Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn giải trình đề xuất tăng lương, giảm tuổi nghỉ hưu nhà giáo

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu nêu liên quan chính sách tiền lương, giảm tuổi nghỉ hưu giáo viên trong dự luật Nhà giáo.

Trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội về tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận tổ, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Đảng và Nhà nước xác định giáo viên là yếu tố quan trọng, nền tảng, cốt lõi nhất quyết định chất lượng giáo dục. Vì vậy, phát triển lực lượng đủ về số lượng, tốt về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu là việc sống còn của ngành Giáo dục.

"Nếu phát triển giáo dục và đào tạo cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao là khâu đột phá chiến lược để phát triển đất nước thì phát triển đội ngũ nhà giáo là khâu đột phá trong đột phá chiến lược ấy", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn. (Ảnh: Quochoi.vn)

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn. (Ảnh: Quochoi.vn)

Tăng phụ cấp nhà giáo

Liên quan đến chính sách tiền lương và phụ cấp nhà giáo trong dự luật, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, quan điểm "lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm chế độ phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng" đã được khẳng định qua nhiều nghị quyết, kết luận của Đảng.

Để thể chế hóa thành các chính sách cụ thể, cơ quan soạn thảo dự kiến quy định: Nhà giáo được xếp lương theo thang bậc lương hành chính sự nghiệp và được hưởng thêm phụ cấp lương cơ bản tương ứng với chức danh từ mức 1 đến 1,8.

Bảng lương của nhà giáo được sắp xếp lại để bảo đảm tương quan với công chức và với viên chức các ngành khác.

Phụ cấp ưu đãi của nhà giáo dự kiến điều chỉnh đối với cấp mầm non (tăng thêm 10%) và tiểu học (tăng thêm 5%).

Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; bổ sung đối tượng hưởng phụ cấp lưu động gồm nhà giáo dạy liên trường. Các nội dung này được thể hiện tại dự thảo nghị định quy định về chính sách tiền lương, phụ cấp, chính sách thu hút, hỗ trợ đối với nhà giáo và đã được đánh giá tác động.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ cơ quan soạn thảo không đề xuất bảng lương riêng với nhà giáo mà sử dụng "thang bậc lương hành chính sự nghiệp" chung như hiện nay. Đồng thời điều chỉnh các phụ cấp, các quy định xếp lương để bảo đảm thực hiện đúng chủ trương của Đảng và hoàn toàn phù hợp với ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ: "Quy định về tiền lương và phụ cấp tại dự Luật Nhà giáo phù hợp với tinh thần của các nghị quyết, kết luận và cần thiết phải được cụ thể hóa theo chỉ đạo mới nhất của Bộ Chính trị tại kết luận 91".

Cơ quan soạn thảo so sánh giáo viên phổ thông hạng III - II - I áp dụng bảng lương của viên chức loại A1 (2,34) - A2.2 (4,0) - A3.2 (5,75); trong khi công chức ngạch viên - chính - cao áp dụng bảng lương của công chức loại A1 (2,34) - A2.1 (4,4) - A3.1 (6,2).

Hoặc chức danh y tế công cộng hạng III - II - I được áp dụng bảng lương của công chức loại A1 (2,34) - A2.1 (4,4) - A3.1 (6,2).

Trao quyền tuyển dụng, điều động giáo viên cho ngành Giáo dục

Một trong những nội dung quan trong trong dự luật Nhà giáo lần này là vấn đề trao quyền tuyển dụng, điều động giáo viên cho ngành Giáo dục.

Theo đề xuất Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (phụ trách đào tạo nghề) là cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển và tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý.

Hai Bộ này cũng sẽ được ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển dụng; điều phối biên chế giáo viên trong các trường công lập.

Các cơ quan quản lý giáo dục chủ trì, hoặc phân cấp cho trường tuyển dụng, điều động, bố trí, đánh giá, bổ nhiệm. Phương thức tuyển dụng gồm xét tuyển hoặc thi tuyển, bắt buộc có phần thực hành sư phạm.

Giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm

Báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng nêu rõ kể từ khi độ tuổi nghỉ hưu được tăng lên 62 với nam và 60 với nữ theo Bộ luật Lao động, giáo viên mầm non có rất nhiều tâm tư.

Việc giảm độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non cũng đã được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và nêu ý kiến tại nghị trường, đồng thời nhận được sự đồng thuận cao của xã hội.

Luật Nhà giáo quy định nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng thì có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định và không bị trừ tỉ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi. Các đối tượng nhà giáo khác sẽ tiếp tục được xem xét, nghiên cứu và đề xuất nếu có đủ căn cứ.

Hà Cường

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/bo-truong-nguyen-kim-son-giai-trinh-de-xuat-tang-luong-giam-tuoi-nghi-huu-nha-giao-ar908425.html
Zalo