ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC KHẢO SÁT VIỆC THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ NHÀ GIÁO TẠI TRƯỜNG CAO ĐẲNG KỸ NGHỆ II, TP. HỒ CHÍ MINH
Sáng 16/7, tại TP. Hồ Chí Minh, Tổ công tác số 1 - Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục về việc thực hiện chính sách pháp luật về nhà giáo và giáo dục nghề nghiệp do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thị Mai Hoa làm Trưởng đoàn đã làm việc với Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II.
Báo cáo với Đoàn khảo sát, đại diện nhà trường cho biết, hàng năm, trường đều thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nhà giáo giáo dục nghề nghiệp thông qua các dự án trong và ngoài nước liên kết với trường nhằm nâng cao kỹ năng và chất lượng đội ngũ; ban hành chính sách hỗ trợ tài chính để đội ngũ giáo viên nâng cao trình độ từ tiến sĩ trở lên.
Công tác nghiên cứu khoa học được chú trọng khi được xem là nhiệm chính song song với việc giảng dạy, các nhiệm vụ đó gắn kết, cùng hỗ trợ giáo viên trong giảng dạy và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Trường đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp để động viên, khích lệ đội ngũ nhà giáo và đội ngũ cán bộ quản lý vượt qua khó khăn, thử thách, nỗ lực công tác với chất lượng, hiệu quả cao.
Tuy nhiên, do các quy định điều chỉnh các quan hệ về nhà giáo hiện nay do nhiều bộ, ngành ban hành nên còn thiếu đồng bộ, hiệu lực pháp lý chưa cao, đặc biệt chưa có quy phạm pháp luật để xây dựng chế độ tiền lương tương xứng với vị thế và đặc thù lao động của nhà giáo. Chưa kể, một số quy định về nhà giáo do áp dụng với viên chức các ngành, lĩnh vực khác nên chưa thực sự phù hợp gây ra những búc xúc trong đội ngũ nhà giáo.
Trong khi đó, từ năm 2012 trường không tổ chức thi tuyển viên chức và thực hiện cơ chế tự chủ từ năm 2016, nên việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế cũng ảnh hưởng đến đời sống của đội ngũ nhà giáo và viên chức, người lao động…
Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II khẳng định sự cần thiết của việc xây dựng Luật Nhà giáo, trong đó cần cụ thể hóa hơn một số nội dung như: định danh nhà giáo, vị trí vai trò của nhà giáo, quyền lợi, nghĩa vụ, đạo đức nghề nghiệp, chế độ, chính sách đối với nhà giáo. Đồng thời, cần có sự đột phá, đổi mới mạnh mẽ về cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, trọng dụng nhân tài trong ngành giáo dục nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng; thực hiện chủ trương tiền lương của nhà giáo được ưu tiên trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Ghi nhận và đánh giá cao kết quả Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II đạt được trong thực hiện chính sách, pháp luật về nhà giáo và giáo dục nghề nghiệp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Xã hội Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị, nhà trường cần làm rõ hơn các khó khăn, vướng mắc, từ đó có đề xuất cụ thể, hoàn thiện báo cáo theo yêu cầu của Đoàn khảo sát; các ý kiến, kiến nghị tại cuộc khảo sát sẽ được đưa vào báo cáo khảo sát của đoàn, là cơ sở khoa học, thực tiễn để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thẩm tra dự thảo Luật Nhà giáo.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh, mục tiêu cuối cùng là làm sao khi Luật Nhà giáo ra đời sẽ giải quyết được những vấn đề thực tiễn đang đặt ra.
"Có thể chưa hoàn thiện triệt để, có thể chưa đáp ứng được một cách toàn diện mong muốn của các thầy cô, nhưng phải trả lời được câu hỏi: Luật ra đời thì môi trường làm việc của giáo viên có tốt hơn không? Điều kiện làm việc của giáo viên có tốt hơn không? Vị thế của nhà giáo có được đặt đúng vai trò, chức trách hay không? Đặc biệt là hệ thống chính sách đối với nhà giáo công và ngoài công lập có bảo đảm được không, để giáo viên yên tâm gắn bó với nghề, cống hiến hết mình cho nghề nghiệp hay không?..." - Phó Chủ nhiệm UB Nguyễn Thị Mai Hoa nói.