Vai trò của khuyến nông cộng đồng trong phát triển tam nông

Long An là 1 trong 13 tỉnh, thành phố trên cả nước tham gia Đề án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình Tổ khuyến nông cộng đồng (KNCĐ).

Những năm qua, các tổ KNCĐ trên địa bàn tỉnh đóng góp tích cực trong việc phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, trở thành “cầu nối” giữa Nhà nước, cơ quan nghiên cứu khoa học với nông dân và thị trường.

Từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động

Thông tin từ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh, đến nay, toàn tỉnh thành lập được 159 tổ KNCĐ với 1.524 thành viên.

Thành viên các tổ KNCĐ hiện nay phần lớn là cán bộ khuyến nông cấp huyện, xã, các đoàn thể; hoạt động chính tập trung công tác tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho nông dân, hỗ trợ hợp tác xã, hoạt động liên kết chuỗi, liên kết tiêu thụ còn gặp nhiều khó khăn,...

Tháng 8/2022, tỉnh thành lập 2 tổ KNCĐ thí điểm. Hai tổ KNCĐ này được trang bị nhiều kiến thức như về chuỗi giá trị, cách quảng bá và nâng cao thương hiệu sản phẩm,... chủ động nắm bắt nhu cầu của người dân, đề xuất và xây dựng kế hoạch tập huấn phù hợp.

Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh đã mời thành viên các tổ KNCĐ, nông dân vùng nguyên liệu tham dự các diễn đàn khuyến nông tại tỉnh Hậu Giang, Đồng Tháp; tham quan mô hình trồng mít và học tập kinh nghiệm tổ KNCĐ tại huyện Tân Phước (tỉnh Tiền Giang), tham gia hội thảo về giải pháp sử dụng phân bón tiết kiệm, an toàn, chất lượng trên cây ăn trái; tập huấn ToT về tổ chức cho nông dân học tập kinh nghiệm trồng sâu riêng tại tỉnh Bến Tre;...

Đoàn HĐND tỉnh tham quan mô hình trồng sầu riêng tại xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh

Đoàn HĐND tỉnh tham quan mô hình trồng sầu riêng tại xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh

Các tổ KNCĐ đã tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân đề xuất ngành Nông nghiệp địa phương và tỉnh cấp mã số vùng trồng trên cây sầu riêng và cây mít; tham gia, thực hiện các hoạt động tuyên truyền để hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn, củng cố hoạt động hợp tác xã; tham gia thực hiện Dự án của Khuyến nông Trung ương “Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả theo VietGAP phục vụ phát triển vùng nguyên liệu gắn với liên kết tiêu thụ tại Đồng bằng sông Cửu Long” và Đề án Vùng nguyên liệu tại huyện Tân Thạnh từ năm 2022 đến nay,...

Các tổ KNCĐ góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các hoạt động hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Qua đó, nâng cao kiến thức cho nông dân để áp dụng vào thực tế sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống nông dân.

Các tổ KNCĐ còn đóng góp tích cực vào Đề án Vùng nguyên liệu cây ăn trái của tỉnh, chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng nông thôn mới và sắp tới là Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu hécta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030".

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh - Dương Văn Tuấn cho biết: "Thời gian tới, Trung tâm sẽ phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho các tổ KNCĐ. Ngoài ra, Trung tâm phối hợp các địa phương rà soát, thành lập mới, củng cố các tổ KNCĐ hoạt động kém hiệu quả. Trung tâm tổ chức hoạt động tham quan, học tập kinh nghiệm các địa phương có tổ KNCĐ hoạt động hiệu quả; tổ chức các buổi tọa đàm, hội nghị nhằm đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động KNCĐ trong thời gian tới, nhất là tham gia xây dựng nông thôn mới và Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030".

“Cầu nối” tin cậy của nông dân

Tổ KNCĐ xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh được thành lập năm 2022 và là 1 trong 2 tổ KNCĐ điểm của tỉnh. Ngay từ những ngày đầu, tổ đã triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững.

Một trong những thành công đáng kể là hỗ trợ nông dân địa phương thành lập 2 mã số vùng trồng trên cây sầu riêng đầu tiên của tỉnh. Đến nay, tổ đã phát triển thêm 1 mã số vùng trồng, giúp mở rộng diện tích trồng sầu riêng, mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân. Ngoài sầu riêng, tổ KNCĐ còn hỗ trợ quy trình trồng mít VietGAP với tổng diện tích lên đến 60ha, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản của địa phương.

Ông Nguyễn Văn Dẹo (ấp Bằng Lăng, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh) đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang mít sau nhiều vụ lúa không đạt năng suất như mong đợi. Hiện tại, ông đã gắn bó với cây mít được 6 năm.

Nhờ sự hỗ trợ tích cực từ tổ KNCĐ tại địa phương, ông không chỉ nắm vững kỹ thuật trồng mà còn biết cách chăm sóc cây mít theo hướng mang lại năng suất cao. Đến nay, vườn mít 1ha của ông có 1.100 gốc mít và được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm chất lượng và mang lại hiệu quả kinh tế.

Hỗ trợ phân bón hữu cơ cho mô hình trồng mít theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh. Năm 2024, hỗ trợ 20ha với 60 tấn phân bón hữu cơ, nông dân được hỗ trợ 50% tiền phân bón

“Khi mới bắt đầu trồng mít, tôi còn nhiều bỡ ngỡ vì thiếu kiến thức và kinh nghiệm. Nhờ tổ KNCĐ, tôi được hỗ trợ về kiến thức chăm sóc và áp dụng công nghệ, khoa học - kỹ thuật vào trồng mít,... Ngoài ra, tôi còn được tạo điều kiện đi tập huấn, dự hội thảo, học tập kinh nghiệm,... về kiến thức nông nghiệp. Giờ đây, vườn mít của tôi không chỉ đạt năng suất cao mà còn bảo đảm an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường” - ông Dẹo nói.

Còn tại huyện Thạnh Hóa, Câu lạc bộ (CLB) Canh tác sầu riêng thông minh xã Tân Hiệp thành lập và hoạt động từ tháng 6/2024. CLB thành lập nhằm tạo điều kiện để người trồng sầu riêng tại địa phương được tiếp cận, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất sầu riêng đạt hiệu quả, nâng cao chất lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hiện nay, CLB do ông Nguyễn Văn Sáu (ấp 4, xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa) làm chủ nhiệm. Ông cũng là một trong những nông dân năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn thử sức trồng sầu riêng trên đất lúa. Năm 2018, ông mạnh dạn chuyển sang trồng 250 gốc sầu riêng và là một trong những người đầu tiên của xã Tân Hiệp trồng loại cây này. Ban đầu, ông đến tận huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre để mua giống cây, còn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mua ở tỉnh Tiền Giang.

Trong các buổi sinh hoạt, ông Nguyễn Văn Sáu (ấp 4, xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa) thường chia sẻ kinh nghiệm thực tế của mình cho các hộ dân trồng sầu riêng khác

Trong các buổi sinh hoạt, ông Nguyễn Văn Sáu (ấp 4, xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa) thường chia sẻ kinh nghiệm thực tế của mình cho các hộ dân trồng sầu riêng khác

Theo ông Sáu, chi phí đầu tư trồng sầu riêng rất lớn. Dù “lấy công làm lời” thì từ những ngày đầu trồng cho đến khi thu hoạch, vụ đầu tiên cũng khoảng 5-6 triệu đồng/cây.

Trồng giống cây mới nên ông tìm tòi, học hỏi thêm kinh nghiệm. Ông cùng nhóm bạn tự tổ chức đi tham quan, học hỏi mô hình trồng sầu riêng hiệu quả tại huyện Phong Điền (TP.Cần Thơ), tích cực ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từng bước hoàn thiện quy trình canh tác, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng, sau 5 năm, vườn sầu riêng của ông Sáu đã phát triển với 800 cây.

Ông Sáu nói: “Theo tôi, muốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả cần 3 yếu tố quan trọng: Đầu tiên, thổ nhưỡng phải phù hợp với loại cây; thứ hai, kinh tế gia đình phải ổn định trong thời gian chờ thu hoạch vì trồng cây ăn trái rất lâu mới thu hoạch, ví dụ sầu riêng là 4-5 năm; thứ ba chính là sự đam mê của bản thân với cây trồng”.

Hiện nay, CLB có 31 thành viên với 89ha sầu riêng. Theo ông Nguyễn Văn Sáu, từ khi thành lập đến nay, CLB được Tổ KNCĐ xã Tân Hiệp hỗ trợ rất nhiệt tình, tổ chức các hoạt động hội thảo, tập huấn; đồng thời, mời chuyên gia, cán bộ kỹ thuật hỗ trợ, giúp nông dân trồng sầu riêng ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào thực tế sản xuất để mang lại hiệu quả cao. Ngoài ra, CLB cũng tổ chức sinh hoạt định kỳ mỗi tháng một lần nhằm tạo điều kiện giao lưu, thông tin, chia sẻ kinh nghiệm giữa các thành viên.

Các tổ KNCĐ góp phần thúc đẩy sự đổi mới và phát triển bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây không chỉ là giải pháp phát triển kinh tế mà còn là nền tảng quan trọng để nâng cao đời sống nông dân, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, xanh và bền vững./.

Minh An

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/vai-tro-cua-khuyen-nong-cong-dong-trong-phat-trien-tam-nong-a186135.html
Zalo