Ưu tiên và kỳ vọng
Sau hai tuần được Tổng thống Emmanuel Macron bổ nhiệm làm Thủ tướng Pháp, ông François Bayrou đã chính thức công bố thành phần nội các mới; bày tỏ tin tưởng vào một chính phủ được xây dựng hướng tới sự cân bằng, có kinh nghiệm trong việc hòa giải và khôi phục niềm tin với tất cả người dân Pháp. Các nhà quan sát nhận định, chính phủ mới sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ đầy thách thức là đưa đất nước vượt qua cơn bão chính trị kéo dài nhiều tháng qua và vực dậy nền kinh tế.
Thủ tướng mới, thách thức cũ
Ông François Bayrou, 73 tuổi, lãnh đạo đảng Phong trào Dân chủ, một chính trị gia trung dung và là đồng minh lâu năm của Tổng thống Emmanuel Macron. Ông Bayrou nối tiếp những người tiền nhiệm như Elisabeth Borne, Gabriel Attal và Michel Barnier, trở thành thủ tướng thứ 4 chỉ trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Macron, với nhiệm vụ đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị những tháng qua.
Phát biểu trước báo giới ngay sau khi được bổ nhiệm, ông Bayrou nhận thức rõ được những khó khăn và thách thức đang chờ đợi, đặc biệt khi ở một đất nước mà Quốc hội bị chia rẽ sâu sắc thì việc điều hành chính phủ sẽ khó khăn hơn. Ông Bayrou khẳng định: “Đây là thởi điểm tốt để chúng ta tìm ra một con đường đoàn kết thay vì chia rẽ”.
Tuy nhiên, thách thức của ông Bayrou cũng giống như người tiền nhiệm của mình, đó là phải vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm và sớm đệ trình Quốc hội Pháp thông qua gia hạn ngân sách năm 2024, cùng với đó là đàm phán thông qua Dự luật ngân sách năm 2025 - dự kiến diễn ra vào tháng 1 tới. Các chuyên gia nhận định, để mọi việc diễn ra suôn sẻ, ông Bayrou cần phải xây dựng được sự đồng thuận từ các đảng phái quan trọng khác, nhằm ngăn chặn các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm có thể xảy ra. Thêm vào đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Thủ tướng Bayrou là phải thương lượng với các nhóm chính trị trong Quốc hội để đạt được một “thỏa thuận không kiến nghị bất tín nhiệm” đối với chính phủ mới.
Sau khi người tiền nhiệm của ông Bayrou bị miễn nhiệm, Tổng thống Macron đã dành thời gian trao đổi với các nhà lãnh đạo các đảng khác có ghế trong Quốc hội, ngoại trừ đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (RN). Theo đó, Tổng thống Pháp hy vọng, với kinh nghiệm chính trường dày dạn, ông Bayrou sẽ là chìa khóa giúp khôi phục sự ổn định cho đất nước; đồng thời có khả năng ngăn chặn các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội cho đến ít nhất là tháng 7.2025, khi Pháp có thể tổ chức một cuộc bầu cử Quốc hội mới.
Tuy nhiên, việc bổ nhiệm một nhân vật thân cận với tổng thống vào chức vụ thủ tướng đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các đảng cực tả và cực hữu. Theo đó, đảng cực tả Nước Pháp bất khuất (LFI) tuyên bố sẽ nhanh chóng đưa ra kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ mới. Trong khi đó, đảng Xã hội Pháp dù không phản đối ông François Bayrou, nhưng yêu cầu chính phủ mới phải tôn trọng cuộc tranh luận trong Quốc hội và từ bỏ việc sử dụng Điều khoản 49.3 của Hiến pháp để thông qua các dự luật.
Một nội các có ảnh hưởng
Sau hai tuần kể từ khi được Tổng thống Macron chỉ định vào cương vị mới, ông Bayrou đã công bố thành phần nội các mới của mình. Theo thông cáo từ Văn phòng Thủ tướng Pháp, nội các mới bao gồm 34 bộ trưởng, thuộc cả cánh hữu, trung dung và cánh tả. Nội các mới được mô tả là đủ khả năng tránh được những kiểm duyệt, cũng như không lạm dụng Điều 49.3 để thông qua các dự luật, tránh phải rơi vào tình huống bị bỏ phiếu bất tín nhiệm, có thể dẫn tới phải giải tán giống như các chính phủ trước đây.
Trong danh sách nội các mới của Thủ tướng Bayrou bao gồm cả những gương mặt cũ và mới, trong đó giữ lại vị trí 3 bộ trưởng của chính phủ cũ là Bộ trưởng Lực lượng Vũ trang Sébastien Lecornu, Bộ trưởng Văn hóa Rachida Dati, Bộ trưởng châu Âu và Ngoại giao Jean-Noël Barrot. Bên cạnh đó, nội các mới cũng bao gồm 2 cựu thủ tướng và 3 cựu bộ trưởng được luân chuyển ngành quản lý. Cụ thể, bà Élisabeth Borne, người từ chức thủ tướng hồi tháng 1, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Giáo dục và cựu Thủ tướng Manuel Valls được bổ nhiệm làm Bộ trưởng phụ trách các vùng lãnh thổ hải ngoại. Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Nội vụ Gérard Darmanin đảm nhận Bộ Tư pháp; cựu Bộ trưởng Quan hệ đối tác với các vùng và Phân quyền Catherine Vautrin trở thành Bộ trưởng Lao động và Y tế; cựu Bộ trưởng Chuyển đổi và Dịch vụ công Amélie de Montchalin được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngân sách.
Việc đưa hai cựu thủ tướng vào nội các cho thấy mong muốn của ông Macron về một chính phủ có sức ảnh hưởng, ổn định và không chịu chung số phận với người tiền nhiệm của ông Bayrou là Michel Barnier; ông Barnier mất chức trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hôm 4.12, chỉ 90 ngày sau khi lên nắm quyền, trở thành thủ tướng Pháp có nhiệm kỳ ngắn nhất kể từ năm 1958.
Chính phủ mới của ông Bayrou cũng có sự tham gia của một số gương mặt mới như cựu Tổng Giám đốc Quỹ tiết kiệm (Caisse des Dépôts), ông Eric Lombard, giữ chức Bộ trưởng Bộ kinh tế và Tài chính; bà Marie Barsacq - người chịu trách nhiệm về di sản Thế vận hội Paris 2024, giữ chức Bộ trưởng Bộ Thể thao. Dư luận hiện đang quan tâm tới gương mặt mới là ông Eric Lombard, với hy vọng có thể giúp Pháp giải quyết các vấn đề về nợ công, giảm thâm hụt ngân sách và thúc đẩy sớm thông qua Dự luật ngân sách năm 2025 vào giữa tháng 2.2025.
Sau khi công bố chính phủ mới, Thủ tướng Bayrou bày tỏ tự hào và tin tưởng đây là một chính phủ “có kinh nghiệm trong việc hòa giải và khôi phục niềm tin với tất cả người dân Pháp”; đồng thời khẳng định muốn tạo ra một chính phủ mới chặt chẽ hơn và hướng tới sự cân bằng. Theo thông báo của Điện Élyseé, cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng đầu tiên của chính phủ tân Thủ tướng Francois Bayrou sẽ được tổ chức vào ngày 3.1.2025. Được biết, ông Bayrou sẽ công bố chương trình của chính phủ vào ngày 14.1.2025.
Nhiệm vụ trước mắt
Những ưu tiên trước mắt của nội các mới được báo giới Pháp tổng kết gồm tập trung vào các trường hợp khẩn cấp quan trọng, ngân sách ưu tiên tiết kiệm hơn là thu từ thuế và hạn chế áp lực di cư và giảm thiểu tình trạng phạm pháp. Chiến lược của ông Bayrou, tập trung vào việc cân bằng giữa quản trị có kinh nghiệm với cách tiếp cận thực dụng đối với các thách thức về mặt lập pháp, phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ từ cả đồng minh và đối thủ khi chính phủ bắt tay vào sứ mệnh ổn định bối cảnh chính trị của Pháp.
Tuy nhiên, nội các 35 thành viên của ông Bayrou không có bất kỳ đại diện nào từ Liên minh cánh tả “Mặt trận bình dân mới” (NFP), đảng giành được nhiều ghế nhất trong cuộc bầu cử Quốc hội, khiến nhanh chóng bị phe cánh tả chỉ trích.
Theo các nhà quan sát, chính phủ mới sẽ phải đối mặt với những thách thức tương tự như chính phủ của cựu Thủ tướng Barnier. Nhiều ý kiến cho rằng, Nội các mới của Thủ thướng có tồn tại được hay không phụ thuộc vào khả năng điều hướng bối cảnh Quốc hội đang bị chia rẽ cho đến cuộc bầu cử dự kiến vào mùa hè năm sau. Thêm vào đó, một trong những nhiệm vụ đầu tiên của chính phủ là lập dự luật ngân sách năm 2025 và giảm thâm hụt ngân sách của Pháp, dự kiến sẽ đạt 6% tổng sản phẩm quốc nội vào cuối năm, cao hơn nhiều so với mức 3% GDP mà Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu các quốc gia thành viên. Đây là một vấn đề nhạy cảm cần được Quốc hội thông qua. Trước đó, chính sự phản kháng của Quốc hội đối với dự luật năm 2025 đã dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ của cựu Thủ tướng Michel Barnier.
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, ông Bayrou hy vọng sẽ trình bày ngân sách mới của chính phủ vào giữa tháng 2.2025. Mặc dù ông Bayrou bày tỏ không ủng hộ việc đánh thuế mới đối với các doanh nghiệp, nhưng bản thân ông hiểu rằng thâm hụt công đang tăng vọt của đất nước phải được giải quyết bằng cách cắt giảm chi tiêu. Thâm hụt ngân sách của Pháp, hiện ở mức 6,1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trong khi nợ công của Pháp đạt 3.400 tỷ USD, tương đương hơn 100% GDP. Đây cũng là tâm điểm của những bất ổn chính trị hiện nay ở Pháp.