Vai trò của trái tim với sức khỏe tâm thần

Chúng ta đều biết rằng bộ não ảnh hưởng đến trái tim.

Ý thức đến từ sự kết hợp giữa trái tim và khối óc.

Ý thức đến từ sự kết hợp giữa trái tim và khối óc.

Những suy nghĩ căng thẳng hoặc sự cố bất ngờ có thể khiến tim đập thình thịch, thậm chí gây nên cơn đau tim. Nhưng trái tim không thụ động đón nhận tín hiệu từ não mà nó thường xuyên phản hồi.

Tín hiệu từ trái tim

Não đóng vai trò quan trọng trong sức khỏe tâm thần vì các dây thần kinh não kiểm soát tâm trí, cảm xúc... Tuy nhiên, các nhà khoa học phát hiện ra rằng thông tin từ trái tim cũng có thể điều khiển não bộ và hành vi của con người.

Năm 2019, TS Tallon-Baudry và các đồng nghiệp đã công bố một báo cáo về sự liên kết của tế bào thần kinh và các cơ quan trong cơ thể con người trên tạp chí Khoa học thần kinh. Theo đó, sự liên kết của các tế bào trong não tạo nên sự kiểm soát đối với trái tim. Ở một số vùng của não, hơn một trong 3 tế bào thần kinh ảnh hưởng đến nhịp tim.

Mỗi nhịp tim đóng vai trò như một tín hiệu nhỏ gửi đến não. Nó giống như việc chúng ta nhìn thấy quả táo hay nghe thấy âm thanh nhưng những tín hiệu từ tim truyền từ bên trong cơ thể.

Não cũng cảm nhận được những tín hiệu bên trong này. Mỗi nhịp tim tạo ra một phản ứng thần kinh đáng tin cậy và có thể đo lường được nên các nhà khoa học gọi là phản ứng do nhịp tim gợi lên, hay HER.

Mặc dù, trái tim truyền tín hiệu đến não và tạo ra những nhịp đập thần kinh từ bên trong nhưng nó có thể ảnh hưởng đến những gì con người nhìn thấy ở thế giới bên ngoài. Đơn cử, tín hiệu từ tim giúp thị lực trở nên sắc nét hơn.

Trong thí nghiệm nhìn bằng nhịp tim, tình nguyện viên được yêu cầu nhìn vào một vòng tròn màu xám mờ. Khi các nhà khoa học tạo kích thích lên nhịp tim của các tình nguyện viên, não phản ứng ngay lập tức với hành động này và tất cả người tham gia đều nhìn thấy vòng tròn màu xám rõ hơn so với ban đầu.

Các tín hiệu từ tim cũng đóng vai trò quan trọng vào việc ghi nhớ. Trong một thí nghiệm khác, tình nguyện viên được xem những đoạn chữ ngắn trên màn hình. Khi một từ xuất hiện vào đúng lúc trái tim đang co bóp mạnh, họ có nhiều khả năng quên từ này trong các bài kiểm tra trí nhớ sau này.

Có những giả thuyết cho rằng trái tim có thể ảnh hưởng đến trực giác, việc ra quyết định và cảm xúc. Đơn cử, những người có khả năng cảm nhận nhịp tim tốt hơn sẽ phản ứng mạnh mẽ hơn với những hình ảnh giàu cảm xúc so với những người cảm nhận nhịp tim kém hơn.

Những kết quả trên cho thấy nhiều khả năng, bộ não đang tiếp nhận và sử dụng thông tin từ trái tim để giúp con người hiểu về thế giới.

Trái tim có thể điều khiển não bộ và hành vi của con người.

Trái tim có thể điều khiển não bộ và hành vi của con người.

Vai trò trong sức khỏe tâm thần

Sức khỏe tâm thần và sức khỏe tim mạch luôn có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy sức khỏe tâm thần có liên quan đến các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim.

Từ góc độ bên ngoài, những người mắc bệnh về sức khỏe tâm thần có xu hướng ăn uống không lành mạnh, thiếu tập thể dục, hút thuốc, uống rượu... Những hành vi này gây ảnh hưởng đến hoạt động của tim cùng nhiều cơ quan khác trong cơ thể.

Nhưng từ bên trong, vấn đề tâm thần cũng tác động không nhỏ lên sức khỏe tim mạch. Trầm cảm và lo lắng trong thời gian dài có thể làm tăng nhịp tim, huyết áp và thay đổi một số

hormone như cortisol. Theo thời gian, những tác động này khiến canxi tích tụ trong động mạch vành, động mạch cung cấp máu cho tim, dẫn đến bệnh chuyển hóa và bệnh tim như đau tim, suy tim...

Ngoài ra, một số loại thuốc dùng để điều trị rối loạn sức khỏe tâm thần, đặc biệt là thuốc ngăn ngừa rối loạn tâm thần, có thể gây ra tác dụng phụ như béo phì, tiểu đường, đau tim, rung tâm nhĩ.

Tuy nhiên, việc tìm hiểu sự liên kết giữa não bộ và trái tim có thể tạo ra bước tiến mới trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần. GS Garfinkel, Đại học College

London, cho biết, từ liên kết giữa trái tim và não bộ, con người sẽ mở rộng nghiên cứu về cách giao tiếp giữa cơ thể và não bộ, từ đó, tìm cách điều trị các rối loạn tâm thần như lo lắng...

Chúng ta biết rằng khi con người lo lắng, hoảng sợ, trái tim sẽ đập nhanh hơn. Nhưng khi nhận ra trái tim có thể truyền tín hiệu đến não bộ, GS Garfinkel đã làm thí nghiệm huấn luyện người cảm nhận nhịp tim.

Những tình nguyện viên mắc chứng tự kỷ cho biết sau khóa huấn luyện, họ có khả năng lắng nghe nhịp tim tốt hơn và ít lo lắng hơn. Những tình nguyện viên khác cũng giảm bớt căng thẳng, lo lắng sau thí nghiệm.

Theo GS Garfinkel, không rõ tại sao thí nghiệm này lại cho ra kết quả tích cực nhưng mối liên hệ mới giữa trái tim và bộ não có thể chỉ ra những cách giải quyết tình trạng lo âu. So với bộ não, cơ thể dễ dàng thay đổi hơn và những thay đổi từ trái tim có thể cải thiện tình hình thần kinh của con người.

Các tín hiệu tiếp nhận không chỉ từ tim mà còn từ phổi, dạ dày, cơ, da... có thể tạo ra ý thức về bản thân của một người. Đó là cái “tôi” của họ, danh tính của họ như một thực thể có ý thức, nhận thức có quan điểm.

Nghiên cứu trên đã nâng cao ý tưởng rằng ý thức về bản thân phụ thuộc vào các tín hiệu bên trong cơ thể. Ý thức đến từ sự kết hợp giữa trái tim và khối óc, giữa thế giới bên ngoài và thế giới bên trong. Nhiệm vụ của loài người là tiếp tục khám phá và tìm ra sự kết hợp đó, dù nó có bí ẩn đến mức nào.

Theo Science

Nguyễn Minh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/vai-tro-cua-trai-tim-voi-suc-khoe-tam-than-post689178.html
Zalo