai đoạn phát triển nào, nền tảng giáo dục của mỗi gia đình luôn là yếu tố tác động đến sự phát triển của xã hội. Do đó, quan tâm, coi trọng yếu tố gia đình là hướng đi đúng đắn cho việc tạo dựng một xã hội phát triển ổn định, bền vững.

Gia đình là “trường học đầu đời” giúp nuôi dưỡng, hình thành nhân cách con người. Theo dòng chảy lịch sử, người Việt Nam qua các thế hệ luôn xem gia đình là nền tảng quan trọng, tạo nên những phẩm chất tốt đẹp trong mỗi người. Chính từ nền nếp giáo dục của gia đình, những giá trị như lòng hiếu thảo, tôn sư trọng đạo, trân trọng truyền thống, sống nghĩa tình… được hình thành. Theo xu hướng phát triển của xã hội hiện đại, phương pháp giáo dục có những thay đổi phù hợp, do đó, cách thức giáo dục ở mỗi gia đình cũng dần được thay đổi. Có nhiều gia đình tiếp thu những phương pháp giáo dục cởi mở hơn với con trẻ, chỉ khuyên bảo, giải thích, để trẻ nhận thức được những điều đúng, sai và không áp dụng những quy chuẩn khắc khe để giáo dục. Tuy nhiên, cũng có không ít gia đình buông lỏng việc giáo dục con cái, ỷ lại, trông chờ vào sự giáo dục của nhà trường, xã hội.

Để nâng cao vai trò giáo dục của gia đình cần có sự kết hợp giữa các giá trị giáo dục gia đình truyền thống với những xu hướng giáo dục hiện đại, xây dựng những quy chuẩn mới cho giáo dục gia đình. Phụ huynh phải thường xuyên gần gũi tâm sự với con cái để giúp cha mẹ, con cái hiểu nhau hơn. Từ đó, dễ định hướng, giúp con kịp thời sửa chữa sai lầm, chấn chỉnh về nhận thức, hành động. Tuy nhiên, việc giáo dục con cái trong gia đình chỉ đạt được hiệu quả khi chính các bậc cha mẹ phải thật sự là những tấm gương sáng cho con noi theo.

Hoạt động tuyên dương, phát huy vai trò của gia đình trong xã hội đươc chú trọng thực hiện

Hoạt động tuyên dương, phát huy vai trò của gia đình trong xã hội đươc chú trọng thực hiện

Chị Lê Thanh Thùy (phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Trong điều kiện cuộc sống gia đình tất bật với “cơm áo gạo tiền”, việc theo sát, quan tâm giáo dục con cái đặt ra nhiều trăn trở. Chăm sóc, nuôi dạy con trưởng thành, nên người không chỉ gói gọn trong những việc như đầu tư cho con học hành, chăm lo cuộc sống đủ đầy, mà còn phải quan tâm giáo dục, rèn giũa về đạo đức, nhân cách, lối sống của con. Tuy nhiên, để có thể đồng hành, theo sát sự phát triển về thể chất, tinh thần, định hình lối sống, nhận thức tốt đẹp cho con cần sự nỗ lực lớn của bậc cha mẹ”.

Những năm gần đây, nhiều địa phương, cơ sở đã chủ động, sáng tạo nhiều hình thức chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng như tổ chức tuyên truyền, lắng nghe trẻ em nói, lồng ghép giáo dục cho thiếu nhi, học sinh về những giá trị tốt đẹp truyền thống và nét đẹp trong đời sống hiện đại. Đó là sự hỗ trợ cần thiết, giúp các gia đình thực hiện tốt hơn vai trò giáo dục của mình. Bên cạnh đó, các cấp, ngành còn phối hợp tổ chức tuyên dương những gia đình tiêu biểu, văn hóa, nhằm tôn vinh, đề cao giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam, khuyến khích phát huy vai trò “gia đình là tế bào của xã hội”. Các gia đình văn hóa tiêu biểu là những hạt nhân trong phong trào xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hòa thuận, tiến bộ, hạnh phúc. Đồng thời, là những nhân tố tích cực, quan trọng trong việc bảo vệ, giữ gìn các giá trị đạo đức, thuần phong mỹ tục, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Do đó, việc bình xét danh hiệu gia đình văn hóa tại các địa phương được tiến hành công khai, dân chủ, bám sát các tiêu chí.

Thái độ, lối sống của người lớn trong gia đình là yếu tố quan trọng hàng đầu để xây dựng nền tảng gia đình. Gia đình có ổn định, hạnh phúc mới có thể đảm bảo được chức năng giáo dục, do đó xây dựng văn hóa trong mỗi gia đình là yếu tố quan trọng. Hướng đến việc phát huy vai trò của gia đình trong đời sống hiện đại, Ban Chỉ đạo Công tác gia đình và phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" các địa phương chú trọng lãnh, chỉ đạo thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp trong công tác gia đình, góp phần giúp các gia đình giải quyết khó khăn, thách thức trong cuộc sống, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, thực hiện nếp sống văn minh, tăng cường bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phụng dưỡng người già, phòng, chống tệ nạn xã hội... Từ đó, đã xuất hiện nhiều gương người tốt, việc tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi con ăn học thành tài, gia đình “5 không, 3 sạch”, gia đình văn hóa, gia đình hiếu học...

Song song đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cũng được quan tâm phát triển theo chiều sâu, chất lượng, hiệu quả, thiết thực, hướng về địa bàn dân cư, với nhiều hoạt động phong phú, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp điều kiện của từng địa phương, gắn với các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Công tác giáo dục, tuyên truyền, cung cấp kiến thức, kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình với nhau và lối ứng xử với cộng đồng cũng được đẩy mạnh thực hiện thông qua các hoạt động tuyên truyền của các cấp, ngành, đơn vị liên quan…

MỸ LINH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/vai-tro-giao-duc-cua-gia-dinh-trong-xa-hoi-hien-dai-a411995.html
Zalo