Uống cà phê và trà mỗi ngày có thể giúp giảm nguy cơ mắc ung thư đầu và cổ

Uống cà phê hoặc trà mỗi ngày có thể hỗ trợ bảo vệ cơ thể khỏi một số bệnh ung thư. Một nghiên cứu mới cho biết, việc tiêu thụ hai loại đồ uống này có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc ung thư đầu và cổ.

NỘI DUNG

1. Mối liên hệ giữa việc tiêu thụ cà phê, trà với nguy cơ mắc ung thư đầu và cổ

2. Cà phê ảnh hưởng đến ung thư như thế nào?

1. Mối liên hệ giữa việc tiêu thụ cà phê, trà với nguy cơ mắc ung thư đầu và cổ

Ung thư đầu và cổ (HNC) bao gồm ung thư khoang miệng, hầu họng, hạ họng và thanh quản, là loại ung thư phổ biến thứ 7 trên toàn thế giới. Với xu hướng gia tăng về tỷ lệ tử vong và tỷ lệ mắc ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, gánh nặng HNC toàn cầu dự kiến sẽ tăng. Điều này đòi hỏi các nhà khoa học tập trung vào việc tìm hiểu các yếu tố nguy cơ HNC để phòng ngừa ban đầu nhằm giảm tỷ lệ mắc ung thư đầu và cổ.

Mặc dù thuốc lá và rượu là các yếu tố nguy cơ gây ung thư đầu và cổ đã được xác định nhưng vai trò của các yếu tố chế độ ăn uống bao gồm tiêu thụ cà phê và trà vẫn chưa được hiểu đầy đủ.

Cà phê và trà là hai loại đồ uống phổ biến được tiêu thụ trên toàn thế giới, chứa các hợp chất hoạt tính sinh học có tác dụng chống oxy hóa, chống ung thư và chống viêm tiềm năng. Cà phê chứa các hợp chất như caffeine, polyphenol, trigonelline, acid chlorogenic, cafestol và kahweol. Trong khi trà bao gồm caffeine, polyphenol, catechin, flavanol, lignan và acid phenolic.

Cà phê và trà chứa các hợp chất hoạt tính sinh học có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm.

Cà phê và trà chứa các hợp chất hoạt tính sinh học có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm.

Để hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa việc tiêu thụ cà phê và trà và nguy cơ mắc HNC, một phân tích mới đây được công bố trên tạp chí CANCER thuộc Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ đã cho thấy mối liên hệ giữa việc tiêu thụ cà phê và trà với nguy cơ mắc HNC.

Phân tích gộp 9.548 trường hợp HNC và 15.783 đối chứng từ 14 nghiên cứu đối chứng ca bệnh cấp độ cá nhân đã được tiến hành từ liên đoàn Dịch tễ học ung thư đầu và cổ quốc tế.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, những người uống hơn bốn tách cà phê mỗi ngày, so với những người không uống cà phê, có nguy cơ mắc ung thư đầu và cổ thấp hơn 17%; nguy cơ mắc ung thư miệng thấp hơn 30%; và nguy cơ mắc ung thư vòm họng thấp hơn 22%. Những người uống ba đến bốn tách cà phê mỗi ngày có liên quan đến nguy cơ mắc ung thư hạ họng, một loại ung thư xảy ra ở đáy họng, thấp hơn 41%. Uống trà làm giảm nguy cơ mắc loại ung thư này xuống 29%.

Và caffeine dường như không phải là yếu tố duy nhất dẫn đến việc giảm nguy cơ này. Kết quả cho thấy việc uống cà phê không chứa caffeine có liên quan đến việc giảm 25% nguy cơ mắc ung thư miệng.

Các nhà nghiên cứu cho biết thêm, các nghiên cứu trước đây đã phát hiện ra rằng việc uống cà phê sẽ ức chế hoạt động sinh học có thể gây ra bệnh ung thư. Uống một tách trà hoặc ít hơn mỗi ngày có thể giúp giảm 9% nguy cơ mắc ung thư đầu và cổ.

Tuy nhiên, uống nhiều hơn một tách trà mỗi ngày có liên quan đến nguy cơ mắc ung thư vòm họng cao hơn 38%. Nguy cơ gia tăng này có thể là do trà thúc đẩy trào ngược acid ở những người uống. Trào ngược có liên quan đến nguy cơ ung thư vòm họng cao hơn.

Các nhà nghiên cứu cho biết, những phát hiện của họ ủng hộ mối liên hệ giữa tác dụng bảo vệ của việc tiêu thụ cà phê và trà đối với nguy cơ mắc HNC. Các nghiên cứu sâu hơn nên đánh giá tác động của việc tiêu thụ cà phê và trà ở các khu vực khác, đặc biệt là ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình chịu gánh nặng của HNC, cũng như bao gồm các loại cà phê và trà khác nhau và các cách chế biến. Điều này có thể giúp đóng góp thêm vào việc hiểu các cơ chế liên quan giữa việc tiêu thụ cà phê và trà với nguy cơ mắc HNC.

Uống cà phê có liên quan đến nguy cơ tử vong thấp hơn do mọi nguyên nhân.

Uống cà phê có liên quan đến nguy cơ tử vong thấp hơn do mọi nguyên nhân.

2. Cà phê ảnh hưởng đến ung thư như thế nào?

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc uống cà phê có liên quan đến nguy cơ tử vong thấp hơn do mọi nguyên nhân tử vong. Tuy nhiên, mối liên hệ với ung thư nói chung hoặc với các loại ung thư cụ thể vẫn chưa rõ ràng. Năm 2016, một nhóm chuyên gia làm việc được triệu tập cho Chương trình chuyên khảo của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế đã xem xét cơ quan nghiên cứu trên người và trong phòng thí nghiệm trên thế giới về việc uống cà phê với nguy cơ ung thư và họ thấy rằng, bằng chứng về khả năng gây ung thư của việc uống cà phê là "không thể phân loại".

Họ cũng phát hiện ra rằng, uống cà phê không phải là nguyên nhân gây ung thư vú, tuyến tụy và tuyến tiền liệt nhưng có thể làm giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung và ung thư gan. Bằng chứng được đánh giá là không đủ đối với các loại ung thư khác. Lý do thiếu bằng chứng thuyết phục bao gồm kết quả không nhất quán giữa các nghiên cứu và các vấn đề về chất lượng dữ liệu.

Ngoài ra, vì những người hút thuốc cũng có xu hướng uống cà phê nên rất khó để tính đến hoàn toàn việc sử dụng thuốc lá trong các nghiên cứu về cà phê và các bệnh ung thư liên quan nhiều đến thuốc lá. Những vấn đề này có thể được giải quyết bằng cách kiểm tra rủi ro ở những người không hút thuốc hoặc bằng cách điều chỉnh thống kê chi tiết đối với việc hút thuốc. Ví dụ, nghiên cứu ban đầu cho thấy cà phê làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang nhưng sau đó người ta phát hiện ra rằng yếu tố gây bệnh thực sự là hút thuốc.

Thu Phương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/uong-ca-phe-va-tra-moi-ngay-co-the-giup-giam-nguy-co-mac-ung-thu-dau-va-co-169250103153953195.htm
Zalo