Vai trò của Giáo hoàng Francis trong thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Vatican

Với chỉ dẫn của Giáo hoàng Francis, Cộng đồng Công giáo Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Vatican từ Đặc phái viên không thường trú lên Đại diện thường trú.

Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trên thế giới và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế của Đảng Cộng sản Việt Nam, trên tinh thần đó, Việt Nam coi trọng và sẵn sàng thúc đẩy quan hệ với Tòa thánh Vatican trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, đóng góp tích cực cho hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới.

Bài viết dưới đây giới thiệu khái lược về tiến trình quan hệ Việt Nam - Vatican:

Tiến trình quan hệ Việt Nam - Vatican

Ngày 2/9/1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, trở thành nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Việt Nam là quốc gia có độc lập, chủ quyền, được nhiều quốc gia trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao. Rất nhanh sau đó, Việt Nam đã trở thành thành viên của nhiều tổ chức quốc tế.

Trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, trong đó có Giáo hội Công giáo và quan hệ giữa Giáo hội Công giáo và Tòa thánh Vatican, đã được nêu trong Sắc lệnh 234/SL ngày 14/6/1955 của Chủ tịch nước: “Riêng về Công giáo, quan hệ về tôn giáo giữa Giáo hội Việt Nam với Tòa thánh La Mã là vấn đề nội bộ của Công giáo”.

Tuy chưa có quan hệ về mặt Nhà nước, nhưng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước chính nghĩa của nhân dân ta, Tòa thánh Vatican đã có cuộc tiếp xúc với Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam và Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Ngày 14/2/1973, Giáo hoàng Phaolo VI tiếp chính thức Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy. Trong buổi tiếp, Giáo hoàng Phaolo VI đã ca ngợi chương trình hòa giải và hòa hợp dân tộc của Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam.

Sau chiến thắng 30/4/1975, đất nước Việt Nam hoàn toàn thống nhất, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoàn toàn độc lập. Cũng trong thời gian này, Khâm sứ Tòa thánh đã rời khỏi Việt Nam.

Giữa Chính phủ Việt Nam và Tòa thánh Vatican chưa có bất kỳ mối quan hệ chính thức nào. Nhà nước Việt Nam vẫn cho phép Giáo hội Công giáo Việt Nam quan hệ với Vatican về phương diện tôn giáo theo một nguyên tắc chung, vừa tôn trọng tự do, tín ngưỡng của công dân, tôn trọng các mối quan hệ của Giáo hội, vừa thể hiện quyết tâm bảo vệ độc lập chủ quyền của Việt Nam.

Bước vào thời kỳ đổi mới, với chủ trương, chính sách đối ngoại mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế của Đảng và Nhà nước ta, tháng 7/1989, được sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam, lần đầu tiên đoàn đại diện Vatican thực hiện chuyến thăm Việt Nam. Đoàn do Hồng y Roger Etchegaray, Chủ tịch hội đồng Tòa thánh Công lý và Hòa bình làm trưởng đoàn, đã có cuộc tiếp xúc với Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Ngoại giao và thăm một số giáo phận của Giáo hội Công giáo Việt Nam.

Từ tháng 11/1990 đến năm 2008, Việt Nam và Tòa thánh Vatican đã có 17 lần họp (2 lần tại Vatican vào năm 1992, 2005 và 15 lần tại Việt Nam). Giai đoạn này, Ban Tôn giáo Chính phủ là cơ quan chủ trì tiếp và làm việc với đại diện Tòa thánh Vatican do Thứ trưởng Ngoại giao Vatican dẫn đầu, với sự tham gia của quan chức của Bộ Truyền giáo.

Nội dung chủ yếu của các cuộc gặp là trao đổi, bàn bạc những vấn đề liên quan đến Giáo hội Công giáo Việt Nam và những vấn đề vướng mắc mà hai bên cùng quan tâm.

Tại các cuộc làm việc trước đó và cuộc làm việc năm 2007 ở Việt Nam do Đức ông Pietro Parolin, Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh làm Trưởng đoàn, đoàn Tòa thánh đề nghị họp bàn về việc thiết lập quan hệ hai bên.

Các cuộc họp đàm phán quan hệ Việt Nam - Vatican

Trên cơ sở đề nghị của Tòa thánh Vatican, năm 2008, Chính phủ Việt Nam đồng ý với chủ trương cùng thành lập Tổ Công tác hỗn hợp Việt Nam - Vatican để bàn bạc việc thiết lập quan hệ hai bên.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Ngoại giao chủ trì phối hợp với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và Ban Tôn giáo Chính phủ thành lập Tổ Công tác hỗn hợp. Đến nay, Tổ công tác hỗn hợp đã qua 11 vòng đàm phán, đạt kết quả nhất định.

Tại các cuộc gặp, Việt Nam khẳng định chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam, sự quan tâm tạo điều kiện của chính quyền các cấp đối với các hoạt động của Công giáo Việt Nam.

Hai bên trao đổi một số nội dung liên quan đến hoạt động của Công giáo Việt Nam, tiến trình quan hệ giữa Việt Nam - Vatican, việc cử Đặc phái viên không thường trú và nâng cấp từ Đặc phái viên không thường trú lên Đặc phái viên thường trú…

Năm 2011, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chấp thuận đề nghị của Tòa thánh Vatican về việc cử một Đặc phái viên không thường trú của Vatican tại Việt Nam với các quy định cụ thể như Đặc phái viên thúc đẩy quan hệ giữa Tòa thánh Vatican và Chính phủ Việt Nam cũng như giữa Tòa thánh và Giáo hội Công giáo Việt Nam.

Ngày 13/1/2011, Tòa thánh Vatican bổ nhiệm Tổng giám mục Leopoldo Girelli, Sứ thần Tòa thánh tại Singapore, kiêm Đặc phái viên không thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam. Ngày 13/9/2017, Tổng giám mục Leopoldo Girelli tiếp tục được Tòa thánh bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa thánh tại Israel, kiêm Khâm sứ Tòa thánh tại Jerusalem và Palestine.

Từ năm 2011-2017, Tổng Giám mục Leopoldo Girelli đã thực hiện 109 chuyến thăm, hoạt động mục vụ tại Việt Nam. Ông đã đến thăm 63 tỉnh, thành phố, 26 giáo phận, nhiều giáo xứ, dòng tu, đại chủng viện…

Tháng 8/2018, Tòa thánh Vatican bổ nhiệm Tổng giám mục Marek Zalewski, Sứ thần Tòa thánh tại Zimbabwe làm Đặc phái viên không thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam thay Tổng Giám mục Leopoldo Girelli.

Tại cuộc họp vòng 10 của Tổ công tác hỗn hợp Việt Nam - Vatican hồi tháng 4/2023 tại Vatican, hai bên cơ bản thống nhất nội dung quy chế hoạt động của đại diện thường trú và văn phòng đại diện thường trú. Trong đó quy định rất cụ thể nhiệm vụ của đại diện thường trú, vấn đề bổ nhiệm, đề cử, chấp thuận đại diện thường trú và các thành viên của văn phòng đại diện thường trú; hoạt động của đại diện thường trú, các thành viên chính thức và văn phòng; quyền lợi của văn phòng đại diện thường trú và các thành viên; điều khoản thi hành và giải quyết tranh chấp.

Hai bên đã chính thức nâng cấp quan hệ lên Đại diện thường trú của Tòa thánh Vatican tại Việt Nam từ tháng 7/2023.

Tháng 1/2024, Chính phủ Việt Nam chính thức đồng ý cho Vatican cử Đại diện thường trú và đặt Văn phòng đại diện thường trú tại Hà Nội.

Việc nâng cấp quan hệ cho thấy sự nỗ lực, thiện chí, tôn trọng sự khác biệt về thể chế của nhau và mục tiêu chung là hòa bình, phát triển, phồn thịnh của mỗi quốc gia trong khu vực và góp phần vào hòa bình, phát triển của thế giới.

Giáo hoàng Francis thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Vatican

Trong thời gian tại vị, Giáo hoàng Francis đã đón tiếp trọng thị nhiều lãnh đạo cấp cao của Việt Nam như Chủ tịch Quốc hội (tháng 3/2014), Thủ tướng Chính phủ (tháng 10/2014), Chủ tịch nước (năm 2016) và một số lãnh đạo cấp câo khác của Việt Nam.

Giáo hoàng Francis bày tỏ rõ tình cảm, sự quan tâm của mình đối với đất nước và con người Việt Nam: “Dân tộc Việt Nam luôn ở trong trái tim tôi. Từ lúc còn trẻ, ở Buenos Aires, tôi luôn theo dõi cuộc đấu tranh anh dũng, bất khuất, chịu nhiều hy sinh gian khổ của nhân dân Việt Nam. Tôi ngưỡng mộ sự vĩ đại của dân tộc Việt Nam và Việt Nam đã ở trong trái tim tôi từ khi đó. Nhà thờ Công giáo muốn đồng hành cùng chính quyền và nhân dân Việt Nam để phát triển đất nước, xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Giáo hội tại Việt Nam đồng hành cùng đất nước, dân tộc Việt Nam trên con đường phát triển, đóng góp vào công việc chung của đất nước. Tôi luôn mong muốn quan hệ giữa Tòa thánh và Nhà nước Việt Nam tiếp tục phát triển tốt đẹp”.

Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương hội kiến Giáo hoàng Phanxicô vào tháng 1/2024

Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương hội kiến Giáo hoàng Phanxicô vào tháng 1/2024

Cuộc gặp của Lãnh đạo Việt Nam với Giáo hoàng Phanxicô ngày 27/7/2023, đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ hai bên, thông qua Quy chế hoạt động của Đại diện Thường trú và Văn phòng Đại diện Thường trú Tòa thánh Vatican tại Việt Nam là bước tiến quan trọng trong bối cảnh quan hệ hai bên phát triển tích cực, là kết quả của quá trình trao đổi trên tinh thần tôn trọng, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau. Hai bên tin tưởng rằng, Đại diện Thường trú sẽ đóng góp tích cực cho quan hệ giữa Tòa thánh Vatican và cộng đồng Công giáo Việt Nam cũng như quan hệ Việt Nam - Tòa thánh Vatican.

Ngày 8/9/2023, sau 10 năm đăng quang, Giáo hoàng Francis đã gửi thư cho Giáo hội Công giáo Việt Nam.

Giáo hoàng hy vọng quan hệ Việt Nam - Vatican tiếp tục phát triển trên cơ sở nhìn nhận những điểm tương đồng và tôn trọng những khác biệt của hai bên.

Giáo hoàng chỉ dẫn chức sắc, giáo dân về trách nhiệm làm người công dân tốt và người Công giáo tốt, tiếp tục đường hướng Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam cùng góp phần xây dựng đất nước phát triển.

Giáo hoàng khích lệ người Công giáo Việt Nam tiếp tục truyền thống dấn thân thực thi đức ái, thể hiện lòng bác ái qua đời sống chứng nhân giữa lòng dân tộc, giữa lòng xã hội; khuyến khích đóng góp của người Công giáo Việt Nam trong đại dịch Covid-19, chia sẻ với người bệnh, người nghèo, chia sẻ trách nhiệm với các cấp chính quyền; biểu dương Hội đồng Giám mục, Giáo hội Công giáo Việt Nam vì đã “tham gia đóng góp cho thiện ích chung trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội trên đất nước mình”.

Với chỉ dẫn của Giáo hoàng Francis và đường hướng hoạt động “sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”, chức sắc, tu sĩ, người Công giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng chính quyền các cấp, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất tại địa phương, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Cộng đồng Công giáo Việt Nam tham gia tích cực các hoạt động y tế, giáo dục, bác ái, từ thiện nhân đạo, chia sẻ, trợ giúp đồng bào khó khăn, đặc biệt trong thời điểm diễn ra đại dịch Covid-19.

Đây chính là hình ảnh đẹp của Giáo hội Công giáo Việt Nam trong lòng dân tộc và cộng đồng nhân dân; là cơ sở quan trọng để thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Vatican từ Đặc phái viên không thường trú lên Đại diện thường trú, để lãnh đạo Việt Nam mời Giáo hoàng Francis sang thăm Việt Nam.

Giáo hoàng Phanxicô thể hiện tình cảm sâu đậm với đất nước Việt Nam, đón tiếp Lãnh đạo cấp cao Việt Nam rất trọng thị.

Qua các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ tại Việt Nam, Giáo hoàng cùng các đoàn Tòa thánh đều cảm nhận được sự chân thành, thiện chí, tạo điều kiện thuận lợi, đón tiếp chu đáo của Chính phủ Việt Nam, các cơ quan Trung ương cũng như chính quyền các cấp; cảm nhận được đời sống đạo tự do, sôi động của Công giáo Việt Nam và những tình cảm mà chức sắc, giáo dân Công giáo Việt Nam dành cho đoàn.

Đồng thời, phía Tòa thánh Vatican cũng thông qua đó hiểu hơn về Giáo hội Công giáo Việt Nam và về đất nước, con người, lịch sử, văn hóa phong tục, tập quán của Việt Nam, chứng kiến những thành tựu về kinh tế xã hội của Việt Nam.

Có thể nói, thông qua các cuộc tiếp xúc và trao đổi, Việt Nam và Tòa thánh ngày càng hiểu nhau hơn, thấy việc tôn trọng những nguyên tắc giữa hai bên là cần thiết.

Các cuộc đối thoại là phương thức thích hợp nhất, góp phần tạo không khí thân thiện để hiểu nhau hơn và để cùng nhau giải quyết những vấn đề cùng quan tâm, trong đó có việc nâng cấp quan hệ hai bên.

TS. Đào Thị Đượm

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vai-tro-cua-giao-hoang-francis-trong-thuc-day-quan-he-viet-nam-vatican-2395510.html
Zalo