Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức VKSND
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, sáng 25/4, tại Nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng VKSND tối cao trình bày tờ trình.

Quang cảnh phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 25/4. Ảnh: VPQH cung cấp.
Sửa đổi, bổ sung Luật để giải quyết kịp thời những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn
Trình bày tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức VKSND, Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến cho biết, việc xây dựng Luật nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng liên quan đến tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của VKSND tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, Kết luận số 126-KL/TW, Kết luận số 127-KL/TW, Kết luận số 136-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII nhằm sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của VKSND các cấp. Theo đó, lần sửa đổi này chỉ sửa đổi các quy định liên quan đến tổ chức bộ máy mới.

Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng VKSND tối cao trình bày tờ trình. Ảnh: VPQH cung cấp.
Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến cho biết, mục đích, phạm vi, quan điểm và nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức VKSND lần này đủ điều kiện để xây dựng, ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 50 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025.
Từ những lý do nêu trên, VKSND tối cao chủ trì xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức VKSND và trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 theo trình tự, thủ tục rút gọn nhằm đáp ứng yêu cầu của Đảng và giải quyết kịp thời những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn.

Các đại biểu, khách mời tham dự phiên họp. Ảnh: VPQH cung cấp.
Căn cứ các chủ trương của Đảng, Nhà nước, với phạm vi, quan điểm xây dựng dự án Luật nêu trên, VKSND tối cao đề xuất dự thảo Luật gồm 3 điều với các nội dung như sau:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức VKSND
Theo đó, sửa đổi, bổ sung các khoản 2 Điều 7, điểm a, c khoản 2 Điều 22, khoản 3 Điều 23, khoản 1 Điều 24, Điều 40, Điều 41, khoản 3 Điều 47, Điều 48, Điều 49, khoản 2 Điều 66, Điều 67, Điều 68, khoản 1 Điều 93; bãi bỏ các Điều 44, 45, 65 Điều 1 dự thảo Luật. Cụ thể:
- Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 7, khoản 3 Điều 23, Điều 40, Điều 41, khoản 3 Điều 47, Điều 48, Điều 49, khoản 2 Điều 66, Điều 67, Điều 68 và bãi bỏ các điều 44, 45, 65 liên quan đến tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy VKSND từ mô hình 4 cấp (cấp tối cao, cấp cao, cấp tỉnh, cấp huyện) thành 3 cấp (tối cao, cấp tỉnh và khu vực) để thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của VKSND các cấp.
- Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 22 cụm từ “phân trại thuộc trại tạm giam”, điểm c khoản 2 Điều 22 và khoản 1 Điều 24 cụm từ “Trưởng phân trại thuộc trại tạm giam” để bảo đảm phù hợp với điểm b khoản 2 Điều 14 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015.
- Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 93 theo hướng nâng số lượng Kiểm sát viên VKSND tối cao tối đa từ 19 người thành 27 người để bảo đảm nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ công tố, kiểm sát xét xử đối với hoạt động của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Điều 2. Hiệu lực thi hành
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
Điều 3. Điều khoản chuyển tiếp
Quy định về điều khoản chuyển tiếp theo hướng:
Kể từ ngày 1/7/2025:
- Việc chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp giữa VKS các cấp thực hiện theo quy định của các luật về tố tụng và quy định khác của pháp luật có liên quan;
- Việc chuyển giao, tiếp nhận, quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của VKSND cấp huyện và VKSND cấp cao thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và tài sản công.
UBTV Quốc hội ủng hộ đề xuất nâng số lượng Kiểm sát viên VKSND tối cao
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban tán thành sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức VKSND với những lý do như được nêu tại Tờ trình của VKSND tối cao; cơ bản tán thành phạm vi sửa đổi, đó là, chỉ tập trung sửa đổi các quy định liên quan đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy của VKSND nhằm thể chế hóa các nghị quyết, kết luận của Đảng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: VPQH cung cấp.
Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng khẳng định, hồ sơ dự án Luật đã đầy đủ các tài liệu theo quy định tại khoản 5 Điều 51 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025; đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận, đánh giá cao hồ sơ dự án Luật do VKSND xây dựng. Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, hồ sơ dự án Luật đã cơ bản đầy đủ, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 sắp tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận nội dung thảo luận. Ảnh: VPQH cung cấp.
Về việc sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 93 theo hướng nâng số lượng Kiểm sát viên VKSND tối cao tối đa từ 19 người thành 27 người để bảo đảm nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ đề xuất này. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị VKSND tối cao phối hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến về vấn đề nêu trên theo đúng quy định.
Cuối cùng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định yêu cầu, VKSND tối cao tiếp tục phối hợp với các cơ quan có liên quan để khẩn trương hoàn thiện đầy đủ hồ sơ dự án Luật, kịp thời gửi đến các vị đại biểu Quốc hội để xem xét, nghiên cứu, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9.