Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi)

Sáng 14/4, tại phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành cho ý kiến về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) đã bám sát 4 chính sách được Chính phủ nhất trí.

Cụ thể, chính sách 1: Thúc đẩy phát triển và xã hội hóa ứng dụng năng lượng nguyên tử; chính sách 2: Bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân, phân cấp trong công tác quản lý nhà nước; chính sách 3: Tạo thuận lợi cho hoạt động thanh sát hạt nhân; chính sách 4: Quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân; trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Dự thảo Luật gồm 12 chương, 73 điều (giảm 20 điều, tương ứng với hơn 20% số điều so với Luật năm 2008). Theo kế hoạch ban đầu thì dự thảo luật này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến ở Kỳ họp thứ 9 và thông qua ở Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XV. Đến thời điểm này, nội dung của Dự án Luật có thể trình Quốc hội xem xét thông qua trong một kỳ họp.

Trong đó, về phân cấp, phân quyền, Tờ trình Dự án Luật đề xuất phân quyền quyết định chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân (hiện thuộc thẩm quyền của Quốc hội theo Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công) cho Thủ tướng Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quochoi.vn

Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Thường trực Ủy ban cũng đề nghị tiếp tục rà soát, đối chiếu các quy định của dự thảo Luật với các luật có liên quan để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất; tiếp tục rà soát, tham chiếu, bảo đảm tương thích với điều ước quốc tế như công ước về an toàn hạt nhân, an ninh hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân, cam kết của Việt Nam tại các hội nghị của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.

Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị cần rà soát các quy định tại luật này đối với các luật đang sửa đổi, như Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư… để có sự thống nhất về nguyên tắc áp dụng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị bảo đảm tính thống nhất của dự thảo Luật với Luật Phòng thủ dân sự và dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp, tính khả thi trong phối hợp giữa các cơ quan có liên quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, tờ trình cũng như báo cáo thẩm tra chưa thể hiện rõ về thời điểm thông qua Dự án Luật theo ý kiến kết luận của cấp có thẩm quyền là Dự án Luật sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV. Bên cạnh đó, mặc dù hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng được yêu cầu và đủ điều kiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến, tuy nhiên Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng đề nghị bổ sung đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan theo quy định để trình Quốc hội.

Liên quan việc phân cấp, ủy quyền, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật – Tư pháp Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, quy định thẩm quyền như trên là điểm khác biệt rất lớn so với Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công. Quan điểm chung là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhưng với dự án điện hạt nhân phải hết sức thận trọng, do đó cần báo cáo kỹ lưỡng với Quốc hội vấn đề này.

Theo Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng, dự án nhà máy điện hạt nhân rất quan trọng, tiềm ẩn nguy cơ tác động môi trường, kinh tế xã hội, di dân thực hiện dự án và nguồn vốn rất lớn… Đây đều là tiêu chí của dự án quan trọng quốc gia, thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội.

“Phân cấp, phân quyền cho Thủ tướng Chính phủ thì nhanh hơn, gọn hơn hay tốt hơn thế nào? Nếu chuẩn bị kỹ và trình Quốc hội xem xét thì có mất nhiều thời gian so với việc giao cho Thủ tướng Chính phủ? Khi trình Quốc hội với đầy đủ hồ sơ, đại biểu Quốc hội thảo luận cũng là dịp để nhân dân hiểu rõ hơn chính sách, tính pháp lý và đồng thuận cao hơn” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật – Tư pháp đặt vấn đề và đề nghị làm rõ, báo cáo đầy đủ hơn.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho rằng cần hoàn thiện kỹ lưỡng quy định về việc cho phép cá nhân, tổ chức đầu tư thành lập cơ sở bức xạ, cơ sở tiến hành công việc bức xạ, trong đó có cơ sở sản xuất, chế biến chất phóng xạ, bởi lo ngại về khả năng bảo đảm an toàn của cá nhân, tổ chức. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội lưu ý, tinh thần phân cấp mạnh mẽ nhưng phải rõ ràng; đảm bảo giải quyết nhanh công việc nhưng phải rạch ròi về thẩm quyền, quy trình và trách nhiệm.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị bổ sung quy định việc phê duyệt thiết kế đối với nhà máy điện hạt nhân, lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Liên quan đến vấn đề phân cấp, phân quyền trong Dự án Luật, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng cho rằng, vấn đề năng lượng hạt nhân là vấn đề mới, việc an toàn hạt nhân phải được đặt lên trên hết, trước hết, trong khi nước ta chưa có kinh nghiệm trong vấn đề này.

Do đó, Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cần làm rõ cơ sở, tác động và ảnh hưởng của phân cấp, phân quyền trong thực hiện các dự án năng lượng hạt nhân. “Chủ trương các dự án lớn sẽ do Quốc hội quyết định, còn dự án cụ thể (dưới 2.000MW) sẽ chủ động giao Chính phủ quyết định chủ trương” - Phó Thủ tướng nói. Đồng thời cho rằng, Dự án Luật cần được thông qua sớm để có cơ sở khẩn trương triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 9 sắp tới.

Nguyễn Vũ

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-cho-y-kien-ve-du-an-luat-nang-luong-nguyen-tu-sua-doi.672010.html
Zalo