Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đề nghị các cơ quan, đơn vị quán triệt thực hiện đúng việc kê khai tài sản, thu nhập
Để việc kê khai tài sản, thu nhập đảm bảo đúng nội dung, hình thức và thời gian theo quy định, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị đề nghị tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt công tác kê khai tài sản, thu nhập trong năm 2024.
Việc kê khai phải hoàn thành trước 31-12-2024
Tại văn bản này, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã lưu ý các cơ quan, tổ chức, đơn vị nghiên cứu thực hiện các nội dung cụ thể như:
Về mẫu biểu bản kê khai phải đảm bảo đúng biểu mẫu kèm theo theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ;
Thời gian kê khai phải hoàn thành trước ngày 31-12-2024. Trước khi tổ chức việc kê khai, lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng; Nghị định số 130/2020/NĐ-CP, ngày 30-10-2020 của Chính phủ để xác định người có nghĩa vụ kê khai hàng năm, kê khai bổ sung tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình quản lý.
Sau khi đã kê khai, các cơ quan, tổ chức, đơn vị căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng; Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày, 30-10-2020 của Chính phủ; Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 3-1-2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản để thực hiện công khai theo quy định.
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai lập danh sách người có nghĩa vụ kê khai và gửi cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có thẩm quyền; hướng dẫn việc kê khai tài sản, thu nhập; lập sổ theo dõi, giao nhận bản kê khai.
Kê khai đầy đủ, đúng quy định
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cũng đã lưu ý một số đề mục kê khai như:
Về quyền sử dụng thực tế đối với đất: ghi đầy đủ địa chỉ, số thửa, số tờ, đúng diện tích theo giấy chứng nhận quyền sử dụng hoặc giấy tờ có liên quan, tên chủ sở hữu quyền sử dụng đất…; đối với trường hợp mua đất gắn liền với nhà thì ghi rõ tổng giá trị đất và nhà, không tự ý tách riêng giá trị đất và nhà khi không đủ cơ sở.
Trường hợp đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giùm (không phải là tài sản của người kê khai), vẫn phải kê khai trong bản kê khai và ghi rõ thông tin, giấy tờ chứng minh đứng tên giùm; đối với thửa đất được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau mà trong đó có đất ở thì kê khai vào mục đất ở; đối với quyền sử dụng đất có được từ mua, chuyển nhượng thì giá trị ghi số tiền thực tế phải trả khi mua hoặc nhận chuyển nhượng cộng với các khoản thuế, phí khác (nếu có).
Đối với nhà ở, công trình xây dựng: ghi đầy đủ địa chỉ, đúng diện tích theo giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc giấy tờ có liên quan, chủ sở hữu quyền sử dụng đất…; đối với trường hợp mua nhà gắn liền với đất thì ghi rõ tổng giá trị đất và nhà, không tự ý tách riêng giá trị đất và nhà khi không đủ cơ sở.
Đối với tài sản là vàng, kim cương, bạch kim, các kim loại quý, đá quý khác phải kê khai khi tổng giá trị các loại tài sản này được quy đổi thành tiền từ 50 triệu đồng trở lên.
Đối với tài sản là tiền: vào thời điểm kê khai, người kê khai có trách nhiệm tự kiểm tra, rà soát, đối chiếu để xác định đúng số tiền mặt hiện có, số dư tài khoản tiền gửi (tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn), tiền cho vay, tiền trả trước, tiền gửi cá nhân, tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam, nếu tổng giá trị các loại tiền trên từ 50 triệu đồng trở lên thì phải kê khai.
Người kê khai ghi rõ số tiền mặt hiện có; nếu có tiền cho vay, tiền trả trước, tiền gửi thì phải ghi rõ đối tượng vay, nhận trả trước, nhận gửi tiền và giá trị; tiền trong thẻ ATM được kê khai vào tiền gửi, không kê khai vào tiền mặt. Kê khai đầy đủ của vợ hoặc chồng, của con chưa thành niên (nếu có).
Đối với vốn góp: nếu góp vốn để đầu tư kinh doanh (trực tiếp và gián tiếp) có tổng giá trị vốn góp từ 50 triệu đồng trở lên thì phải kê khai. Trường hợp góp vốn để mua tài sản như nhà, đất, xe…có tổng giá trị vốn góp từ 50 triệu đồng trở lên thì kê khai vào mục tài sản nhà, đất, xe… trong bản kê khai.
Đối với tài sản theo quy định của pháp luật phải đăng ký sử dụng (như ô tô, mô tô, xe máy…) và các tài sản khác (như đồ mỹ nghệ, cây cảnh, tranh, ảnh…) nếu mỗi loại tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên thì phải kê khai.
Về tổng thu nhập giữa 2 lần kê khai: kê khai rõ các khoản thu nhập của người kê khai, vợ hoặc chồng, con chưa thành niên của người kê khai. Thu nhập chung là các khoản thu nhập không tách ra được của vợ chồng (như: thu nhập từ cho thuê, bán tài sản chung, vợ chồng được hưởng lợi tức từ các khoản đầu tư…).
Đối với các khoản thu nhập từ mua, bán tài sản (đất, nhà…), người kê khai cần phải kê khai khớp đúng giữa giá mua bán thực tế, giá hợp đồng công chứng và giá kê khai nộp thuế theo quy định.
Đối với phần biến động tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm: người kê khai cần đối chiếu kỹ bản kê khai hàng năm năm 2023 với tổng thu nhập năm 2024, mua bán tài sản, chi tiêu trong năm, số dư tiền mặt, tiền gửi… để xác định sự tăng/giảm tài sản đảm bảo tính hợp lý và đúng quy định.
Về giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm cần rõ ràng, đầy đủ và có hồ sơ, chứng từ để chứng minh khi cơ quan kiểm soát tài sản xác minh và chịu trách nhiệm về tính trung thực đối với tài sản, thu nhập.