Uống nhầm thuốc trừ sâu đựng trong chai nước ngọt, em bé 8 tuổi nguy kịch
Em bé 8 tuổi ở Thừa Thiên - Huế cầm chai nước ngọt Number 1 lên uống mà không biết bên trong là thuốc trừ sâu, bé được đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Sau khi uống nhầm thuốc Abamectin đựng trong chai nước ngọt hiệu Number 1, cơ thể bé P.T.Q. (8 tuổi, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) trở nên tím tái. Bé được đưa đến viện trong tình trạng ngừng tim ngừng thở, nguy cơ tử vong rất cao.
Tại khoa Hồi sức tích cực – Cấp cứu nhi, Trung tâm Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế, các bác sỹ nhanh chóng hồi sức tích cực, hỗ trợ thở máy và chỉ định các thuốc vận mạch, sau đó hội chẩn và loại bỏ ngay độc chất bằng cách rửa dạ dày với than hoạt tính, song song với việc khai thác thông tin từ người nhà để biết tên chính xác của chất gây độc.
Đánh giá bệnh nhi vẫn hôn mê sâu, tổn thương phổi rất nặng nề, các bác sỹ cho lọc máu để hỗ trợ các cơ quan nội tạng bị tổn thương.
Sau 3 ngày điều trị tích cực, cháu Q. dần cử động lại được tay chân. Sau 1 tuần, trẻ được rút ống nội khí quản. Hiện tại bệnh nhân phục hồi sức khỏe tốt, không để lại di chứng và được xuất viện.
Abamectin là một loại thuốc trừ sâu nguồn gốc vi khuẩn, được dùng trong nông nghiệp để diệt rầy nâu, bọ trĩ, sâu cuốn lá, sâu đục thân, bọ xít, rệp muội… trên lúa, xoài, cam, cà, dưa hấu, đậu…
Các trường hợp ngộ độc abamectin chủ yếu được báo cáo từ các quốc gia châu Á có nền tảng nông nghiệp, đôi khi gây ra hậu quả nghiêm trọng về thần kinh và tim phổi. Nó ức chế dẫn truyền thần kinh qua thụ thể GABA và đến nay chưa có chất giải độc.
Khi uống nhầm chất này, bệnh nhân có triệu chứng nôn ói, co giật, hôn mê sâu, chậm nhịp tim, suy hô hấp và nguy cơ tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Tại Việt nam, theo kết quả nghiên cứu 20 ca ngộ độc Abamectin tại An Giang, bệnh nhân ngộ độc Abamectin có tiên lượng tử vong thấp nếu nhập viện kịp thời và đáp ứng tốt với điều trị nội khoa hỗ trợ tích cực (thở máy, thuốc vận mạch).
Bác sỹ khuyến cáo, cần nâng cao nhận thức của người dân về hậu quả nghiêm trọng của loại thuốc trừ sâu này. Khi có người ngộ độc, cần tìm chính xác tên của chất gây độc. Phụ huynh không được để các thuốc trừ sâu, diệt cỏ trong những chai nhựa được thiết kế bắt mắt như chai nước ngọt, lọ bánh… vì dễ gây nhầm lẫn cho trẻ em. Nên đặt chúng xa xa tầm tay của trẻ em để phòng ngừa tai nạn.