Chứng khoán Mỹ quay đầu giảm sau 2 phiên liên tiếp đạt mốc cao kỷ lục

Sau 2 phiên liên tục lập mốc kỷ lục mới đối với chỉ số S&P 500, chứng khoán Mỹ quay đầu giảm trong ngày 20/2, khi nhà đầu tư bán tháo một số cổ phiếu phổ biến sau dự báo ảm đạm từ gã khổng lồ bán lẻ Walmart, điều này đặt ra những nghi ngờ về triển vọng nền kinh tế.

Chỉ số Dow Jones giảm trên 1% trong phiên 20/2. Ảnh minh họa

Chỉ số Dow Jones giảm trên 1% trong phiên 20/2. Ảnh minh họa

Theo CNBC, trong phiên, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã giảm 451 điểm, tương đương 1,01% và đóng cửa ở mức 44.177 điểm. Chỉ số S&P 500 trượt 0,43%, chốt phiên với 6.118 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite mất 0,47% còn 19.962 điểm.

Cổ phiếu Walmart, thành viên Dow Jones, đã sụt 6,5% sau khi dự báo doanh số trong năm tài chính sẽ tăng từ 3%-4%. Trong khi đó, triển vọng lợi nhuận trong năm tài chính 2026 của Walmart lại thấp hơn so với kỳ vọng của các nhà phân tích. Triển vọng yếu kém đã làm lu mờ kết quả lợi nhuận quý 4/2024 tốt hơn dự báo.

Cổ phiếu Target và Costco đều giảm 2%, sau động thái của Walmart, trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về tình hình lợi nhuận doanh nghiệp trong tương lai.

Cổ phiếu Palantir, công ty bán lẻ được nhà đầu tư ưa chuộng, cũng sụt 5,2%, góp phần nâng tổng mức lao dốc từ đầu tuần đến nay lên hơn 10%. Cổ phiếu này sụt giảm sau khi một báo cáo cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã yêu càu các quan chức của bộ chuẩn bị cho việc cắt giảm ngân sách. Một kế hoạch giao dịch mới từ CEO Alex Karp cũng khiến cổ phiếu suy giảm.

Những lo ngại về tình hình kinh tế cũng gây áp lực lên thị trường sau khi The Conference Board cho biết chỉ số kinh tế hàng đầu (LEI) của họ bất ngờ giảm trong tháng 1/2025. Lợi suất trái phiếu giảm, trong khi cổ phiếu các ngân hàng như Goldman Sachs và Morgan Stanley trượt dốc.

Ngày 20/2, hai quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cùng kêu gọi cách tiếp cận thận trọng với lãi suất khi lạm phát vẫn ở mức cao và thị trường lao động có một số dấu hiệu rạn nứt.

Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta là ông Raphael Bostic lưu ý rằng "chính sách tiền tệ đang ở vị thế tốt và nền kinh tế đang mạnh. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đây không phải là lúc để tự mãn". Ông chỉ ra những yếu tố khó đoán như chính sách thương mại, nhập cư và thuế quan có thể gây lạm phát.

Trong khi đó, Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis Alberto Musalem đánh giá nền kinh tế ổn định với thị trường lao động vững chắc và lạm phát đang dần quay trở lại mục tiêu 2%. Tuy nhiên, quan chức này cũng lưu ý đến mức độ không chắc chắn cao về chính sách kinh tế và rủi ro lạm phát có thể duy trì thời gian lâu hơn./.

Thu Dung (tổng hợp)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chung-khoan-my-quay-dau-giam-sau-2-phien-lien-tiep-dat-moc-cao-ky-luc-170948.html
Zalo