Trung Quốc thông qua kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu
Cơ quan lập pháp Trung Quốc đã thông qua một kế hoạch chính thức vào ngày 13/9 để bắt đầu tăng dần độ tuổi nghỉ hưu theo quy định từ ngày 1/1/2025 và kết thúc vào năm 2040, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc.
Sức ép già hóa dân số
Mục tiêu trong kế hoạch 15 năm trên của Trung Quốc là tăng tuổi nghỉ hưu thêm 3 năm đối với nam giới lên 63 tuổi, 5 năm đối với phụ nữ làm việc trong các nhà máy từ 50 đến 55 tuổi và 3 năm đối với phụ nữ làm việc trong các công việc văn phòng từ 55 đến 58 tuổi.
Những cải cách đó "đã quá chậm và rất được hoan nghênh", bà Erica Tay, giám đốc nghiên cứu vĩ mô tại Maybank Investment Banking Group, bình luận trên đài CNBC.
Trung Quốc đang phải vật lộn với tình trạng lực lượng lao động giảm sút và rủi ro thiếu hụt quỹ lương hưu đang rình rập và có thể gây tổn hại đáng kể đến nền kinh tế.
Các nhà kinh tế từ lâu đã kêu gọi Trung Quốc thực hiện cuộc đại tu quy định về độ tuổi nghỉ hưu của nước này, vốn đang ở ngưỡng thấp nhất thế giới, theo đài CNBC. Tuổi nghỉ hưu ở Trung Quốc được thiết lập ở giai đoạn tuổi thọ trung bình thấp. Vào năm 2023, tuổi thọ trung bình ở trung Quốc đã tăng lên 78,6 năm, từ khoảng 44 tuổi vào năm 1960.
Tỷ lệ sinh thấp và tuổi nghỉ hưu tương đối sớm đồng nghĩa rằng dân số trong độ tuổi lao động ở Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm.
Bà Tay cho rằng Trung Quốc cần khai thác nguồn lao động lớn tuổi của họ khi lực lượng lao động suy giảm nghiêm trọng hơn trong thập kỷ tới. "Sự thay đổi chính sách này (điều chỉnh quy định tuổi nghỉ hưu - BTV) sẽ ngăn chặn sự sụt giảm mạnh hơn trong tiềm năng tăng trưởng của Trung Quốc, mặc dù chỉ là không đáng kể".
Đây là một động thái thận trọng của Trung Quốc nhằm "tạo sự cân bằng giữa việc khắc phục tình trạng trì trệ dân số và điều chỉnh kỳ vọng của mọi người" theo tốc độ dần dần và có chừng mực, theo ông Bruce Pang, nhà kinh tế trưởng kiêm giám đốc nghiên cứu thị trường Trung Quốc tại công ty dịch vụ bất động sản JLL.
Trước kia, Bắc Kinh đã tuyên bố đang cân nhắc kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu nhưng đã hoãn lại sau khi vấp phải sự phản ứng của công chúng.
"Kế hoạch lần này có thể không được đồng thuận nhưng mang lại sự chắc chắn rất cần thiết và tốt cho tương lai kinh tế dài hạn của Trung Quốc", ông Tianchen Xu, chuyên gia kinh tế cấp cao tại công ty phân tích kinh tế Economist Intelligence Unit, nhận định. Ông Xu cho rằng Trung Quốc đã tránh thu hẹp khoảng cách 5 năm giữa tuổi nghỉ hưu của nam và nữ, và họ đang hành động thận trọng để "tránh phản ứng dữ dội hơn của xã hội".
Rủi ro khủng hoảng lương hưu
Trước khi cơ quan lập pháp Trung Quốc công bố kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu, các nhà kinh tế đã đánh giá rằng hệ thống lương hưu của nước này, vốn dựa vào lực lượng lao động để trả lương cho người về hưu, là không bền vững và cần phải cải cách.
Bà Sheana Yue, nhà kinh tế tại công ty phân tích và dự báo kinh tế Oxford Economics, nhận định rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ giúp Trung Quốc giảm bớt tình trạng thiếu hụt tiền quỹ lương hưu của chính quyền địa phương. "Mặc dù dòng tiền vào có thể không thay đổi nhiều, nhưng dòng tiền ra sẽ bị trì hoãn, giúp chính quyền địa phương có thời gian để khắc phục thâm hụt ngân sách", bà Yue phân tích.
Trong báo cáo năm 2019, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc ước tính rằng hệ thống lương hưu của nước này sẽ cạn tiền vào năm 2035.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu vĩ mô Erica Tay của Maybank Investment Banking Group cho rằng Trung Quốc "cần phải nỗ lực hơn nữa để cải thiện mức độ đủ điều kiện nghỉ hưu". Đồng thời, Bắc Kinh cũng cần xây dựng một kế hoạch lương hưu mạnh mẽ hơn và các kênh đầu tư đa dạng để đảm bảo tiết kiệm hưu trí bền vững.
Kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu mà Trung Quốc vừa công bố sẽ được triển khai dần dần dựa trên một hệ thống tính toán khá phức tạp. Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc đã bổ sung một số công cụ để công dân nước này kiểm tra độ tuổi nghỉ hưu trên website và ứng dụng di động của họ.
Chính quyền Trung Quốc cho biết một số người nhất định có thể được miễn trừ áp dụng tăng tuổi nghỉ hưu, đồng thời kêu gọi chính quyền của các địa phương và khu vực "phản ứng tích cực với tình trạng dân số già hóa, khuyến khích và hỗ trợ mọi người tham gia lực lượng lao động hoặc khởi nghiệp".
Trung Quốc có thể sẽ triển khai "một đợt trì hoãn khác vào cuối những năm 2030, đặc biệt là nếu số dư quỹ lương hưu của Trung Quốc bị eo hẹp", ông Xu cho biết.