Ưu đãi cho xe điện ở Việt Nam không thấp hơn các nước

Chia sẻ tại Hội thảo 'Giảm phát thải ngành ô tô: Nhiều lối đi - Một đích đến' do Báo Đầu tư tổ chức, bà Trần Thị Bích Ngọc - Trưởng phòng Thuế xuất nhập khẩu, Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính khẳng định, ở thời điểm hiện tại, ưu đãi đối với xe điện ở Việt Nam không thấp hơn mức ưu đãi đang áp dụng tại các nước trong khu vực.

Bà Trần Thị Bích Ngọc, Trưởng phòng Thuế xuất nhập khẩu Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính.

Bà Trần Thị Bích Ngọc, Trưởng phòng Thuế xuất nhập khẩu Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính.

PV: Xin bà chia sẻ về những chính sách ưu đãi đối với hoạt động sản xuất, lắp ráp xe ô tô trong nước?

Bà Trần Thị Bích Ngọc: Việc khuyến khích sản xuất, lắp ráp trong nước, một mặt tạo công ăn việc làm cho người lao động, một mặt phải đảm bảo cho những nhà đầu tư khi đầu tư vào Việt Nam phát triển. Trên góc độ đó, Bộ Tài chính cũng đã xây dựng trình Chính phủ và Quốc hội ban hành nhiều các chính sách.

Cụ thể, như đối với thuế nhập khẩu, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2020/NĐ-CP đưa chương trình ưu đãi đối với cả ngành sản xuất, lắp ráp ô tô. Trong đó, với ngành ô tô, nếu các doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện, phụ tùng mà trong nước chưa sản xuất được sẽ được miễn thuế nhập khẩu. Ngoài ra, các ngành công nghiệp phụ trợ để cho sản xuất, lắp ráp ô tô cũng được miễn thuế nhiều.

Lĩnh vực công nghiệp ô tô và ô tô từ trước đến nay nằm trong các danh mục được xây dựng nhiều chính sách để khuyến khích phát triển ngành ô tô. Cho đến hiện nay, ngành ô tô cũng đã có những bước phát triển đáng ghi nhận khi Việt Nam đã có sản phẩm ô tô "made in Việt Nam" cũng như có rất nhiều thương hiệu lớn trên thế giới đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp ô tô trong và ngoài nước đã đầu tư dây chuyền sản xuất, lắp ráp ô tô.

Từ năm 2023, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 26/2023/NĐ-CP thay thế Nghị định 57/2020/NĐ-CP, nhưng Nghị định đó cũng đã tiếp tục duy trì các chính sách ưu đãi đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, trong đó có ô tô điện, ô tô thân thiện môi trường.

Đồng thời, chính sách được kéo dài cho đến hết năm 2027. Từ sau năm 2027, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đánh giá xem chính sách còn phù hợp hay cần thay đổi để trình Chính phủ ban hành các chính sách mới cho phù hợp.

Về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt, đối với ngành ô tô điện, mức thuế suất cũng đã giảm so với Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 70/2014/QH13, như đối với loại xe chở người đến 9 chỗ áp dụng thuế suất 10% thay vì mức 15% trước đây. Xe chở người từ 10 - 16 chỗ hay 16 - 24 chỗ đều giảm 5% so với quy định trước đây.

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và Quốc hội ban hành Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi. Trong đó, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe điện thấp hơn rất nhiều, quanh khoảng 1-3%, từ 1/3/2022 đến 1/3/2027; sau đó tăng lên 4-7%. Trong khi đó, đối với dòng xe chạy nguyên liệu hóa thạch, thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng 35% - 150%, tương đương đối với cả các mức mà cùng chủng loại.

Đối với thuế, lệ phí trước bạ, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ và ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP, trong đó ưu đãi với mức lệ phí trước bạ ở mức cao đối với xe điện như miễn thuế lệ phí trước bạ 3 năm đầu với xe điện, 2 năm tiếp theo giảm 50% cho xe điện. Trong khi đó, mức lệ phí trước bạ này đối với các xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch là 10%-12%.

PV: Có ý kiến cho rằng, chính sách ưu đãi cho xe điện ở một số nước trong khu vực hiện nay có vẻ ưu đãi hơn mức thuế ở Việt Nam. Xin bà chia sẻ thêm về điều này?

Bà Trần Thị Bích Ngọc: Hiện nay, tại Việt Nam, ưu đãi đối với xe ô tô điện nhập khẩu nguyên chiếc là đang là 70%, trong khi ở Thái Lan đang là 60%. Tuy nhiên, đối với xe nhập khẩu chúng ta cần phải có chính sách là để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển, từ đó giúp có các phát triển bền vững và có các xe mang thương hiệu Việt Nam, giữ chân những nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào Việt Nam.

Ngoài ra, cũng còn nhiều chính sách khác, như đối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô thường đầu tư vào các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc là đặc biệt khó khăn; đối với các máy móc, thiết bị tạo tài sản cố định của các dự án đầu tư tại các địa bàn khó khăn đặc biệt khó khăn được miễn thuế nhập khẩu. Tiền thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế, phí đều được ưu đãi ở mức cao nhất.

Bà Trần Thị Bích Ngọc (bên phải) chia sẻ tại hội thảo.

Bà Trần Thị Bích Ngọc (bên phải) chia sẻ tại hội thảo.

Đối với pin, theo Quyết định số 38/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao, pin nhiên liệu hay pin lithium, hiệu năng cao, dung lượng lớn, tuổi thọ lớn, an toàn và thân thiện với môi trường thuộc danh mục ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư. Về thuế hiện nay, tất cả các sắc thuế đều được áp dụng ở mức ưu đãi cao nhất.

Bên cạnh các chính sách cho xe điện, xe lai cũng được ưu đãi, ở mức cao dù không bằng xe điện. Luật hiện quy định áp dụng mức thuế bằng 70% dòng xe chạy nguyên liệu hóa thạch cùng chủng loại. Đối với xe ô tô mà chạy bằng năng lượng sinh học, áp dụng thuế chỉ bằng 50% mức thuế suất của xe ô tô cùng chủng loại nhưng chạy bằng xăng. Tôi nghĩ rằng các chính sách này cũng đã ban hành đầy đủ.

PV: Trong thời gian tới, định hướng của Bộ Tài chính như thế nào, thưa bà?

Bà Trần Thị Bích Ngọc: Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu để hỗ trợ người dân cũng như doanh nghiệp, các nhà sản xuất ô tô ở cả hai loại gồm cả xe ô tô điện và các xe ô tô lai.

Như là đối với thuế bảo vệ môi trường, chỉ có quy định là thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ từ gốc hóa thạch và không thu thuế đối với phần xăng dầu, mỡ mà làm từ nhiên liệu sinh học.

Ngoài ra, trong thời gian tới, chúng tôi cũng đã nghiên cứu về lệ phí trước bạ đối với cả xe ô tô chạy pin. Hiện chúng tôi đang tổng kết để đánh giá, đề xuất sửa mức thu lệ phí trước bạ đối với cả dòng xe ô tô chạy pin, từ đó sẽ có nhiều giải pháp.

Mục tiêu quan trọng nhất của Bộ Tài chính cũng như của Chính phủ không phải chỉ để thu cho thật nhiều thuế, quan trọng hơn là hướng đến sự phát triển của doanh nghiệp. Bởi nguồn thu muốn bền vững, các doanh nghiệp phải phát triển, từ đó đóng góp được cho đất nước, không qua thuế nhập khẩu hay thuế tiêu thụ đặc biệt, thì cũng sẽ thu được từ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân từ những người lao động.

PV: Xin cảm ơn bà!

Với các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người mua xe điện đang được áp dụng ở một số quốc gia, bà Ngọc cho rằng việc hỗ trợ còn tùy thuộc vào tình hình mỗi nước. Khoản tiền 100 triệu đồng hỗ trợ cho người mua ô tô có thể hỗ trợ để cho 3 người mua được chiếc xe máy, để làm công cụ lao động chẳng hạn. Khi đó sẽ dẫn đến câu hỏi ngược lại về việc hỗ trợ cho những người chưa có điều kiện, thay vì cho người đã có điều kiện mua xe ô tô. Ở góc độ cá nhân, việc hỗ trợ còn tùy thuộc vào tình hình mỗi quốc gia.

Hồng Vân (ghi)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/uu-dai-cho-xe-dien-o-viet-nam-khong-thap-hon-cac-nuoc-158402.html
Zalo