Hành động quyết liệt để tạo chuyển biến với phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trong 3 năm qua, số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích có xu hướng giảm. Đặc biệt, số ca trẻ em tử vong do đuối nước có tỷ lệ giảm 3-5%, với mức giảm trung bình 100 em mỗi năm.
Điểm sáng tích cực trong phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em
Qua 11 tháng đầu năm 2024, cả nước có 485 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, trong đó có 402 trẻ em tử vong do đuối nước. Thống kê cho thấy, trong 3 năm qua, số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích giảm, đặc biệt tử vong đuối nước giảm từ 3-5%, trung bình giảm 100 em mỗi năm.
Đây là thông tin từ hội nghị về công tác trẻ em do Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tổ chức ngày 24/12, tại Hà Nội.
Báo cáo của Cục Trẻ em cho thấy, thời gian qua, công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em đã được tăng cường, có hơn 20 sản phẩm truyền thông mẫu về phòng chống đuối nước trẻ em được xây dựng, in và cấp phát 500 nghìn sản phẩm truyền thông cho các địa phương); 100% các tỉnh, thành phố triển khai dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn cho trẻ em 6-16 tuổi.
Thống kê cho thấy, trong 3 năm qua, số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích giảm, đặc biệt tử vong đuối nước giảm từ 3-5%, trung bình giảm 100 em mỗi năm.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước đối với trẻ em mầm non, học sinh; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ hướng dẫn kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên y tế cốt cán của các trường mầm non và những cấp học khác.
Đẩy mạnh truyền thông về an toàn trường học, phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước học sinh; tổ chức kiểm tra, giám sát về kết quả chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước tại các địa phương và cơ sở giáo dục; xây dựng Đề án “Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh giai đoạn 2025-2035”.
Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam nhấn mạnh, chủ đề xuyên suốt của năm 2024 là “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em” nhận được sự chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về trẻ em. Điều này thể hiện rõ trong các đợt cao điểm và toàn bộ các hoạt động về vận động chính sách, vận động xã hội - đó là ưu tiên nguồn lực cho trẻ em.
Với chủ đề đó, nhiều chuyên gia, các địa phương đã chia sẻ ý kiến và đưa ra những bài học, những sáng kiến, từ các bộ, ngành, địa phương để làm tốt hơn nữa quyền trẻ em và công tác bảo vệ trẻ em. Qua đó, bảo đảm về đích các mục tiêu về trẻ em trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.
Đặc biệt, Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em sẽ có đánh giá giữa kỳ năm 2025, xác định các mục tiêu, phương hướng, giải pháp, mô hình can thiệp đến năm 2030 chuẩn bị thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em, để chuẩn bị phát triển nguồn nhân lực, chuẩn bị cho kỷ nguyên vươn mình của đất nước và dân tộc Việt Nam.
Cục trưởng Đặng Hoa Nam cho hay, trong năm 2024, công tác chăm sóc trẻ em xuất hiện những điểm sáng tích cực. Tình hình xâm hại trẻ em có xu hướng giảm đặc biệt đối với những vụ việc nghiêm trọng, tuy nhiên, vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp xuất hiện các hành vi xâm hại khó lường luôn tiềm ẩn các nguy cơ. Việc gia tăng biến đổi khí hậu thiên tai, đặc biệt là cơn bão số 3 (Bão Yagi) đã tác động cực kỳ nghiêm trọng đến một số tỉnh, đặc biệt là tác động đến việc bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em, môi trường sống có những yếu tố thiếu an toàn cho trẻ em.
Tình hình tai nạn thương tích trẻ em tuy có xu hướng giảm nhưng Việt Nam vẫn là một trong những nước có tỷ lệ tai nạn thương tích trẻ em và đặc biệt là đuối nước trẻ em cao...
Theo thống kê, hiện nay, ước tính dân số trẻ em là hơn 25 triệu trẻ em, chiếm tỷ lệ hơn 25,5% trên tổng dân số. Trong số này, có hơn 1,7 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chiếm tỷ lệ 6,7% trên tổng dân số trẻ em). Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em ước đạt 65%, vượt chỉ tiêu được giao tại Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em.
Xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện cho trẻ em
Có thể nói, công tác bảo đảm an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích, phòng chống đuối nước trẻ em trong thời gian qua được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban quốc gia về trẻ em quan tâm, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo. Cùng với đó là sự quan tâm vào cuộc và hành động có trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, gia đình và cộng đồng, số vụ việc trẻ em bị tử vong do tai nạn đuối nước đã có xu hướng giảm.
Việc tạo lập môi trường sống an toàn để phòng ngừa tử vong do đuối nước trở thành nhiệm vụ cấp bách của các cơ quan, tổ chức, các cấp chính quyền và người đứng đầu; được xã hội quan tâm giám sát, đánh giá.
Với mục tiêu tạo môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho mọi trẻ em để thực hiện ngày càng tốt hơn quyền trẻ em, Cục Trẻ em cho rằng, cần tiếp tục chủ động giải quyết các vấn đề về trẻ em và phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ gây tổn hại và tử vong cho trẻ em. Tăng cường thúc đẩy các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc phát triển toàn diện theo độ tuổi, góp phần phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia.
Giảm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; kiểm soát và giảm số lượng trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị tai nạn, thương tích trên tất cả loại hình tai nạn, thương tích, nhất là đuối nước, tai nạn giao thông. Bảo đảm việc hỗ trợ, can thiệp kịp thời đối với trẻ em có nguy cơ bị xâm hại và trẻ em bị xâm hại; bảo đảm tính mạng và sức khỏe của trẻ em.
Xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện cho trẻ em; xây dựng xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em. Tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật, kỹ năng về thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là đuối nước, bảo đảm thực hiện quyền tham gia của trẻ em theo hướng đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức; chú trọng truyền thông trực tiếp tại cộng đồng và truyền thông trên môi trường mạng (ưu tiên tại các huyện nghèo, xã nghèo, đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số) nhằm bảo đảm các thông tin tuyên truyền, đặc biệt là các dịch vụ bảo vệ trẻ em, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) và các địa chỉ tiếp nhận, giải quyết vụ việc vi phạm quyền trẻ em đến từng đối tượng, gia đình, cộng đồng dân cư.
Bố trí ngân sách để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em, đặc biệt về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại, tai nạn, thương tích trẻ em. Tăng cường vận động nguồn lực xã hội để góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em.
Khuyến khích, huy động tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, xã hội tham gia, phối hợp thực hiện tốt các chính sách, mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp, mô hình, cung cấp dịch vụ chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; thực hiện chương trình làm cha mẹ trong chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em, nhân rộng phạm vi toàn quốc; hỗ trợ trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em vùng kinh tế xã hội khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo….