Ukraine cắt nguồn khí đốt của Nga sang châu Âu: Lợi bất cập hại

Từ ngày 1/1/2025, Ukraine đã quyết định 'khóa van' nguồn cung khí đốt của Nga sang châu Âu. Nhiều ý kiến cho rằng, quyết định của Ukraine là một động thái chính trị, song cũng có thể gây ra nhiều hậu quả tiềm ẩn hơn những người người ta tưởng.

Giải mã quyết định của Ukraine

Bằng việc chính thức dừng quá cảnh nguồn cung khí đốt của Nga sang châu Âu, chính quyền Kiev đã không cho phép đối thủ Nga kiếm tiền từ việc cung cấp khí đốt cho Liên minh châu Âu (EU).

Theo ước tính, tập đoàn Gazprom sẽ mất gần 5 tỷ USD tiền bán khí đốt cho châu Âu. Rõ ràng là Naftogaz của Ukraine cũng sẽ mất khoảng 700-800 triệu USD phí quá cảnh hằng năm, nhưng có vẻ con số này không được chính quyền Kiev quá quan tâm bởi ngân sách Ukraine hiện nay về cơ bản hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn viện trợ từ các nước phương Tây.

Liên minh châu Âu không thể hiện sự phản đối mặc dù đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức mới. Do bị mất đi khoảng 40 tỷ mét khí đốt mỗi năm, vấn đề an ninh năng lượng của châu Âu sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ, mà rõ nhất là giá khí đốt sẽ leo thang (vốn đã ở mức ổn định trên 450 USD/1.000 mét khối).

Tuy nhiên, xét ở góc độ chính trị, quyết định của Kiev mang lại lợi ích cho EU khi “nắn gân” các nước thành viên vốn được xem là “cái gai” trong khối đoàn kết của châu Âu, là Hungarya, Slovakia.

 Một cơ sở khí đốt của Ukraine. Ảnh: GI/Ivan Rudnev

Một cơ sở khí đốt của Ukraine. Ảnh: GI/Ivan Rudnev

Dự trữ khí đốt ở Slovakia sẽ cho phép nước này tồn tại mà không cần nguồn cung từ Nga trong thời gian không quá 6 tháng. Rõ ràng là trong thời gian này, Slovakia sẽ không có đủ thời gian để tiếp cận Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, và điều này nhiều khả năng sẽ buộc Slovakia phải “cúi đầu” trước Brussels để tránh một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn diện. Điều tương tự cũng xảy ra với Chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban, mặc dù sự phụ thuộc của Hungary vào khí đốt từ Nga có phần ít hơn.

Mỹ có lẽ là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ quyết định của Ukraine. Tổng thống đắc cử Donald Trump đã yêu cầu EU mua thêm dầu và khí đốt của Mỹ để cân bằng cán cân thanh toán thương mại giữa hai bên. Giới phân tích cho rằng, việc Tổng thống Donald Trump thắng cử trong cuộc bầu cử vào tháng 11/2024 và đưa ra những tuyên bố gây sốc khiến cho các đồng minh của Mỹ, trong đó có Ukraine đặc biệt lo ngại về nguy cơ “bị bỏ rơi” trong cuộc đối đầu với Nga.

Những bài học kinh nghiệm trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump cho thấy rằng, chỉ bằng cách mang lại lợi ích thực sự cho nước Mỹ, các đồng minh mới tiếp tục nhận được “chiếc ô” an ninh của nước này. Do đó, quyết định “khóa van” của Ukraine sẽ buộc các nước châu Âu phải mua nhiều hơn khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ; điều này đồng nghĩa với việc đem lại một nguồn lợi nhuận khá lớn cho Mỹ từ việc bán LNG cho châu Âu.

Nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho chính Ukraine

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã tận dụng triệt để “con bài” năng lượng để đạt được những ý đồ chính trị. Không chỉ “ghi điểm” trong mắt Mỹ, quyết định của Ukraine còn giúp EU “nắn gân” các đồng minh khó bảo như Hungary hay Slovakia. Nếu không có cơ hội nhận khí đốt của Nga, họ sẽ buộc phải tìm kiếm nguồn thay thế, từ đó trở nên phụ thuộc vào các quốc gia có khả năng tiếp nhận LNG của Mỹ (ví dụ như Ba Lan).

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, việc dừng quá cảnh khí đốt Nga sang châu Âu có thể sẽ ảnh hưởng đến Ukraine nặng nề hơn các nước khác. Điều này xuất phát từ 2 nguyên nhân chính sau:

Thứ nhất, khí đốt quá cảnh phần lớn đóng vai trò là nguồn cung cấp nhiên liệu ngược cho Ukraine, khi khí đốt của Nga được các thương nhân châu Âu mua lại (nhiều người trong số họ được các công ty Ukraine hậu thuẫn) và quay trở lại Ukraine dưới “vỏ bọc” khí đốt từ EU. Giờ đây, EU sẽ buộc phải bán khí đốt của Mỹ, Na Uy và Qatar với giá sẽ đắt hơn so với nguồn khí đốt từ Nga cho Ukraine. Nếu tính cả chi phí vận chuyển, chắc chắn sẽ khiến Kiev tốn một khoản không hề nhỏ.

Thứ hai, việc dừng quá cảnh khí đốt từ Nga qua châu Âu có thể sẽ phá hủy hệ thống vận chuyển khí đốt của Ukraine như một tổ hợp sản xuất thống nhất. Áp suất giảm trong các đường ống dẫn khí sẽ gây khó khăn cho việc vận chuyển khí đốt được sản xuất ở vùng Poltava và Kharkov đến các khu vực phía tây.

Ngược lại, khí đốt từ các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất (UGS) ở phía tây đất nước sẽ không dễ dàng được vận chuyển đến các khu vực đông dân cư ở miền đông và miền trung Ukraine. Điều này dẫn đến nguy cơ sự phân chia ngày càng sâu sắc ở Ukraine, cả về khía cạnh kinh tế, lẫn chính trị.

Hùng Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ukraine-cat-nguon-khi-dot-cua-nga-sang-chau-au-loi-bat-cap-hai-post329653.html
Zalo