Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Giai đoạn 2021-2024, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song công tác này vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần được tập trung khắc phục trong thời gian tới.

10 trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2024 được tôn vinh và nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.
Chủ động đổi mới và thực hiện hiệu quả chính sách
Để thể chế hóa chủ trương của Đảng về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, giai đoạn 2021-2024, tỉnh đã tích cực triển khai các cơ chế, chính sách của Trung ương thông qua việc ban hành nhiều chương trình, kế hoạch quan trọng như chương trình nâng cao chất lượng văn hóa, giáo dục, y tế và các cơ chế, chính sách để thu hút, đãi ngộ cán bộ.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách đặc thù như chính sách hỗ trợ hoạt động và thu hút đào tạo cán bộ, giảng viên cho Phân hiệu Trường Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa; chính sách thu hút bác sĩ trình độ cao về làm việc tại các cơ sở y tế công lập; chính sách khuyến khích đối với học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý Trường THPT chuyên Lam Sơn và các trường THPT trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, thực hiện Nghị định số 140/2017/NĐ-CP về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, tỉnh đã tuyển dụng được 6 trường hợp là sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị. Tỉnh cũng đã thực hiện tốt các chính sách về phụ cấp thu hút, phụ cấp công tác lâu năm và các chế độ đãi ngộ khác cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Công tác bình đẳng giới trong sử dụng nguồn nhân lực cũng được chú trọng, thể hiện qua tỷ lệ nữ có trình độ thạc sĩ đạt 50,62%, tỷ lệ nữ có trình độ tiến sĩ đạt 33,5%. Đây là những con số đáng khích lệ, thể hiện sự quan tâm của tỉnh trong việc tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ nữ phát triển chuyên môn, nghiệp vụ.
Về giáo dục nghề nghiệp, tỉnh đã xác định việc đào tạo nghề, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 36/2016/NĐ-HĐND về hỗ trợ kinh phí đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo và thưởng khi được công nhận, bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Kết quả nổi bật và giải pháp đột phá
Về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tỉnh hiện có 4 cơ sở giáo dục đại học, gồm 2 trường trực thuộc tỉnh là Đại học Hồng Đức và Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa; 2 phân hiệu của các trường đại học Trung ương là Phân hiệu Đại học Y Hà Nội và Phân hiệu Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Quy mô đào tạo của 2 trường đại học trực thuộc tỉnh đạt khoảng 14.500 - 17.000 người học/năm. Trong đó, Trường Đại học Hồng Đức có quy mô 10.000 - 12.000 người học, đào tạo 7 chuyên ngành tiến sĩ, 21 chuyên ngành thạc sĩ và 37 ngành đại học; Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa có quy mô 4.500 - 5.000 người học, đào tạo 1 chuyên ngành tiến sĩ, 3 chuyên ngành thạc sĩ và 23 ngành đại học.

Buổi học thực hành trên máy của thầy và trò Trường Đại học Hồng Đức.
Hệ thống giáo dục nghề nghiệp có 66 cơ sở đào tạo, trong đó 9 cơ sở được đầu tư nghề trọng điểm với 15 ngành nghề ở 3 cấp độ: quốc tế, ASEAN và quốc gia. Giai đoạn 2021-2024, các cơ sở này đã đào tạo khoảng 334.576 người với tỷ lệ có việc làm đạt 90%, một số ngành như hàn, may thời trang, điện công nghiệp có tỷ lệ việc làm đạt 100%. Đây là kết quả đáng ghi nhận, thể hiện sự phù hợp giữa đào tạo và nhu cầu của thị trường lao động.
Trong lĩnh vực khoa học công nghệ, tỉnh có 40 tổ chức khoa học và công nghệ và 32 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đứng thứ 4 cả nước (sau Hà Nội, Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh). Về sử dụng nguồn nhân lực trong doanh nghiệp, toàn tỉnh hiện có 22.000 doanh nghiệp với hơn 440.000 lao động. Tiền lương bình quân của người lao động đạt 6,8 triệu đồng/tháng trong doanh nghiệp Nhà nước, 6 triệu đồng/tháng trong doanh nghiệp dân doanh và 6,5 triệu đồng/tháng trong doanh nghiệp FDI. Tỉnh cũng đang tạo việc làm cho 2.004 lao động nước ngoài với mức lương bình quân 27,4 triệu đồng/tháng.
Giai đoạn 2021-2024, tỉnh đã đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao từ ngân sách Nhà nước là 665.372 triệu đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước vốn đầu tư phát triển đã đầu tư 7 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 213.286 triệu đồng; hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề nghiệp 266.362 triệu đồng; ngân sách để đào tạo nhân lực ngành giáo dục 172.500 triệu đồng.
Tuy nhiên, công tác phát triển và sử dụng nguồn nhân lực vẫn còn nhiều thách thức. Chất lượng việc làm chưa cao, tính ổn định, bền vững của việc làm còn thấp; chủ yếu là việc làm giản đơn, việc làm theo thời vụ, nhiều lao động có việc làm nhưng chưa đúng với ngành nghề đào tạo. Tiền lương, tiền công của người lao động còn thấp. Chất lượng nguồn lao động chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước; trình độ chuyên môn, ngoại ngữ lẫn thể lực, ý thức chấp hành kỷ luật, tác phong công nghiệp còn hạn chế.
Để khắc phục những tồn tại này, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung vào các giải pháp đột phá: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền các chính sách, pháp luật về phát triển nguồn nhân lực; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ.
Đặc biệt, tỉnh sẽ ưu tiên bố trí nguồn lực cho công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời có các giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng đào tạo, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động. Tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo, khuyến khích doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào quá trình đào tạo, không chỉ trong thời gian thực hành, thực tập mà còn trong việc xây dựng chương trình, hướng dẫn, giảng dạy. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để thu hút và giữ chân nhân tài, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa của tỉnh.