Giải thưởng Khuê Văn Các lần đầu gọi tên những tài năng Khoa học Xã hội và Nhân văn
T.Ư Đoàn vừa công bố danh sách 9 nhà khoa học trẻ xuất sắc nhận Giải thưởng Khuê Văn Các lần thứ I, năm 2024 – giải thưởng đặc biệt tôn vinh các tài năng trẻ dưới 35 tuổi trong lĩnh vực Khoa học xã hội và Nhân văn (KHXH&NV). Đây là bước đi quan trọng, khẳng định vai trò của KHXH&NV đối với sự phát triển của đất nước, góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học, ứng dụng thực tiễn và xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ngày 12/11, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã công bố danh sách 9 nhà khoa học trẻ đầu tiên trong lĩnh vực KHXH&NV nhận Giải thưởng Khuê Văn Các lần thứ I, năm 2024. Đây là lần đầu tiên giải thưởng này được tổ chức, nhằm khẳng định tầm quan trọng của khoa học xã hội và nhân văn trong sự phát triển của đất nước, đồng thời cụ thể hóa Quyết định số 1314/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát hiện, bồi dưỡng và phát huy tài năng trẻ giai đoạn 2022 - 2030.
Giải thưởng Khuê Văn Các được trao cho các cá nhân xuất sắc dưới 35 tuổi trong 6 ngành: Luật học, Giáo dục học, Kinh tế học, Văn hóa - Nghệ thuật, Triết học - Chính trị học - Xã hội học, và Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học - Nhân học. Giải thưởng nhằm động viên, thúc đẩy phong trào học tập, nghiên cứu khoa học trong giới trẻ, phát huy nguồn lực chất lượng cao cho KHXH&NV.
Sau quá trình xét duyệt và thảo luận qua nhiều phiên họp, Ban Bí thư T.Ư Đoàn đã chọn ra 9 tài năng trẻ xuất sắc nhất từ 46 hồ sơ hợp lệ. Các cá nhân đoạt giải đều có công trình nghiên cứu giá trị cao, được công bố trong và ngoài nước, và góp phần giải quyết những vấn đề thực tiễn xã hội. Các nhà khoa học đoạt giải sẽ nhận Huy hiệu "Tuổi trẻ sáng tạo", Cúp Khuê Văn Các, Giấy chứng nhận và phần thưởng tiền mặt.
1. ThS Trần Linh Huân (trường ĐH Luật TP. HCM): Nghiên cứu về "Phát triển Ngân hàng xanh" tập trung vào việc phân tích thực trạng và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng chính sách và pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng xanh tại Việt Nam. Công trình này cung cấp tài liệu quan trọng cho các nhà hoạch định chính sách và các tổ chức vận hành mô hình ngân hàng xanh hiệu quả hơn.
2. ThS Tạ Thanh Trung (Công ty TNHH Tư vấn và Đào tạo Giáo dục Sài Gòn): Nghiên cứu phát triển "Framework for measuring high school students' design thinking competency in STEAM education" cung cấp một công cụ đánh giá năng lực tư duy thiết kế cho học sinh trung học trong bối cảnh giáo dục STEAM, hỗ trợ giáo viên và nhà nghiên cứu trong việc đánh giá và cải thiện phương pháp giáo dục STEAM.
3. TS Phan Tấn Lực (trường ĐH Thủ Dầu Một): Nghiên cứu "A Systematic Literature Review on Social Entrepreneurial Intention" là một tổng quan hệ thống về ý định khởi sự kinh doanh xã hội, cung cấp nền tảng lý thuyết quan trọng và định hướng nghiên cứu cho các nhà hoạch định chính sách và các chương trình đào tạo nhằm khuyến khích khởi sự kinh doanh xã hội.
4. TS Lê Trần Phước Mai Hoàng (trường ĐH Quốc tế, ĐHQG TP. HCM): Công trình "Exploring the relationship between social media use and anti-luxury behavior" khám phá đặc điểm của các nhóm người tiêu dùng phản đối hàng xa xỉ trên mạng xã hội, đề xuất các chiến lược tương tác để giúp thương hiệu tái kết nối hoặc giảm thiểu phản đối từ những nhóm này.
5. ThS Hoàng Hữu Phước (trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế): Nghiên cứu "Annals of the Hồng Bàng Clan" cung cấp góc nhìn đa chiều về truyền thuyết Hồng Bàng từ lịch sử đến sinh học phân tử, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa dân gian và nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của di sản văn hóa.
6. TS Phan Duy Anh (trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TP. HCM): Cuốn sách về "Mối quan hệ giữa đảng chính trị và nhóm lợi ích trong nền chính trị Mỹ hiện đại" là tài liệu tham khảo quan trọng, giúp người đọc hiểu rõ hơn về tác động của các mối quan hệ này đến chính trị Mỹ.
7. ThS Nguyễn Hữu Hoàng: Nghiên cứu sinh tại ĐH Xã hội Quốc gia Nga, Hoàng đã thực hiện công trình nghiên cứu “Thích ứng xã hội của người cao tuổi Việt Nam đối với chuyển đổi số xã hội". Công trình đánh giá khả năng tiếp cận công nghệ số của người cao tuổi Việt Nam trên bốn lĩnh vực xã hội và cung cấp bằng chứng thực tiễn để điều chỉnh Luật Người cao tuổi 2010. Nghiên cứu này được công bố trên Russian Journal of Regional Studies năm 2023.
8. TS Lý Viết Trường: Nghiên cứu viên tại Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQG Hà Nội, Trường đã nghiên cứu vai trò của thầy Tào trong tín ngưỡng người Nùng Phàn Slình tại Lạng Sơn. Công trình cho thấy sự củng cố vai trò của thầy Tào trong bối cảnh hiện đại hóa, đóng góp giá trị khoa học và thực tiễn trong việc hoạch định chính sách tín ngưỡng cho các cộng đồng dân tộc thiểu số. Nghiên cứu này được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo năm 2022.
9. TS Nguyễn Vũ Kỳ: Chủ nhiệm Bộ môn Kinh tế - Chính trị Nhật Bản, trường KH XH&NV, ĐHQG TP. HCM, Kỳ đã nghiên cứu về tác động kinh tế của Chiến tranh Việt Nam lên Nhật Bản (1965 - 1973). Nghiên cứu góp phần nâng cao nguồn học liệu về lịch sử và quan hệ quốc tế Nhật-Việt, hỗ trợ giảng dạy ngành Nhật Bản học. Cuốn sách được xuất bản bởi Nhà xuất bản Khoa học xã hội năm 2024 và hiện có tại nhiều thư viện đại học lớn ở Việt Nam.