Ưu tiên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, không để lộ lọt bí mật trong nghiên cứu khoa học công nghệ
Sáng 15/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST).
Cắt giảm 81% thủ tục hành chính, đưa ĐMST ngang hàng với KHCN
Tờ trình do Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Mạnh Hùng trình bày cho biết, Luật KH&CN 2013 đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý cơ bản và quan trọng cho việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN. Tuy nhiên, quá trình triển khai thi hành cho thấy còn có những nội dung chưa phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn để phát triển KHCN, phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), cần nghiên cứu, sửa đổi toàn diện.
Việc ban hành Luật KHCN&ĐMST nhằm tạo hành lang pháp lý để KHCN&ĐSMT đóng góp vào nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng, an ninh (QPAN), nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển của nhân loại...

Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Mạnh Hùng trình bày tờ trình về dự án luật.
Dự thảo Luật KHCN&ĐMST gồm 8 chương và 95 điều (tăng 14 điều so với Luật KH&CN năm 2013), có sửa đổi lớn đối với 26 điều, bổ sung 23 điều. Về nội dung sửa đổi, KHCN&ĐMST được xác định là động lực thúc đẩy năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần phát triển KTXH, đảm bảo QPAN, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển của nhân loại; tăng cường nghiên cứu, chuyển dịch nghiên cứu cơ bản về các cơ sở giáo dục đại học; giao quyền tự chủ cho tổ chức nghiên cứu, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu và đánh giá hiệu quả cuối cùng của nghiên cứu; về sở hữu và thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
"Dự thảo luật đã xây dựng chính sách cho phép cơ sở nghiên cứu được sở hữu và có quyền tự quyết đối với kết quả nghiên cứu, với tài sản hình thành từ nghiên cứu. Người làm nghiên cứu cũng được hưởng tối thiểu 30% kết quả thương mại hóa, được phép tham gia thành lập và điều hành doanh nghiệp", Bộ trưởng thông tin.
Đối với tiềm lực con người, nhân lực nghiên cứu chất lượng cao, nhân tài, dự thảo luật bổ sung chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân, chính sách thưởng cho các nghiên cứu cơ bản, chính sách chia lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu cho nhân lực trong nước; cơ chế thỏa thuận lương, ưu đãi, tạo thuận lợi về giấy phép lao động, cấp thị thực để thu hút chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia thực hiện nhiệm vụ KHCN trọng điểm tại Việt Nam, giúp giải quyết các vấn đề mà chuyên gia trong nước chưa giải quyết được. Dự thảo luật cũng đặc biệt bổ sung nguyên tắc, tiêu chí xác định nhân tài trong hoạt động KHCN&ĐMST, qua đó quy đinh cơ chế thu hút, đãi ngộ nhân tài...

Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN&MT Lê Quang Huy trình bày báo cáo thẩm tra.
Về các nội dung mới, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh việc lần đầu tiên, ĐMST được đưa vào và đứng ngang với KHCN. Dự thảo Luật bổ sung các cơ chế hỗ trợ cho hoạt động ĐMST, đặc biệt là trong doanh nghiệp; thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm. "Nhấn mạnh ĐMST là nhấn mạnh phần ứng dụng KHCN vào cuộc sống", Bộ trưởng lý giải.
Phân cấp việc xây dựng, quản lý chương trình KHCN&ĐMST quốc gia từ Bộ KH&CN về các bộ, ngành; chuyển thẩm quyền từ Bộ KH&CN về các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương (Điều 15). Bộ KH&CN tập trung vào nghiên cứu cơ bản, công nghệ chiến lược và công nghệ lõi. Các bộ, ngành, địa phương tập trung vào nghiên cứu ứng dụng phù hợp với yêu cầu phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương.
Về cải cách thủ tục hành chính, dự thảo luật đã cắt giảm 9/11 thủ tục, đạt 81%.
Tạo không gian mở để doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển KHCN&ĐMST
Qua thẩm tra, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) tán thành với sự cần thiết ban hành Luật KHCN&ĐMST với các lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ hơn các chính sách ưu đãi, vượt trội, đặc thù trong Nghị quyết số 57, ví dụ nghiên cứu, thể chế hóa nội dung về chấp nhận độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh thảo luận tại phiên họp.
Về quy định vai trò của doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân, Thường trực Ủy ban KHCN&MT đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát để thể chế hóa đầy đủ các chính sách khẳng định vai trò của doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân. Theo đó, cần tạo không gian mở, thuận lợi để cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện quyền tự do nghiên cứu và phát triển KHCN&ĐMST, quyền tự do kinh doanh trong ứng dụng kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh; từ đó, làm động lực để thúc đẩy phát triển KHCN&ĐMST mạnh mẽ hơn.
Về quy định đối với nhà khoa học, Thường trực Ủy ban KHCN&MT đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ quy định tại khoản 4 Điều 11 để phù hợp với nguyên tắc "lấy nhà khoa học là trung tâm" nêu trong Nghị quyết số 57; bổ sung đối tượng "tổ chức, cá nhân đề xuất, thẩm định đề án thử nghiệm" không phải chịu trách nhiệm dân sự, hành chính, hình sự nếu tuân thủ đầy đủ quy trình liên quan đến cơ chế thử nghiệm có kiểm soát; bổ sung quy định khoán chi đến sản phẩm cuối cùng đối với nhiệm vụ KHCN&ĐMST mà không cần hóa đơn, chứng từ, góp phần đơn giản hóa thủ tục thanh quyết toán...

Chủ nhiệm Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới thảo luận tại phiên họp.
Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá, dự án luật đã thể hiện tinh thần đổi mới, bám sát chủ trương của Đảng theo Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về phát triển KHCN&ĐMST. Tuy nhiên, chính sách của Nhà nước phát triển nguồn nhân lực KHCN và thu hút nhà khoa học là Việt kiều và người ở nước ngoài lại được dự thảo luật xếp cuối cùng, sau các chính sách về đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, chính sách về phát triển thị trường KHCN, chính sách khuyến khích nghiên cứu... là chưa hợp lý.
"Cần có những tuyên bố rất là rõ ràng về thu hút nhân lực công nghệ từ người Việt kiều và người nước ngoài. Nghị quyết 57 quy định cơ chế đặc thù thu hút người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài có trình độ cao về Việt Nam làm việc, sinh sống, có cơ chế đặc biệt về sở hữu nhà đất, thu nhập, môi trường... nhằm thu hút, trọng dụng, giữ chân nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia", Phó Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng và đề nghị cần ưu tiên nguồn nhân lực trong dự thảo. Vì đây là đối tượng rất đặc thù, nếu không có thì rất khó thực hiện.
Chủ nhiệm Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới bày tỏ thống nhất với những quy định về chính sách thu hút, đãi ngộ xứng đáng với các nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia, nhân lực chất lượng cao, song đề xuất Ban soạn thảo nghiên cứu, có chính sách ưu tiên hơn đối với những nhà khoa học, chuyên gia phục vụ trong lực lượng vũ trang. Bên cạnh đó, ông cho rằng, những nghiên cứu tiên tiến nhất của đất nước về KHCN nên được áp dụng cho lĩnh vực QPAN trước, đặc biệt là khoa học quân sự; đề nghị luật có những chính sách ưu tiên, vượt trội phù hợp để phát triển KHCN&ĐMST, đồng thời không để lộ, lọt bí mật trong nghiên cứu KHCN, nhất là lĩnh vực quân sự...