Ưu thế về thiết bị quân sự của Nga trước Ukraine còn kéo dài bao lâu?

Cựu quan chức Lầu Năm Góc Michael Carpenter nhận định, nguồn cung thiết bị quân sự của Nga 'không dồi dào như nhiều người nghĩ'.

Theo Business Insider, chia sẻ với kênh podcast Power Vertical vào tháng 4, ông Carpenter, người từng là Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách về Nga và Ukraine tại Lầu Năm Góc giai đoạn 2015 – 2017, cho biết phần lớn sản lượng quân sự tăng cường của Nga đang được đưa thẳng đến tiền tuyến ở Ukraine.

"Mặc dù, Nga đã tăng mạnh sản lượng quân sự, nhưng về cơ bản, họ đang sử dụng hết toàn bộ sản lượng đó chỉ trong vài tuần", ông Carpenter lưu ý.

Nga vẫn giữ ưu thế về nguồn cung thiết bị quân sự so với Ukraine. Ảnh: Tass

Nga vẫn giữ ưu thế về nguồn cung thiết bị quân sự so với Ukraine. Ảnh: Tass

Kho dự trữ thiết bị khổng lồ có từ thời Liên Xô của Nga được cho đang cạn kiệt nhanh chóng, kể từ khi Moscow triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022.

Hồi tháng 2 năm nay, Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) ước tính Nga đã mất 14.000 xe tăng chiến đấu chủ lực, xe chiến đấu bộ binh và xe bọc thép chở quân kể từ khi xung đột bùng nổ ở Ukraine. Trước đó, vào tháng 1, ông Pavel Luzin tại Trung tâm Phân tích chính sách châu Âu dự đoán, "năm 2025 sẽ là năm cuối cùng Nga có thể dựa vào kho vũ khí thông thường khổng lồ có từ thời Liên Xô, bao gồm pháo binh, xe tăng chiến đấu chủ lực và xe bọc thép".

Nếu Nga tiếp tục ghi nhận mức độ tổn thất thiết bị như hiện nay, ông Luzin tin, đến giữa năm 2025, Moscow sẽ buộc phải phụ thuộc vào nguồn vũ khí mới được sản xuất.

Theo một số nguồn tin, Nga ngày càng dựa vào các đồng minh như Iran và Triều Tiên để bù đắp tình trạng thiếu hụt đạn dược. Phân tích mới công bố của nhóm nghiên cứu Trung tâm Nguồn mở cho thấy, có tới 100% đạn dược quân Nga sử dụng trong một số cuộc giao tranh ở Ukraine đến từ Triều Tiên.

Mới đây, liên quan tới hoạt động chiến đấu ở Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban Công nghiệp quân sự Nga hôm 23/4 rằng, dù đã nhận được hơn 1,5 triệu máy bay không người lái (UAV) và hơn 4.000 xe bọc thép vào năm 2024, nhưng quân đội nước này vẫn đang thiếu UAV góc nhìn thứ nhất (FPV). Ông Putin nhấn mạnh, FPV vốn là một trong những thiết bị quan trọng trong quá trình Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước láng giềng. Ngoài ra, lãnh đạo Điện Kremlin nhấn mạnh Nga cần ưu tiên phát triển xuồng không người lái (USV), robot và cả vũ khí laser.

Cũng theo ông Putin, ngành công nghiệp quân sự Nga trong năm nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức hơn so với năm 2024.

Tuy nhiên, trên thực tế, không có dấu hiệu nào cho thấy những nỗ lực sản xuất thiết bị quân sự, hoặc chiến đấu của Nga đang bị chậm lại. Phát biểu tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ hồi tháng 4, Tướng hàng đầu của Mỹ tại châu Âu Christopher Cavoli nói, Nga đang trên đà xây dựng kho đạn pháo 155mm "lớn gấp 3 lần so với Mỹ và châu Âu cộng lại". Ông Cavoli nói thêm, Moscow cũng đang dần thay thế hầu hết các thiết bị quan trọng đã mất trong năm 2024.

Còn theo kênh podcast Power Vertical, nhà phân tích quân sự Michael Kofman từng nhận định, sau khi mùa đông tạm lắng, Nga đã đẩy mạnh cường độ tấn công cơ giới.

Trong khi đó, các vấn đề về nguồn cung thiết bị quân sự của Ukraine được ghi nhận từ lâu và đứng trước nguy cơ trở nên tồi tệ hơn nếu Nhà Trắng quyết định dừng viện trợ.

Về phần mình, Ukraine tự hào cho rằng sản lượng UAV của nước này hiện có quy mô lớn nhất thế giới. UAV cũng đã chứng minh vai trò quan trọng ở các tuyến đầu trong cuộc xung đột Nga – Ukraine.

Bên cạnh đó, vào đầu tháng 3, Liên minh châu Âu (EU) đã giới thiệu dự án quốc phòng mang tên "Tái vũ trang châu Âu" với tổng trị giá giá lên đến 800 tỷ Euro (hơn 840 tỷ USD) để khẩn cấp hỗ trợ cho Ukraine cũng như đảm bảo an ninh về dài hạn cho châu Âu.

Hơn 30 quốc gia đã quyên góp gần 130 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine. Trong đó, Mỹ đứng đầu với con số 61 tỷ USD và Đức đứng thứ 2 với 30 tỷ USD hỗ trợ Kiev.

Minh Thu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/uu-the-ve-thiet-bi-quan-su-cua-nga-truoc-ukraine-con-keo-dai-bao-lau-2395737.html
Zalo