Ủy ban Kinh tế và Tài chính tiến hành Phiên họp toàn thể lần thứ nhất
Sáng 18.4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi, Ủy ban Kinh tế và Tài chính tiến hành Phiên họp toàn thể lần thứ nhất.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi chủ trì phiên họp
Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh; các thành viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính; đại diện Thường trực các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Kiểm toán Nhà nước...
Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi nêu rõ, theo dự kiến chương trình Kỳ họp thứ Chín của Quốc hội và chương trình Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đến thời điểm này, Ủy ban Kinh tế và Tài chính được phân công chủ trì 26 nội dung.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Trong đó, có 8 dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Chín, gồm 3 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám và 5 dự án luật thông qua theo quy trình một kỳ họp; 4 dự thảo Nghị quyết có tính quy phạm; 9 dự thảo Nghị quyết nội dung về các vấn đề quan trọng thuộc lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân sách; 2 nội dung báo cáo Quốc hội; 3 nội dung thuộc thẩm quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngoài ra, có thể phát sinh một số nội dung khác...
Tại phiên họp toàn thể lần thứ nhất, Ủy ban Kinh tế và Tài chính thảo luận, cho ý kiến trực tiếp về 9 nội dung; Thường trực Ủy ban sẽ tiếp thu ý kiến tại phiên họp để hoàn thiện các báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét. Chủ nhiệm Ủy ban Phan Văn Mãi đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, thẳng thắn đóng góp ý kiến vào các nội dung của phiên họp.
Trình bày tóm tắt Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung cho biết, tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2024 tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng; hoàn thành toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu (trong đó vượt 12 chỉ tiêu); các nhận định, đánh giá bám sát, thể hiện sự thống nhất với các kết quả đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám và Kỳ họp bất thường lần thứ Chín đầu năm 2025.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội đã phục hồi nhanh, rõ nét hơn, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước. Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 sau khi đánh giá bổ sung đã có nhiều thay đổi tích cực hơn như: tốc độ tăng GDP đạt 7,09% (đã báo cáo ước đạt 6,8-7%).
Năm 2025, trên cơ sở tình hình kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm và các công việc đã triển khai, có thể khái quát thành 8 kết quả nổi bật: công tác rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật tiếp tục được quan tâm, tập trung chỉ đạo; tăng trưởng được thúc đẩy, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, GDP quý I ước tăng 6,93% so với cùng kỳ; cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy được triển khai quyết liệt, bám sát chỉ đạo, yêu cầu của Trung ương, Bộ Chính trị; tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực, chỉ đạo, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ vướng mắc để hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm trong năm 2025; phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tiếp tục được đẩy mạnh; các lĩnh vực văn hóa, xã hội, an sinh xã hội, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, thể thao, du lịch, thông tin tuyên truyền… được chú trọng, quan tâm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Vũ Thị Lưu Mai phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Cùng với đó, tiến độ triển khai quy hoạch được đẩy nhanh, liên kết vùng, phát triển kinh tế vùng tiếp tục được thúc đẩy; ổn định chính trị, độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững, tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, đối ngoại và hội nhập quốc tế, nhất là đối ngoại cấp cao được triển khai chủ động, toàn diện, hiệu quả.
Một trong những giải pháp trọng tâm trong thời gian tới là tập trung xây dựng, bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, đặc biệt các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín. Tăng cường cắt, giảm thủ tục hành chính để hạn chế phiền hà, tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Năm 2025, thực hiện cắt giảm hơn 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; bãi bỏ hơn 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết; giảm hơn 30% chi phí tuân thủ pháp luật; mọi thủ tục liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến, thông suốt, liền mạch và hiệu quả, bảo đảm minh bạch, giảm tối đa giấy tờ; 100% số thủ tục hành chính được thực hiện không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Nguyễn Minh Sơn phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Cho ý kiến tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính cơ bản thống nhất với đánh giá của Chính phủ về bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Có ý kiến đề nghị, trong công tác điều hành Chính phủ cần có các giải pháp kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô; quan tâm đánh giá kỹ tác động của việc thực hiện điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, giá các dịch vụ công theo lộ trình thị trường, đặc biệt là chi phí người dân chi trả cho các dịch vụ giáo dục, y tế.
Dự kiến nhiều doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn trong thời gian tới, có đại biểu cho rằng, việc xem xét và triển khai các chính sách tài khóa mở rộng đi kèm với các biện pháp hỗ trợ kịp thời và thiết thực cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn là vô cùng cần thiết. Mặt khác, tình hình cạnh tranh trên thị trường hàng hóa đang diễn ra hết sức gay gắt, do đó, tăng cường quản lý hoạt động nhập khẩu và kiểm soát chặt chẽ nhãn mác hàng hóa trở thành một yêu cầu cấp bách, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có những giải pháp hiệu quả, kịp thời.
+ Tiếp đó, Ủy ban Kinh tế và Tài chính tiến hành thẩm tra dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13.11.2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng.

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Các ý kiến Ủy ban Kinh tế và Tài chính tán thành việc ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết 35/2021/QH15 về chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng và nhận thấy hồ sơ cơ bản đủ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn.
Tuy nhiên, việc thành lập Khu thương mại tự do thế hệ mới tại Hải Phòng là vấn đề lớn, không chỉ mang tính chất kinh tế mà liên quan đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Vì vậy, cần làm rõ những tác động đến tăng trưởng kinh tế, ngân sách, xã hội; tính lan tỏa vùng miền; cơ chế quản lý rủi ro, cơ chế giám sát bảo đảm một mặt thông thoáng song giữ vững an toàn tài chính, an ninh kinh tế, trật tự xã hội; bổ sung hệ thống giám sát định kỳ; trách nhiệm trong triển khai của các cá nhân, tổ chức liên quan.
Để tạo điều kiện cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo có điều kiện phát triển và tăng năng suất lao động, các đại biểu cho rằng, cần quan tâm đến các giải pháp về thúc đẩy nhu cầu của các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng sản phẩm khoa học công nghệ. Các chính sách trong dự thảo Nghị quyết cần sự đột phá hơn nữa trong thúc đẩy các quỹ đầu tư mạo hiểm, hoạt động đổi mới sáng tạo.