Chứng khoán Việt Nam có bị tác động nếu ông Trump chính thức tái đắc cử Tổng thống Mỹ?

Chuyên gia chứng khoán lạc quan với việc VN-Index sẽ vượt mốc 1.300 điểm sau sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ, nhờ những tác động tích cực tới nền kinh tế Việt Nam.

Trưa 6/11 theo giờ Việt Nam, kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 tại Mỹ đã ngã ngũ với việc ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa giành chiến thắng.

Kết quả kiểm phiếu sơ bộ tính tới 13h30 cho thấy ông Trump đã giành số phiếu đại cử tri vượt ngưỡng 270 phiếu cần thiết theo luật định và qua đó đánh bại ứng cử viên Kamala Harris bên phía đảng Dân chủ để trở thành tổng thống thứ 47 của nước Mỹ.

Đây cũng là nhiệm kỳ thứ 2 ông Trump giữ cương vị chủ nhân Nhà Trắng, sau nhiệm kỳ một từ năm 2016-2020.

Dự kiến, các đại cử tri đoàn tại các bang sẽ nhóm họp vào ngày 17/12 tới để bỏ phiếu đại cử tri chính thức bầu ứng cử viên Trump làm tổng thống tiếp theo của nước Mỹ. Ông Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức tại Đồi Capitol vào ngày 20/1/2025.

Câu chuyện về mối quan hệ giữa thị trường chứng khoán và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ luôn là chủ đề được các nhà đầu tư quan tâm. Theo thống kê, tại Việt Nam, có tới 4/5 lần chỉ số VN-Index tăng điểm trong năm diễn ra bầu cử tổng thống Mỹ, với hiệu suất trung bình trong 4 lần tăng đạt tới 24%.

Chờ đón một kịch bản tích cực

Dự báo về diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng, thông thường sẽ tăng điểm tốt.

Nếu có biến động xấu thì cũng chỉ diễn ra tiêu cực trong một tuần sau cuộc bầu cử. Theo thống kê trong lịch sử, thị trường thường tăng điểm trong 1 đến 3 tháng, hoặc thậm chí 1 năm tới.

Đơn cử phiên giao dịch ngày 6/11, khi ông Trump đắc cử thì VN-Index đã tăng 15,52 điểm, tương đương 1,25% lên 1.261,28 điểm. Bảng điện tử tràn ngập sắc xanh, sắc tím cũng nở rộ.

Bởi trong khi tranh cử, ông Trump tỏ ra rất đanh thép trong việc muốn phục hồi lại nền kinh tế Mỹ sau chuỗi thời gian gặp khó khăn. Cùng với đó, khả năng ông sẽ tạo ra chính sách đối ngoại cứng rắn hơn với Trung Quốc.

Như vậy, vô hình trung sẽ tạo ra lợi thế cho nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt nhất là sự dịch chuyển của FDI trong thời gian tới. Vì vậy, xu hướng này có thể tác động về dài hạn tới Việt Nam.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân CTCK Yuanta Việt Nam.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân CTCK Yuanta Việt Nam.

Còn PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên cao cấp, Đại học Kinh tế Tp.Hồ Chí Minh đánh giá, đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, để cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có thể tác động tới thì còn cần độ trễ hơn nữa.

Đồng quan điểm, CTCK Mirae Asset Việt Nam (MASVN) cũng dự báo sự kiện bầu cử tổng thống Mỹ nói chung có thể không tạo ra nhiều tác động. Tuy nhiên, chứng khoán trong nước thường được cho là tương quan cùng chiều với chứng khoán Mỹ.

Độ tương quan giữa S&P 500 và VN-Index trong tháng gần nhất là 27% và trong quý gần nhất là 76% nên diễn biến chứng khoán Mỹ dự báo tác động đáng kể đến chứng khoán Việt Nam trong ngắn hạn.

Liệu VN-Index có thể vượt 1.300 điểm?

Về khả năng VN-Index có thể vượt 1.300 điểm sau khi ông Donald Trump đắc cử, ông Nguyễn Thế Minh cho rằng trong giai đoạn 3 tháng đầu năm, thị trường đã có đà tăng tích cực. Từ tháng 4 đến tháng 10, xu hướng của thị trường gần như đi ngang trước nhiều yếu tố, trong đó có lo ngại về kết quả của cuộc bầu cử này.

Trong lịch sử, mỗi năm khi có sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ thì thị trường chứng khoán Việt Nam dường như khá trầm lắng, phải sau khi có kết quả vào tháng 11 thì thị trường mới khởi sắc hơn.

Thông thường, đà tăng của thị trường chứng khoán Việt Nam luôn mạnh hơn so với thị trường khác, do vậy ông Minh cho rằng VN-Index khả năng cao sẽ vượt 1.300 điểm trong thời gian tới.

Theo ông Huân, chứng khoán đang có nhiều yếu tố tích cực nhưng chưa đủ tạo cú hích giúp thị trường bật tăng khỏi vùng tích lũy, chưa kể khối ngoại vẫn bán ròng.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên cao cấp, Đại học Kinh tế Tp.Hồ Chí Minh.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên cao cấp, Đại học Kinh tế Tp.Hồ Chí Minh.

Thực tế, việc nhà đầu tư trong nước "cân" hết lượng bán ròng của khối ngoại từ đầu năm đến nay đã là một nỗ lực rất lớn. Nếu không có động lực mạnh mẽ hơn hoặc sự tham gia của dòng tiền mới thì rất khó để bứt phá.

Ngay cả với Thông tư 68, ông Huân nhìn nhận những quy định mới chỉ có tác động tích cực khi nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh mua vào. Còn trong bối cảnh họ vẫn bán ròng như hiện tại là rất khó.

Trong khi đó, VN-Index rất nhiều lần trong năm nay chỉ chạm vùng 1.300 điểm rồi quay đầu lao dốc, tạo tâm lý tiêu cực cho nhà đầu tư.

"Cứ tới vùng cản 1.300 điểm là ai cũng nhìn nhau rồi "lôi" cổ phiếu ra bán. Chính vì vậy, cần có những thông tin thực sự nổi bật như thị trường Việt Nam được nâng hạng để tạo động lực cho nhà đầu tư mới hoặc thị trường phải giảm mạnh hơn nữa để tăng tính hấp dẫn", ông Huân nêu quan điểm.

Trần Thị Tú Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chung-khoan-viet-nam-se-ra-sao-neu-ong-trump-chinh-thuc-tai-dac-cu-tong-thong-my-204241106164114379.htm
Zalo