Vắc-xin phòng bệnh đậu mùa có miễn nhiễm đậu mùa khỉ?

Bệnh đậu mùa khỉ đột nhiên trở thành sự quan tâm và lo lắng của toàn cầu sau công bố lệnh của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO/OMS) vào ngày 23/7/2022.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

WHO/OMS cảnh báo về tình trạng khẩn cấp của bệnh này đối với sức khỏe cộng đồng do nguy cơ lây lan cả về tốc độ lẫn diện rộng.

Tên gọi và lịch sử bệnh

Bệnh đậu mùa khỉ gọi tắt là bệnh đậu khỉ (Monkeypox) có mã bệnh trong Danh pháp Phân loại bệnh quốc tế là B04. Đây là một bệnh truyền nhiễm đã được phát hiện từ lâu, thuộc loại bệnh hiếm gặp và lây chậm. Bệnh xảy ra chủ yếu ở trẻ em.

Năm 1970, trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ lần đầu tiên được xác định ở một trẻ 9 tuổi tại nước Cộng hòa Congo. Đây là một quốc gia nằm trong khu vực đã được Tổ chức Y tế Thế giới xác nhận loại trừ được bệnh đậu mùa (smallpox) từ năm 1968.

Những trường hợp mắc bệnh đầu tiên xảy ra ở khu vực miền núi và nông thôn Congo. Sau đó lan rộng ra các nước thuộc khu vực Tây Phi và Trung Phi. Nhìn chung, bệnh đậu mùa khỉ trong những thập niên đầu xảy ra lẻ tẻ và rải rác.

Tuy nhiên, đến năm 1996 - 1997 thì bùng nổ thành vụ dịch lớn tại Congo và năm 2017 tại Nigeria với tỉ lệ tử vong khoảng 3%. Một nghiên cứu khác tại châu Phi cho thấy, tỉ lệ tử vong dao động từ 4 - 22%.

Năm 2003, tại Mỹ phát hiện 70 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ có liên quan đến một loài chuột túi nhập cảnh từ Ghana (quốc gia nằm ở khu vực Tây Phi). Hiện, một số nước như Anh, Singapore cũng xuất hiện những ca bệnh đậu mùa khỉ liên quan đến khách du lịch đến từ châu Phi.

Đến tháng 5 vừa qua, nhiều trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ được xác định tại một số quốc gia không lưu hành bệnh thuộc châu Âu, châu Mỹ và châu Úc.

Tác nhân gây bệnh và ký chủ trung gian

Ảnh minh họa/INT.

Ảnh minh họa/INT.

Mặc dù có tên gọi là bệnh đậu mùa khỉ, nhưng loài linh trưởng là... khỉ lại chẳng có gì liên quan. Cả dòng họ nhà khỉ không có loài nào là ký vật trung gian mang loại virus làm lây truyền bệnh. Trong chuyện này, dòng họ nhà khỉ bị hàm oan và thậm chí là nạn nhân của căn bệnh.

Năm 1958, trên một đàn khỉ nuôi để làm vật nghiên cứu tự nhiên xuất hiện một căn bệnh lạ với các biểu hiện trông giống bệnh đậu mùa. Do đó, đến khi bệnh được phát hiện ở người (1970), các nhà nghiên cứu sực nhớ đến các nạn nhân đầu tiên thuộc loài linh trưởng và lấy cái tên... khỉ đặt cho tên bệnh.

Đến nay vẫn chưa có các bằng chứng xác định vật chủ, nhưng theo các nhà nghiên cứu thì các loài gặm nhấm, đặc biệt là sóc nhỏ ở các khu rừng nhiệt đới châu Phi là đối tượng nghi vấn hàng đầu.

Tác nhân gây bệnh đậu mùa khỉ là virus đậu khỉ (Monkeypox virus), có cấu trúc là một chuỗi DNA, thuộc họ Poxviridae, chi Orthopoxvirus. Chúng có cấu trúc và tính chất gây bệnh giống như bệnh đậu mùa (smallpox - mã bệnh B03) và thủy đậu (chickenpox - mã bệnh B01), nhưng bệnh cảnh diễn ra thường nhẹ nhàng hơn.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, việc bùng nổ bệnh đậu mùa khỉ là do việc ngừng tiêm chủng bệnh đậu mùa (năm 1980) - do đã loại trừ bệnh này trên phạm vi toàn cầu kể từ năm 1979.

Các nghiên cứu cho thấy, những người đã từng tiêm vắc-xin phòng bệnh đậu mùa gần như miễn nhiễm đối với virus gây bệnh đậu khỉ. Các chuyên gia cũng cảnh báo, số người mắc bệnh đậu mùa khỉ ngày càng gia tăng ở châu Phi là do con người ngày càng xâm hại núi rừng - là nơi cư trú của các loài động vật mang virus gây bệnh đậu khỉ.

Đường lây bệnh này từ động vật sang người qua đường hô hấp và tiếp xúc dịch tiết qua vết thương. Việc lây truyền trực tiếp từ người sang người xảy ra chủ yếu là đường hô hấp khi có sự tiếp xúc gần và kéo dài.

Các biểu hiện bệnh

Theo công bố chính thức của Tổ chức Y tế Thế giới, 16 nghìn trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận tại 75 quốc gia tính từ ngày 1/1 đến 23/7, trong đó có 5 trường hợp tử vong. Bệnh xảy ra chủ yếu ở khu vực châu Phi. Đối tượng mắc bệnh chính là trẻ em. Hiện, Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nào mắc bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, tại các quốc gia lân cận trong khu vực châu Á như Trung Quốc, Thái Lan và Singapore đã có báo cáo về các trường hợp đầu tiên mắc bệnh này.

Biểu hiện và diễn biến của bệnh đậu khỉ tương tự như bệnh đậu mùa hoặc thủy đậu. Một số trường hợp có thể gây sự nhầm lẫn trong chẩn đoán. Nếu bệnh đậu mùa tổn thương da xảy ra chủ yếu ở mặt thì bệnh đậu khỉ tổn thương da thường xảy ra diện rộng toàn thân và hạch bạch huyết sưng to.

Thời gian ủ bệnh: Là khoảng thời gian tính từ lúc nhiễm bệnh cho đến khi xuất hiệu dấu hiệu đầu tiên của bệnh. Thường là 1 - 2 tuần. Nhưng có các trường hợp dao động từ 3 ngày đến 3 tuần.

Các biểu hiện thường gặp: Bao gồm mệt mỏi, ớn lạnh, sốt, nhức đầu, đau các cơ bắp và nhức toàn thân. Các hạch góc hàm, cổ, nách, bẹn... sưng to và đau.

Điển hình của bệnh là sự xuất hiện ban da. Ban da xuất hiện sau sốt trong vòng 1 - 3 ngày. Ban da thường xuất hiện ở mặt. Rồi mới xuất hiện ở những vùng khác của cơ thể.

Ban đầu chỉ là đốm đỏ, sau đó phồng lên thành bọng nước và hóa mủ. Chúng được gọi là nốt đậu. Số lượng nốt đậu từ vài nốt đến vài nghìn nốt. Sự tiến triển của ban da được công thức hóa như sau: Hồng ban - Sẩn đỏ - Mụn nước - Mụn mủ - Khô và bong vảy.

Người mắc bệnh đậu mùa khỉ có thể xảy ra tình trạng nhiễm trùng thứ phát gây bệnh cảnh nặng nề. Các biến chứng của bệnh đậu khỉ thường gặp là viêm phế quản, viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm não và nhiễm trùng giác mạc và mất thị lực...

Chẩn đoán xác định bệnh đậu mùa khỉ qua việc nuôi cấy phân lập virus, quan sát dưới kính hiển vi điện tử, hóa mô miễn dịch hoặc xét nghiệm PCR.

Điều may mắn, bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh tự giới hạn trong vòng 2 - 4 tuần. Quá trình tiến triển ban da gây cảm giác đau. Bệnh kết thúc khi các mụn mủ khô và bong vảy.

Hướng điều trị và phòng ngừa

Chủ yếu là điều trị hỗ trợ nhằm mục đích nâng cao thể trạng cho người bệnh và phòng tránh các nhiễm trùng thứ phát.

Một số loại thuốc được cho là có tác dụng kháng virus như Cidofovir (Vistide), Tecovirimat, Brincidofovir (Tembexa)... Nhưng nói chung, chưa có loại thuốc nào chính thức được Tổ chức Y tế Thế giới phê duyệt đưa vào sử dụng với mục đích điều trị theo phác đồ tại các vùng đang có dịch đậu mùa khỉ lưu hành.

Các chuyên gia cho biết, vắc-xin phòng bệnh đậu mùa có tác dụng tốt trong việc phòng bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, vắc-xin phòng bệnh đậu mùa hiện nay không được cung cấp rộng rãi. Một loại vắc-xin mới phòng bệnh đậu khỉ đã được Tổ chức Y tế Thế giới phê duyệt năm 2019. Song việc sử dụng còn rất hạn chế.

Biện pháp phòng ngừa tốt nhất hiện nay vẫn là tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về các yếu tố nguy cơ để mọi người biết cách tự bảo vệ mình, tránh tiếp xúc gần với các nguồn lây và có các biện pháp phòng vệ phù hợp. Những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ cần đến khám sớm tại các bệnh viện.

Mai Hữu Phước (Thạc sĩ Y học)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/vac-xin-phong-benh-dau-mua-co-mien-nhiem-dau-mua-khi-post603453.html
Zalo