Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách được giữ nguyên các chế độ đến hết khóa XV
Ngày 19/2, ngay sau khi kỳ họp bất thường lần thứ 9 bế mạc, Tổng Thư ký Quốc hội chủ trì họp báo về kết quả kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Tại buổi họp báo, trả lời về chế độ chính sách đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách sau sắp xếp, bà Tạ Thị Yên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội cho biết, chế độ chính sách đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách theo Luật Tổ chức Quốc hội cũ thì thường trực Ủy ban của Quốc hội có 4 chức danh gồm: Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách. Còn Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi mới được Quốc hội thông qua ngày 17/2 còn lại 3 chức danh gồm: Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm, và các Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và kiêm nghiệm.
Theo bà Yên, ngày 18/2 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và có phê chuẩn đối với các chức danh này và đổi tên gọi mới đối với các chức danh chuyên trách là Ủỷ viên thành đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Ủy ban. Do đó số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại các Ủy ban vẫn giữ như vậy, không ảnh hưởng tới hoạt động của các Ủy ban cũng như các đại biểu.
Về chế độ chính sách, bà Yên cho rằng, về quyền lợi theo Nghị định 178 của Chính phủ quy định trước mắt từ nay đến hết nhiệm kỳ, Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sẽ được giữ nguyên các chế độ cũng như hệ số phụ cấp chức vụ đến nhiệm kỳ Quốc hội. Khóa XVI sẽ thực hiện chung thống nhất trong hệ thống chính trị theo quy định của Đảng, Nhà nước.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội Tạ Thị Yên trả lời báo chí (Ảnh: Quang Vinh)
Trả lời về việc nhân sự từ cấp trưởng xuống phó của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bà Yên cho hay, vừa qua thực hiện việc tinh gọn sắp xếp tổ chức bộ máy là nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước xác định đây là cuộc cách mạng cho nên trong quá trình thực hiện đòi hỏi phải có sự hy sinh. Qua đó, đối với một số chức danh từ trưởng xuống phó thì cũng được các đồng chí cán bộ, đảng viên xác định tinh thần là đảng viên và chấp nhận sự hy sinh đó để vì sự phát triển chung của xã hội. Cho nên tự nguyện và xác định tư tưởng nên không có việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải "vận động".
Trả lời thêm về sắp xếp cán bộ công chức sau sáp nhập, theo bà Yên Chính phủ đã có Nghị định 178 hướng dẫn chung. Trong nghị định này có việc bố trí đối với cán bộ công chức sau sắp xếp tinh gọn bộ máy theo hướng tiếp tục sắp xếp đối với cán bộ tiếp tục làm việc trong cơ quan mới nếu như vị trí của họ vẫn còn cần thiết. Hoặc có thể chuyển sang vị trí công tác khác phù hợp với năng lực cũng như vị trí việc làm. Chuyển công tác sang cơ quan khác trong cùng hệ thống hoặc các cơ quan có nhu cầu công tác. Thực hiện tinh giản biên chế hoặc nghỉ việc nếu như không sắp xếp được các vị trí phù hợp.