Uranium nghèo Anh định gửi cho Ukraine nguy hiểm thế nào?

Mặc dù đạn uranium nghèo không được coi là vũ khí hạt nhân, nhưng việc chúng phát ra phóng xạ khiến IAEA cảnh báo về những nguy cơ phơi nhiễm.

Chính phủ Anh tuyên bố sẽ cung cấp cho Ukraine đạn xuyên giáp chứa uranium nghèo - sản phẩm phụ của quá trình làm giàu uranium. Uranium cần thiết để chế tạo vũ khí hạt nhân.

Phản ứng với thông tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo Nga sẽ "đáp trả tương ứng nếu cả phương Tây bắt đầu sử dụng vũ khí có 'thành phần hạt nhân'" này.

Theo Edward Geist, chuyên gia hạt nhân tại tổ chức nghiên cứu RAND, các viên đạn chứa uranium nghèo giữ lại một số đặc tính phóng xạ, chứ không thể tạo ra phản ứng hạt nhân như vũ khí hạt nhân. Dù vậy, loại đạn này vẫn rất nguy hiểm.

Uranium nghèo là gì?

Uranium nghèo là sản phẩm phụ của quá trình tạo ra uranium - được sử dụng trong nhiên liệu hạt nhân và vũ khí. Mặc dù kém mạnh hơn nhiều so với uranium đã được làm giàu và không có khả năng tạo ra phản ứng hạt nhân, nhưng uranium nghèo cực kỳ đậm đặc - đậm đặc hơn cả chì. Đặc điểm này khiến đạn có uranium nghèo được đánh giá cao.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Geist cho biết: “Nó quá đặc và có nhiều động lượng đến mức có thể xuyên qua lớp áo giáp – và nó có thể nóng lên đến mức bốc cháy".

Scott Boston, nhà phân tích quốc phòng cấp cao của RAND, cho biết khi khai hỏa, loại đạn uranium nghèo về cơ bản trở thành “một phi tiêu kim loại được bắn với tốc độ cực cao”.

Vào những năm 1970, quân đội Mỹ bắt đầu chế tạo đạn xuyên giáp bằng uranium nghèo và sau đó thêm nó vào áo giáp xe tăng tổng hợp để tăng cường sức mạnh. Họ cũng bổ sung uranium nghèo vào các loại đạn được bắn bởi máy bay tấn công hỗ trợ trên không A-10, được gọi là "sát thủ xe tăng".

Nga nói gì?

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết người Anh "đã mất phương hướng", đồng thời cảnh báo các loại vũ khí này là "một bước đẩy nhanh sự leo thang".

Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cho biết thông báo của là "tiến thêm một bước nữa và bước leo thang cuối cùng không còn xa".

Tổng thống Putin trong khi đó cảnh báo Nga sẽ "buộc phải phản ứng" nếu Vương quốc Anh cung cấp đạn dược loại này cho Ukraine mà không giải thích chi tiết.

Mỹ nói gì?

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết loại đạn dù giúp tăng cường khả năng vượt qua hệ thống phòng thủ trên xe tăng, vẫn “không phóng xạ” và “không ở bất kỳ đâu gần” phạm vi vũ khí hạt nhân.

Ông nói: “Đây là một loại vũ khí phổ biến… Nếu Nga đặc biệt quan tâm đến xe tăng và binh lính xe tăng của họ… thì họ có thể đưa chúng qua biên giới trở lại Nga. Tôi nghĩ điều thực sự đang diễn ra ở đây là Nga không muốn Ukraine tiếp tục hạ gục xe tăng của mình”.

Vẫn có rủi ro

Chương trình Môi trường Liên hợp quốc đã mô tả loại đạn này là "kim loại nặng độc hại về mặt hóa học và phóng xạ".

Mặc dù đạn uranium nghèo không được coi là vũ khí hạt nhân, nhưng mức độ phát xạ thấp của nó khiến cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc khuyến cáo nên thận trọng khi xử lý và cảnh báo về những nguy cơ có thể xảy ra khi phơi nhiễm.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thì cảnh báo rằng việc xử lý các loại đạn như vậy “nên được giữ ở mức tối thiểu, cùng với quần áo bảo hộ hoặc găng tay", đồng thời cho biết thêm “một chiến dịch thông tin công khai có thể được yêu cầu để đảm bảo người dân tránh tiếp xúc với các viên đạn”.

“Điều này sẽ là một phần của bất kỳ đánh giá rủi ro nào và các biện pháp phòng ngừa như vậy sẽ phụ thuộc vào phạm vi và số lượng đạn được sử dụng trong một khu vực", tổ chức nói thêm.

IAEA lưu ý rằng uranium nghèo chủ yếu là một hóa chất độc hại chứ không phải là mối nguy hiểm phóng xạ. Các hạt trong khí có chất này có thể hít vào hoặc ăn vào, và hầu hết sẽ được bài tiết trở ra. Dù vậy một số hạt có thể xâm nhập vào máu và gây tổn thương thận.

IAEA cho biết: “Nồng độ cao trong thận có thể gây ra tổn thương và trong trường hợp cực đoan là suy thận”.

Từng được sử dụng ở đâu?

Đạn uranium nghèo đã được sử dụng trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, để đối phó với xe tăng T-72 của Iraq và một lần nữa trong chiến sự tại nước này năm 2003, cũng như ở Serbia và Kosovo. Các cựu chiến binh quân đội Mỹ trong những cuộc xung đột đó đã đặt câu hỏi liệu việc sử dụng chúng có dẫn đến những căn bệnh mà họ đang phải đối mặt hay không.

Vyacheslav Volodin, người phát ngôn của Hạ viện Nga, cho biết các loại đạn chứa uranium nghèo có thể dẫn đến "một thảm kịch trên quy mô toàn cầu, sẽ ảnh hưởng chủ yếu đến các nước châu Âu".

Volodin cho biết việc sử dụng loại đạn như vậy của Mỹ ở Nam Tư cũ và Iraq đã dẫn đến "ô nhiễm phóng xạ và gia tăng mạnh các bệnh ung thư".

Phương Anh(Nguồn: Al Jazeera)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/uranium-ngheo-anh-dinh-gui-cho-ukraine-nguy-hiem-the-nao-ar760538.html
Zalo