Hỏi - đáp pháp luật: Đề nghị tòa soạn cho biết, pháp luật quy định như thế nào về việc trả lương thông qua người cai thầu?

* Bạn đọc Lèo Văn Khánh ở xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, pháp luật quy định như thế nào về việc trả lương thông qua người cai thầu?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 100 Bộ luật Lao động năm 2019. Cụ thể như sau:

1. Nơi nào sử dụng người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian tương tự thì người sử dụng lao động là chủ chính phải có danh sách và địa chỉ của những người này kèm theo danh sách những người lao động làm việc với họ và phải bảo đảm việc họ tuân thủ quy định của pháp luật về trả lương, an toàn, vệ sinh lao động.

2. Trường hợp người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian tương tự không trả lương hoặc trả lương không đầy đủ và không bảo đảm các quyền lợi khác cho người lao động thì người sử dụng lao động là chủ chính phải chịu trách nhiệm trả lương và bảo đảm các quyền lợi cho người lao động.

Ảnh minh họa / Vietnam+

Ảnh minh họa / Vietnam+

Trong trường hợp này, người sử dụng lao động là chủ chính có quyền yêu cầu người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian tương tự đền bù hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật.

* Bạn đọc Trần Thị Thanh Hương ở xã Nam Ninh, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng hỏi: Mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ được quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 13 Nghị định số 87/2024/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể như sau:

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ bằng một trong các hình thức theo quy định của pháp luật;

b) Niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng;

c) Niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ không đúng giá cụ thể do cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân quyết định.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá, kê khai giá không thuộc khoản 3 điều này.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá, hàng hóa, dịch vụ trong thời gian Nhà nước thực hiện bình ổn giá.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện niêm yết giá theo đúng quy định đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 điều này;

b) Buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 và khoản 3 điều này.

Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thông báo công khai nội dung biện pháp khắc phục hậu quả nêu trên lên phương tiện thông tin đại chúng trong thời hạn 30 ngày, trường hợp không xác định được khách hàng hoặc khách hàng từ chối nhận thì nộp toàn bộ số tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá niêm yết vào ngân sách nhà nước.

QĐND

* Mời bạn vào chuyên mục Pháp luật xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/pho-bien-giao-duc-phap-luat/hoi-dap-phap-luat-de-nghi-toa-soan-cho-biet-phap-luat-quy-dinh-nhu-the-nao-ve-viec-tra-luong-thong-qua-nguoi-cai-thau-805676
Zalo