Vai trò của hợp tác xã trong phát triển kinh tế nông thôn
Tại huyện Đức Linh, kinh tế tập thể với nòng cốt là hợp tác xã (HTX) đã kết nối các thành viên tự nguyện góp vốn và tư liệu sản xuất, cùng hợp tác kinh doanh. Mô hình này góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, và thúc đẩy phát triển nông thôn bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Hiệu quả từ chuỗi liên kết sản xuất từ các HTX
Xác định kinh tế tập thể, HTX là thành phần kinh tế quan trọng cùng với thành phần kinh tế Nhà nước và dần trở thành nền tảng trong phát triển kinh tế địa phương. UBND huyện Đức Linh luôn coi trọng vai trò của HTX trong phát triển nông nghiệp, là đơn vị trung gian kết nối người nông dân với các công ty, doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trong quá trình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nhiều HTX nông nghiệp hình thành các mô hình sản xuất, kinh doanh mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đơn cử HTX Nông nghiệp Công Thành ở xã Nam Chính là mô hình HTX tiêu biểu trong việc liên kết sản xuất và tiêu thụ. HTX thành lập với sự tham gia của 8 thành viên, vốn điều lệ ban đầu là 1 tỷ đồng. HTX chuyên sản xuất và bao tiêu sản phẩm lúa - nếp, thực hiện nhiều khâu liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, từ dịch vụ làm đất, gieo sạ, cung ứng giống, vật tư nông nghiệp đến bao tiêu sản phẩm. HTX chủ động tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, tránh độc quyền trong sản xuất kinh doanh. Đáng chú ý, HTX đã ký kết hợp đồng sản xuất và thu mua với nông dân trong và ngoài huyện, cung cấp sản phẩm lúa cho Công ty TNHH MTV Công Thành Út Hạnh, Long An không chỉ mang lại lợi nhuận cho HTX mà còn giúp nâng cao thu nhập cho các thành viên và nông dân địa phương. Không dừng lại ở việc liên kết sản xuất, HTX Công Thành đã xây dựng thương hiệu “Lúa - Nếp Cô Duyên,” góp phần vào sự phát triển bền vững và ổn định trong tương lai.
Hợp tác xã Rau an toàn Tiến Phát, xã Vũ Hòa dù thành lập chưa lâu so với các HTX của huyện Đức Linh nhưng đã nhanh chóng nắm bắt nhu cầu thị trường về rau an toàn. Nhờ vào sự nhạy bén và năng động của giám đốc trẻ, một cán bộ nữ nhiệt huyết. Nắm bắt được xu hướng thị trường ngày càng ưa chuộng rau sạch và an toàn, HTX đã tiên phong đầu tư vào nhà màng, khay trồng rau, và hệ thống tưới tự động trên diện tích khoảng 3.100 m², đảm bảo cung ứng sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu các thị trường tiềm năng và khó tính. Nhờ ưu thế vượt trội như mềm, an toàn, giàu dinh dưỡng, sản phẩm rau của HTX rất được thị trường đón nhận. Để nâng cao giá trị và tăng sức cạnh tranh, năm 2020, giám đốc HTX đã mạnh dạn đưa sản phẩm "rau ăn lá" tham gia Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) và đạt danh hiệu 3 sao cấp tỉnh…
Ông Huỳnh Văn Tỉnh - Chủ tịch UBND huyện Đức Linh cho hay: “Từ khi Luật HTX 2012 ra đời, qua công tác chỉ đạo, lãnh đạo của UBND huyện và sự nỗ lực cố gắng của các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn đã làm tốt công tác tuyên truyền vận động người dân, các sáng lập viên tham gia thành lập HTX. Nhận thức của cán bộ và nhân dân về mô hình HTX kiểu mới được nâng cao, cùng với sự hỗ trợ, đầu tư từ các chương trình, dự án, các HTX đã dần quan tâm, chú trọng thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất của HTX cũng như tăng thu nhập cho người dân".
Nổi bật như liên kết lúa chất lượng cao tại địa phương, trong vụ đông xuân 2023 - 2024, HTX Công Thành Đức Linh và HTX nông nghiệp DVTM Thành Thành Công đã liên kết với nông dân các xã Đức Tài, Nam Chính, Đa Kai và Sùng Nhơn để trồng tổng cộng 1.150 ha lúa chất lượng cao. Cụ thể, HTX Công Thành Đức Linh đảm nhận 800 ha và HTX Thành Thành Công 350 ha. Kết quả đạt năng suất từ 70 - 75 tạ/ha, với giá bán 7.600 đồng/kg, mang lại doanh thu từ 55 - 57 triệu đồng/ha. Tổng cộng, trong vụ đông xuân 2023 - 2024, đã có 982 ha lúa chất lượng cao được sản xuất, bao gồm 300 ha ở Đa Kai, 232 ha ở Đức Tài, 400 ha ở Nam Chính và 50 ha ở Sùng Nhơn. Doanh thu từ các diện tích này tiếp tục duy trì mức 55 - 57 triệu đồng/ha đã khẳng định cho hiệu quả và tiềm năng của mô hình liên kết sản xuất.
Góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao
HTX hoạt động hiệu quả và có liên kết chuỗi giá trị ổn định là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. Xác định rõ vai trò của tiêu chí này, huyện Đức Linh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đổi mới phương thức sản xuất, khuyến khích nông dân tham gia HTX, qua đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của các HTX, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn.
Thực tiễn cho thấy, kinh tế hợp tác, đặc biệt là các HTX nông nghiệp, nếu phát triển đúng hướng, sẽ trở thành động lực mạnh mẽ trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Các HTX nông nghiệp trên địa bàn đã thể hiện vai trò tích cực trong việc tập hợp nông dân, thay đổi tư duy sản xuất, ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật và liên kết sản xuất, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản. Bên cạnh đó, huyện Đức Linh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng giám sát và hỗ trợ hoạt động của các HTX, tuân thủ đúng quy định của Luật HTX 2012. Theo kế hoạch phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2021-2030, huyện đã thành lập mới 1 HTX trong năm 2021 và 2 HTX, 3 tổ hợp tác, chuyển đổi 1 HTX trong năm 2022. Đến tháng 6/2023 toàn huyện có 23 hợp tác xã (HTX), gồm 20 HTX nông nghiệp và nông thôn, 2 HTX vận tải ô tô, và 1 HTX môi trường, với tổng vốn điều lệ 49,95 tỷ đồng. Cùng với đó, 39 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và ngành nghề nông thôn cũng được duy trì, đóng góp tích cực vào các hoạt động sản xuất và tiêu thụ nông sản. Những HTX này góp phần nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập bình quân đầu người và cải thiện diện mạo nông thôn. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đến nay giảm còn 2,23% và tỷ lệ hộ cận nghèo là 2,49%, đánh dấu bước tiến quan trọng trong xây dựng nông thôn mới và phát triển bền vững khu vực nông thôn của huyện Đức Linh.
Kinh tế tập thể khẳng định vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương, không chỉ huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội vào sản xuất kinh doanh mà còn tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân. Đây cũng yếu tố then chốt trong việc hoàn hoàn thành tiêu chí số 13 - về Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương.