Thỏa thuận với Ukraine khó thay thế Trung Quốc: Mỹ vẫn 'khát' đất hiếm
Theo các nhà phân tích, thỏa thuận giữa Mỹ và Ukraine về đất hiếm, với mục tiêu thay thế Trung Quốc trong vai trò nhà cung cấp, sẽ không mang lại nhiều giá trị nếu thiếu khả năng chế biến khoáng sản.

Các mẫu đất hiếm bao gồm Cerium oxide, Bastnasite, Neodymium oxide và Lanthanum carbonate. Ảnh: Reuters.
Bất chấp một thỏa thuận mới được ký kết với Washington, Ukraine sẽ mất nhiều năm mới có thể cạnh tranh với Trung Quốc trong vai trò là nguồn cung cấp hàng đầu các khoáng sản thiết yếu cho ngành sản xuất thiết bị công nghệ cao, năng lượng xanh và công nghệ hàng không vũ trụ của Mỹ. Theo các chuyên gia, điều này sẽ khiến các công ty Mỹ tiếp tục vất vả tìm kiếm nguồn nguyên liệu khi Bắc Kinh hạn chế xuất khẩu giữa bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang.
Phần lớn trữ lượng khoáng sản được săn đón của Ukraine hiện nằm tại những khu vực bị Nga chiếm đóng sau hơn 3 năm chiến sự, các chuyên gia cho biết. Phần còn lại cũng sẽ mất nhiều năm mới có thể khai thác do Ukraine thiếu năng lực chế biến.
Trung Quốc hiện nắm giữ khoảng 60% trữ lượng đất hiếm của thế giới và chịu trách nhiệm khoảng 90% công đoạn tinh luyện – tức quá trình tách các kim loại này khỏi các khoáng chất khác. Năm ngoái, Trung Quốc sản xuất khoảng 270.000 tấn đất hiếm, theo dữ liệu từ Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS).
USGS hiện liệt kê 50 loại khoáng sản là “thiết yếu”, trong đó bao gồm 17 nguyên tố đất hiếm.
“Quy mô không thể so sánh được”, giáo sư Liang Yan, chuyên ngành kinh tế học tại Đại học Willamette (Mỹ), nhận định. Bà cho biết, “Ukraine không có trữ lượng khoáng sản trị giá hàng chục tỷ USD. Và vấn đề không chỉ nằm ở trữ lượng, mà còn là năng lực chế biến”.
Hôm thứ Tư trong tuần, Ukraine và Mỹ đã ký một thỏa thuận hợp tác khoáng sản sau hai tháng đàm phán căng thẳng. Nhà Trắng mô tả thỏa thuận này như một phần tiếp nối cam kết của Mỹ đối với quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá, trong bối cảnh viện trợ quân sự đã bị dừng lại.
Theo chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, hai bên sẽ thành lập một quỹ chung để nhận 50% tiền bản quyền, phí cấp phép và các khoản thu khác từ các dự án tài nguyên tại Ukraine. Mục tiêu chính của thỏa thuận được xác định là “an ninh kinh tế”.
Theo USGS, Ukraine có khoảng 500.000 tấn lithium – thành phần then chốt trong sản xuất pin – cùng với trữ lượng graphite chiếm khoảng 20% tài nguyên toàn cầu. Nguồn neodymium tại Ukraine có thể phục vụ sản xuất tua-bin gió, trong khi các kim loại khác tại nước này có thể được dùng để chế tạo TV, đèn chiếu sáng và thiết bị laser.
Trung Quốc đã hạn chế xuất khẩu khoáng sản sang Mỹ như một biện pháp đáp trả trước các lệnh hạn chế và tăng thuế từ Washington.
Cuối cùng, Bắc Kinh sẽ không còn cần đến thị trường Mỹ, theo ông Jon Hykawy – Chủ tịch công ty tư vấn ngành công nghiệp Stormcrow Capital có trụ sở tại Toronto. “Nhiều vật liệu thiết yếu hiện đang được Trung Quốc sử dụng trong chính quá trình chuyển đổi năng lượng của họ”, ông nói.
Tuy nhiên, để Ukraine trở thành một nguồn cung cấp khả thi sẽ mất ít nhất một thập kỷ, ông Hykawy nhấn mạnh.
“Trước hết, bạn cần có mỏ”, ông nói. “Việc xây dựng một mỏ khai thác đòi hỏi vốn đầu tư. Muốn huy động vốn, bạn phải có mức độ rủi ro chấp nhận được để thu hút nhà đầu tư. Nhưng không ai chấp nhận rủi ro đầu tư vào một khu vực vẫn đang là vùng chiến sự”.
Theo giáo sư Liang, Washington nên cân nhắc các quốc gia khác bên cạnh Ukraine để thay thế nguồn đất hiếm, chẳng hạn như các nước ở Trung Á.
“Xét tình hình chiến sự hiện tại, khả năng phát triển nguồn khoáng sản tại Ukraine trong tương lai gần là rất thấp”, ông Victor Gao, Phó Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa (Trung Quốc), nhận định. “Vấn đề cốt lõi là ở công nghệ tinh luyện những vật liệu thường rất phân tán này. Người Mỹ, người Nga và người Ukraine đều không có đủ trình độ để tinh chế đất hiếm”.